Những âm thanh rộn ràng, náo nức của cồng chiêng mỗi độ xuân về trên các bản làng của xứ Mường sẽ có dịp ngân nga âm điệu trong không gian văn hóa của Hà Nội 36 phố phường vào tháng 7 tới. Đó là hoạt động tiếp theo sau thành công của chiếu Xẩm tối thứ bảy do nhóm nghệ sĩ thuộc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tổ chức nhằm đưa âm nhạc dân gian đến với đời sống nhân dân.
Độc đáo và cổ xưa…
Theo nhà nghiên cứu Lê Thanh Bảo: “Cồng chiêng Mường là niềm kiêu hãnh của Lạc Việt” bởi tính cổ xưa và độc đáo của nó. Mỗi nốt chiêng phát ra có hệ bồi âm tạo nên những dư vang, dư ảnh mà điều này không thể có ở piano, violon… Âm thanh của cồng chiêng rất “linh”, như âm vang từ ngàn xưa vọng về”. Nhạc sĩ Thao Giang – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cũng tâm sự: “Khi đánh cồng chiêng, tôi thấy trong người mình rất lạ, hình như có yếu tố tâm linh nào đó”.
Điều này không hề khó hiểu, bởi từ rất lâu rồi, cồng chiêng Mường là phương tiện để con người giao tiếp với thế giới thần linh, chẳng hạn năm nào mưa thuận gió hòa, chiêm mùa bội thu, người ta tổ chức hội mùa pồn poong để vừa mừng cơm mới, vừa tạ ơn thần linh đã phù hộ cho xóm làng một năm làm ăn mát mẻ, hoặc trong lễ tiễn đưa vong hồn người quá cố về nơi chín suối, không thể thiếu âm thanh của những chiếc cồng đưa vong hồn người chết trẩy đi xa dần, xa dần vào cõi vĩnh hằng xa vời, hun hút, làm cho cả đám tang như chìm sâu vào không khí linh thiêng, đầy tiếc thương.
Trong quan niệm Thiên – Địa – Nhân, cồng chiêng chính là gạch nối 3 yếu tố này. Vì thế, cồng chiêng Mường gắn bó mật thiết với cuộc sống vật chất và tinh thần của người Mường. Thường thì mỗi nhà có ít nhất vài ba chiếc, số lượng chiêng càng nhiều thì chứng tỏ chủ nhà càng giàu có. Từ mấy nghìn năm trước, người Mường đã biết sử dụng cồng chiêng trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, lễ nghi… Cồng chiêng có mặt trong lễ mừng em bé Mường gần tròn một tuổi, cha mẹ làm lễ đặt tên cho con.
Trong ngày vui ấy, ông bà, cha mẹ, chú bác, họ hàng nội ngoại đem cồng chiêng đánh, gióng lên bản nhạc rộn ràng, báo cho xóm làng biết từ nay trong cộng đồng có thêm một thành viên mới để mọi người cùng vui. Khi con trai, con gái Mường đến tuổi trưởng thành, cha mẹ dựng vợ gả chồng cho con. Trong những ngày tổ chức đám cưới, nhà có nghèo đến mấy cũng phải lo cho được ít nhất một giàn cồng chiêng. Tiếng bínhbôồng…bínhbôông rộn ràng làm cho không khí ngày cưới thêm tưng bừng, náo nức.
Phải rất Mường…
Đình Hào Nam cổ kính – nơi tọa lạc của Trung tâm phát triển nghệ thuật Việt Nam sẽ là nơi tập luyện cồng chiêng Mường của cả đoàn. Trong không gian rộng rãi, mát mẻ của ngôi đình, các diễn viên tỏ ra rất hồ hởi, tiếp nhận nhanh những kỹ thuật chơi cồng chiêng do nhà nghiên cứu Lê Thanh Bảo truyền đạt, họ không gặp bất cứ sự bỡ ngỡ nào khi chơi nhạc cụ cổ truyền này vì đối với đồng bào dân tộc Kinh chúng ta, chiêng không phải là vật gì xa lạ, nó thường được dùng một mình hoặc cùng với trống cái tạo nhịp trong các lễ nghi đình đám. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các diễn viên không có khó khăn trong quá trình tập luyện.
Nhạc sĩ Thao Giang cho biết: “Sử dụng cồng chiêng là việc không khó đối với các nghệ sĩ ở đây, nhưng đánh để ra được bản sắc văn hóa Mường là điều khó nhất, từ kỹ thuật chơi, cho tới những bước di chuyển các diễn viên cũng phải rất “Mường”. Vì thế, từ những động tác nhỏ nhất, các diễn viên phải tập cho đến khi thành thục thì thôi. Từ nay đến tháng 7 không còn lâu, các nghệ sĩ trong đoàn đang rất mong chờ đến ngày được biểu diễn những âm thanh Mường trước đông đảo khán giả Thủ đô.