Trên một khu đất rộng 20ha, đầy ao đầm ven quốc lộ 1A thuộc xã An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang), 12 cán bộ khoa học của Trung tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt nam bộ (TTQGGTSNNNB) đang tìm mọi cách bảo tồn những loài cá quý của dòng Mê Kông đang dần tuyệt chủng. Sau nhiều năm, họ đã thành công trong việc thuần dưỡng, lưu giữ và phát triển hơn 20 lời cá tự nhiên quý hiếm.
Săn tìm cá hiếm
Tiến sĩ Phạm Văn Khánh đưa tôi đi thăm cơ ngơi của trung tâm. Gần 400 bể com-pô-dít từ 1m3 đến 20m3, 60 bể xi-măng dung tích từ 15m3 đến 30m3 và 12 ha mặt nước ao nuôi mà trung tâm đang thuần dưỡng, nghiên cứu cho sinh sản những loài cá có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Khánh nói: Ði tìm những loài cá quý, sắp tuyệt chủng thật kỳ công. Cán bộ, nhân viên trung tâm đã không quản khó nhọc, lặn lội khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tìm kiếm cá quý và mua về với giá cao để thuần dưỡng. Theo ông, mỗi năm vài trăm tấn cá đến thời kỳ sinh sản bị đánh bắt. So với cách đây mười năm, số lượng cá quý trên dòng Mê Công đã ít đi rất nhiều, kích cỡ cũng nhỏ dần đi…
Năm 2002, khi thực hiện dự án sinh sản nhân tạo cá cóc, một loài cá quý của sông Mê Công, ông Khánh phải qua thị xã Vĩnh Long tìm đến một quán cơm chuyên bán món cá cóc kho nước dừa nổi tiếng nài nỉ mua bằng được một con cá ướp nước đá với giá 70.000 đồng/kg về mổ ra… nghiên cứu.
Sau đó, các nhà khoa học của trung tâm lặn lội ngược sông Tiền, sông Hậu về Ðồng Tháp, An Giang đặt hàng dân làm nghề chài lưới mua cá, nhưng mãi đến sáu tháng sau cũng chẳng đem về được con nào. Lý do, cá cóc trên dòng Mê Kông rất hiếm và “khó tính”.
Do đó, các nhà khoa học phải tham gia cùng với dân chài lưới và thợ lặn. Hễ phát hiện cá cóc là đưa ngay vào bồn chứa, rồi thuê ngay một ao ven sông để nuôi dưỡng. Ðúng một tháng sau mới chuyển về trung tâm bằng ghe đục hoặc xe có bơm ô-xy và tiếp tục thuần dưỡng cá đến hai tháng sau cá mới bắt đầu thích nghi với môi trường mới.
Hay một loài cá quý khác là cá trà sóc (cá sọc dưa) cũng ở dòng Mê Công, hiện nay rất hiếm về số lượng và giữ cũng rất khó. Bởi loài cá này hễ đánh bắt lên khỏi mặt nước là chết, cho nên các nhà khoa học phải đặt hàng sống và giá cao gấp hai lần giá thường. Khi dân chài phát hiện cá trà sóc phải đem lên nhẹ nhàng, bỏ ngay vào bồn sục khí và chuyển nhanh về trung tâm…
Cuộc săn tìm các loài cá quý của dòng Mê Kông để bảo tồn tuy cam go, cực nhọc, nhưng cũng đầy thú vị. Chỉ tay về phía ao nuôi thành công gần một trăm con cá cóc tại trung tâm, Tiến sĩ Khánh kể: “Gian nan lắm mới có được đàn cá này. Dù đặt giá cao nhưng nhiều năm liền trung tâm mua được cá cóc bố mẹ với số lượng rất ít. Mang được cá về anh em lại mất ăn mất ngủ với những lần cá bệnh bỏ ăn, những mẻ trứng thất bại. Bây giờ đàn cá cóc này là một tài sản rất quý”.
Thạc sĩ Trịnh Quốc Trọng, Giám đốc Dự án Nuôi các loài cá bản địa của sông Mê Kng cho biết: Ðến giờ này anh đã thở phào nhẹ nhõm với con cá bông lau (tên khoa học là Pangasius krempfi), một loài cá da trơn đặc sắc của sông Mê Công đang có nguy cơ tuyệt chủng vì nạn đánh bắt tận diệt của con người từ thác Khone của Lào xuống đến đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2003, khi triển khai thực hiện dự án bảo tồn cá bông lau, thạc sĩ Trọng đã ra tận cửa biển Trần Ðề (Sóc Trăng) tìm mua cá bố mẹ với giá từ 90 nghìn đồng đến 110 nghìn đồng/kg. Chọn được con cá đạt tiêu chuẩn, thạc sĩ Trọng phải lập tức đưa cá vào bể sục khí và chuyển ngay về trung tâm nuôi dưỡng. Cực nhọc như vậy, nhưng các nhà khoa học của trung tâm cũng không ít lần trắng tay.
Anh Trọng nhớ lại: “Hồi đó tụi tôi cứ nghĩ con cá bông lau cũng giống như con cá tra, cho nên mua được gần 400 con lớn nhỏ đều thả vào ao nuôi. Chẳng ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, mấy trăm con cá chết dần, chỉ còn đúng một con. Tìm hiểu mãi mới phát hiện một điều cốt tử: Cá bông lau chỉ chấp nhận môi trường nước chảy, không sống được trong cảnh ao tù và không quen thức ăn công nghiệp. Mất gần hai năm tập hợp lại đàn cá bố mẹ hơn 300 con, thạc sĩ Trọng và các nhà khoa học tìm được một nơi có môi trường nước lý tưởng trên đoạn sông Tiền ở xã Mỹ Long (Cao Lãnh, Ðồng Tháp) để đóng bè thả nuôi cá và tập cho chúng quen dần với thức ăn công nghiệp.
