Nếu bước chân vào những khu nhà vệ sinh (NVS) tại hầu hết các bệnh viện (BV) lớn ở Hà Nội, bất cứ ai cũng bị ám ảnh bởi những gì đang diễn ra. Sàn nhà nước ngập lõng bõng, không có chậu rửa tay, chỗ đi tiểu tiện trở thành chỗ chứa rác, các trang thiết bị bên trong đều không còn nguyên vẹn.
Thậm chí, nhiều NVS được xây mới cách đây chưa lâu cũng đã hư hỏng không còn tác dụng trước hàng nghìn lượt người vào, ra mỗi ngày trong BV. Vô hình trung BV là nơi chữa bệnh đang có nguy cơ trở thành nơi phát sinh mầm bệnh bởi những NVS này.
Đầu vào thì có, đầu ra thì không
11h trưa, trong không khí ngột ngạt của Khoa Khám bệnh – BV Xanh Pôn, nhốn nháo bệnh nhân (BN) và người nhà BN với khuôn mặt thất thần, lo lắng chờ đến lượt thăm khám. Anh Đỗ Văn Tính, quê ở Ninh Bình đưa vợ đến khám bệnh thấp thỏm đứng ngồi không yên vì vừa dỏng tai chờ nhân viên y tế gọi đến lượt, vừa “đảo mắt” tìm NVS.
Phải mất 15 phút, hỏi thăm vài người, anh Tính mới tìm được NVS. Anh Tính cười: “Thành phố có khác, đến chỗ đi tiểu tiện cũng phải xếp hàng, chẳng bù cho ở quê tôi cứ thiên nhiên hóa ra lại hay!”. Ghé tai, anh Tính nói nhỏ: “Cũng chẳng sạch hơn NVS ở quê tôi là mấy!”.
Với những người như anh Tính có thể là chuyện lạ nhưng đối với nhiều người thường xuyên lui tới BV thì đây là chuyện bình thường. Tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu BV Thanh Nhàn chỉ có hai cái NVS nằm ở góc khuất của cầu thang, nhưng một cái đã bị khóa kèm theo tờ giấy dán trên cửa: “NVS đang bị tắc nên khóa cửa”.
“Người khám bệnh thì đông ngồi cả ngày chờ đợi nên ai cũng có nhu cầu cần “giải quyết” song do chỉ có mỗi một cái NVS hoạt động nên đành phải chờ hoặc cố nhịn thôi”, bà Vũ Thị Thanh, ở Thái Bình, người nhà bệnh nhân Khoa sản, BV Thanh Nhàn cho biết.
Đáng nói hơn cả là khối nhà 11 tầng của BV Thanh Nhàn tuy mới được đưa vào sử dụng nhưng một số khu NVS đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ai đó chỉ một lần đến nhà vệ sinh Khoa Sọ não chấn thương chỉnh hình thì thật khó quên.
Sàn nhà ướt lép nhép, nước bẩn, cần gạt nước hỏng, nắp đậy của bình chứa nước không có, giấy bẩn tràn cả thùng mà không hề được dọn, bồn cầu thì ứ đọng một thứ nước vàng khè trông rất kinh hãi.
Tại BV U bướu Hà Nội, thậm chí còn không có biển NVS nam hay nữ, chỉ thấy ghi chung chung “Vệ sinh WC” nên mỗi lần muốn đi vệ sinh thì người bệnh lại phải đứng đợi xem có người đi ra không cho chắc.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh, ở phố Minh Khai lắc đầu: “Vào đây mới thấy cái việc tưởng như đơn giản là đi tiểu tiện thôi cũng khiến bất cứ ai khóc dở, mếu dở. Ai đời vào NVS cứ lo nơm nớp vì sợ đám đàn ông xông vào”. Ngoài việc không có biển chỉ dẫn, biển báo NVS nam, nữ, nhiều NVS, khi tìm được rồi thì mọi người lại vội vã quay ra vì bên trong bồn cầu bị tắc hoặc không có nước dội.
Chỗ đi vệ sinh không được quét dọn thường xuyên, gây ùn tắc, mùi bốc lên nồng nặc… không ai dám đứng lâu hoặc nếu “mót” lắm thì cũng nhắm mắt, nín thở cố vào rồi ra thật nhanh.
Đã vào là “ngây ngất”
Theo ghi nhận, NVS tại các BV thường có diện tích hẹp chỉ khoảng 10m2 chia làm những ngăn nhỏ mỗi ngăn khoảng 2-3m2 nhưng lỉnh kỉnh những đồ đạc vệ sinh, chổi lau nhà, xô chậu… Nguyên thùng đựng nước dội đã cáu bẩn cộng với vài cái bô, chậu của BN đã chiếm hết cả phòng vệ sinh.
Đôi khi bệnh nhân hay người nhà vô ý để luôn chậu nước tiểu chưa đổ làm cho nơi đây càng bốc mùi kinh khủng. Đưa tay lên bịt mũi, lấy hết can đảm chúng tôi mới dám bước vào cửa NVS khu C3 – Viện Tim mạch BV Bạch Mai nhưng vừa đặt chân vào trong chúng tôi đã phải “bỏ chạy” vì không chịu nổi mùi khai nồng nặc.
Những bệnh nhân điều trị trong khoa cho biết, đây không chỉ là nơi đi vệ sinh, khu NVS này còn được sử dụng làm nhà tắm nhưng do quá bẩn nên không người nào dám tắm ở đây. “Ra ngoài tắm tuy mất tiền nhưng đỡ “ghê”. Mỗi lần nhà vệ sinh bị tắc thì nhịn là hơn cả, nhiều khi không chịu nổi chị em trong phòng bệnh bảo nhau đi vào bô rồi mang ra đổ”, bà Đào Thị Thắm, bệnh nhân vừa mổ nối van tim thều thào mách chúng tôi.
“Đáng sợ” nhất phải kể đến là khu NVS Khoa Nội tiết – BV Nội tiết. Bước vào khu NVS, chúng tôi thật sự hãi hùng. Trong khu vệ sinh chật chội, bốc mùi, giấy vệ sinh vương vãi khắp nơi. Một số bồ rác còn “chễm trệ” đặt lên cả vách ngăn của nhà vệ sinh, dưới sàn đầy chai lọ bỏ đi nằm la liệt.
Đứng quan sát hồi lâu, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của nhân viên vệ sinh(!?). Tương tự, NVS trong khu người nhà bệnh nhân tại BV Việt Đức cũng khủng khiếp không kém. Bồn cầu nổi lềnh bềnh những “sản phẩm” của ai đó đại tiện để lại, bốc lên mùi xú uế khiến cho những người đến sau phát khiếp.
Chỉ cần “mục sở thị” những khu NVS ở các BV lớn trong thành phố, thậm chí cả những BV nội thành như BV Nông nghiệp chúng tôi đã bị ám ảnh bởi những khu NVS có một không hai này tới mức ra khỏi đó rồi mà vẫn còn cảm giác “ngây ngất”…