ThienNhien.Net – Gần đây, tại các vườn quốc gia ở Ấn Độ, tình trạng săn trộm tê giác đã diễn ra mạnh mẽ. Chỉ riêng trong tuần cuối cùng của tháng 4 đã có ba con tê giác đã bị giết hại tại vườn quốc gia Rajiv Gandhi Orang và hai con tê giác khác bị bắn hạ tại Kaziranga. Tổng cộng, đã có 16 con tê giác bị giết chết trong năm 2007 và thêm 4 con bị săn trộm trong 2 tháng đầu năm nay.
Nước láng giềng Ấn Độ là Nê-pan cũng đang là địa bàn hoạt động của nạn săn trộm này. Tổng số tê giác bị săn trộm đã là 6 trường hợp, tính từ đầu năm đến nay. Như vậy, cứ trung bình 10 con tê giác thì có 5 con bị bắn hạ mỗi năm và người ta ghi nhận rằng con số này đang gia tăng.
Sự gia tăng đột ngột số lượng tê giác bị săn trộm là một thực trạng đáng buồn và gây nhiều lo lắng; nó trái ngược hẳn với tin vui từ Quỹ quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) khi họ thông báo Ấn Độ đã di chuyển thành công 2 con tê giác cái từ khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã Pobitora về vườn quốc gia Manas, mở đầu cho chiến dịch “Tầm nhìn về tê giác Ấn Độ năm 2020”, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng tổng số tê giác Ấn Độ trên khắp các khu vực bảo tồn ở phía Đông bắc Assam lên 3000 con. Chiến dịch này có sự chung tay góp sức của chính quyền tỉnh Assam.
Được biết, hiện nay tình trạng sinh sống của tê giác Ấn Độ không ổn định do áp lực của thị trường thế giới tiếp tục tác động làm cho nhu cầu sừng tê giác gia tăng.
Những sự việc diễn ra gần đây cho thấy, những tên săn trộm đang lợi dụng các khe hở trong việc thực thi luật pháp tại các địa phương. Bọn chúng ngày càng táo tợn hơn khi săn bắn động vật ở gần khu vực cắm trại tại các công viên và làng mạc, điều này lại một lần nữa cho thấy lợi nhuận từ việc buôn bán trái phép động vật hoang dã là rất cao, đủ khiến chúng liều lĩnh.
Tiến sĩ Susan Lieberman, Giám đốc quản lý chương trình các loài sinh vật quốc tế, thuộc WWF nói: “Những kẻ săn trộm có thể đến từ các khu vực ngoại ô Assam. Sự phối hợp săn bắn trái phép tê giác cũng như việc tiêu thụ sừng tê giác đang ngày càng được tổ chức tinh vi hơn giống như một tổ chức tội phạm đa quốc gia. Vì vậy, đòi hỏi cần có một tổ chức có thẩm quyền đứng ra ngăn chặn việc săn bắn trộm thú vật và tấn công vào các mắc xích tiêu thụ ngay từ gốc rễ của nó – những mạng lưới buôn lậu sừng tê giác xuyên biên giới đến các thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc hay ở một nơi nào đó tại châu Á”.
WWF đang cố gắng bảo tồn các loài động vật như voi, tê giác và hổ dọc theo địa bàn sinh sống của chúng – bao gồm cả những nhóm sinh sống tại phía Đông dãy Himalaya.
Bên cạnh đó, Quỹ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc bảo vệ những con tê giác mới được chuyển đến. “Nhân viên bảo vệ sẽ cần thêm nhiều hỗ trợ để tạm thời ngăn chặn các nhóm săn trộm vì chúng thường thay đổi vị trí cho phù hợp với khu vực sinh sống của những tê giác mới được chuyển đến”, tiến sĩ Sujoy Banerjee, Giám đốc quản lý chương trình bảo tồn các loài sinh vật Ấn Độ, thuộc WWF nói thêm.
Để đảm bảo cho sự an toàn của quần thể tê giác tại Assam, WWF đã kêu gọi chính quyền Assam áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn để đối phó với những thách thức của các băng nhóm tôi phạm.
Tiến sĩ Banerjee tuyên bố: “Chính phủ Ấn Độ cần phải triệu tập ngay một cuộc họp giữa các cơ quan thi hành pháp luật của các tỉnh Nagaland, Manipur, Assam, Tây Bengal cùng với các tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại các khu vực nêu trên để tìm biện pháp đối phó với vấn nạn buôn bán trái phép sừng tê giác xuyên quốc gia. Ngược lại, các cơ quan và tổ chức này cũng nên đưa ra lời cam kết sẽ hỗ trợ chính quyền tỉnh Assam để chống lại tình trạng này”.
WWF ở Ấn Độ cũng đang cố gắng hết sức để tiếp tục hỗ trợ chính quyền tỉnh Assam bảo vệ loài tê giác, đồng thời kêu gọi các cá nhân và tập thể có cùng chung quan điểm cũng như mối quan tâm để mở rộng nguồn hỗ trợ cho mục đích trên.