“Chúng tôi sẽ cho cá bông lau sinh sản và khuyến khích ngư dân thả nuôi trong bè. Vì, theo khảo sát thì hiện nay cá bông lau trên sông Mê Công đã giảm hơn 70% sản lượng, hằng năm tại khu vực sinh sản của cá bông lau ở thác Khone có hàng trăm tấn cá đi đẻ bị đánh bắt, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn”, anh Trọng nói.
Bảo tồn và phát triển cá hiếm
TTQGGTSNNNB có chức năng nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ sinh sản, chọn lọc, lai tạo giống, nhập nội, thuần hóa giống mới, ứng dụng và phát triển công nghệ nuôi vào sản xuất, chuyển giao công nghệ và khuyến ngư.
Với nhiệm vụ này, trung tâm đã thực hiện thành công các đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo hơn 20 loài cá nước ngọt ở Nam Bộ, đưa các đối tượng nghiên cứu vào cơ cấu đàn cá nuôi ngày càng phong phú.
Trong đó, đặc biệt với loài cá tra và ba sa, trung tâm là một trong những đơn vị đầu tiên nghiên cứu thành công sinh sản, nhân tạo, góp phần chủ động hoàn toàn cá giống để nuôi. Hằng năm, trung tâm đưa ra thị trường 10 – 20 triệu con cá giống các loại trong đó có nhiều loài cá hiếm như chài, éc mọi, duồng…
Thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi, chủ nhiệm dự án thuần dưỡng tái tạo và phát triển cá hô, giới thiệu với chúng tôi: “Cá hô, tên khoa học là Catlocarpio siamensis, một trong những loài cá khổng lồ của sông Mê Công, được trung tâm thuần dưỡng và cho sinh sản thành công. Mỗi lần kiểm tra sức khỏe hoặc lấy trứng sinh sản, đều phải tiêm thuốc mê chứ bình thường 4-5 người không giữ nổi nó”. Hiện tại, đàn cá hô bố mẹ ở trung tâm có 84 con, con lớn nhất nặng hơn 25 kg, là một kỳ công của các nhà khoa học.
Thạc sĩ Ngãi kể: Khi triển khai dự án bảo tồn cá hô năm 2003, trung tâm phải cử người đi khắp các tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang lùng mua cá hô với giá hơn 100 nghìn đồng/kg. Những con cá hô giống rất hiếm, nhưng được người dân nuôi làm cảnh trong ao từ lúc rất nhỏ, cho nên đã thuần thục với điều kiện nuôi nhốt. Vừa nuôi vừa nghiên cứu và cho đẻ thử, mãi đến tháng 06/2005 mẻ trứng đầu tiên mới nở, nhưng tỷ lệ chỉ đạt 13%.
Lại tìm tòi, nghiên cứu và đến mùa sinh sản năm 2006 tỷ lệ cá bột đã đạt 40%. Tháng 03/2006, trung tâm cung cấp cho các chủ bè và đăng quần ở An Giang, Ðồng Tháp 1.000 con cá giống nuôi thử, hiện nay trọng lượng đã nặng hơn 1 kg/con. Hơn chục nghìn con khác đang được một công ty ở TP Hồ Chí Minh và các nhà khoa học của trung tâm nuôi dưỡng, theo dõi.
Anh Ngãi nói, theo lời ngư dân sông Tiền, sông Hậu, cá hô là loài cá có thể đạt trọng lượng hơn 200 kg/con và đang ngày càng hiếm thấy. Ở Campuchia, cá hô được bảo vệ nghiêm ngặt và được công bố là loài cá quốc gia, gắn thẻ theo dõi. Trong khi ở Việt Nam thỉnh thoảng ngư dân trên sông Vàm Nao (An Giang) bắt được cá hô khổng lồ và… đưa vào nhà hàng làm thịt. Con cá hô lớn nhất do ngư dân Huỳnh Văn Hổ ở An Giang bắt được trên sông Vàm Nao tháng 04/2002 nặng 153 kg, và từ đó đến nay chưa có con cá hô nào vượt qua kỷ lục này. Do vậy, chỉ có thuần dưỡng và khuyến khích nuôi trên diện rộng mới có thể ngăn chặn được thảm họa tuyệt chủng của loài cá hô khổng lồ.
Hiện nay, các nhà khoa học ở TTQGGTSNNNB lại nghiên cứu những loài cá hiếm quý khác của sông Mê Công. Tiến sĩ Phạm Văn Khánh cho biết, dù mất nhiều thời gian và công sức, nhưng trung tâm chỉ mới thu thập và nuôi dưỡng được năm con cá trà sóc và hai con cá vồ cờ – hai loài cá rất quý hiếm và đã gần như tuyệt chủng của sông Mê Công. “Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thêm những loài đang có nguy cơ vắng bóng như cá sửu, cá ngác, cá lăng, cá kết, chạch lấu… để tìm cách cho sinh sản nhân tạo và khuyến khích phát triển nghề nuôi. Nếu không làm kịp thì trong tương lai không xa, nhiều loài cá quý của sông Mê Công sẽ không tồn tại trước đà đánh bắt theo kiểu hủy diệt của con người”.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là sự cố gắng không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, công nhân viên TTQGGTSNNNB nhằm đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển nghề cá của địa phương, khu vực Nam Bộ và cả nước.