Chiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng đến năm 2020 đã đề ra mục tiêu phát triển sản xuất vật liệu xây dựng không nung thay thế gạch đất sét nung vào năm 2010 là 20%.
Tuy nhiên, “chỉ còn hai năm nữa sẽ tới mốc 2010, trong khi đó, theo các con số thống kê chưa đầy đủ thì tỷ lệ này hiện mới chỉ đạt khoảng 5%”, TS, Trần Đức Long – Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thẳng thắn nhìn nhận.
Vật liệu truyền thống đang tàn phá tài nguyên
Mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 16 tỷ viên gạch ngói nung. Tính trung bình 1.000 viên gạch, ngói cần 1,7m3 đất thì mỗi năm ngành công nghiệp vật liệu này cần khoảng 27 triệu m3 đất. Chưa kể tới hàng trăm nhà máy sản xuất gạch ceramic trên cả nước, hàng năm cũng tiêu tốn cả trăm triệu m3 đất sét.
Đó là những con số được đưa ra tại hội thảo “Vật liệu xây dựng không nung – Thời cơ – Giải pháp – Hiệu quả” được tổ chức ngày 11/06, tại Hà Nội. Cũng theo tính toán, năm 2010 sản lượng gạch, ngói nung sẽ tăng lên 25 tỷ viên, năm 2020 là 42 tỷ viên.
TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết: “Để đạt sản lượng 42 tỷ viên gạch ngói nung vào năm 2020, chúng ta sẽ phải sử dụng 600 triệu m3 đất sét, tương đương với 30.000 ha đất canh tác. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới vấn đề an ninh lương thực của đất nước”.
Không những thế, quá trình nung sản phẩm cũng làm tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, đặc biệt là than đá. Quá trình này lại thải ra môi trường một lượng lớn khí độc hại không chỉ ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người mà còn làm giảm năng suất cây trồng.
Với những nhược điểm trên, cộng thêm kích thước nhỏ, quá trình xây dựng lại tốn nhiều vữa trát nên ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển đã giảm dần sản xuất gạch đất sét nung xuống chỉ còn 30 – 50% và chuyển dần sang sản xuất vật liệu không nung.
Vật liệu không nung… vẫn phải chờ
Tại Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản tỷ lệ vật liệu xây dựng không nung chiếm tới hơn 70% thị phần. Trước hết, vật liệu này không sử dụng đến đất tự nhiên – một tài nguyên khoáng sản bị cấm khai thác ở nhiều nơi.
Thêm vào đó, thiết bị sản xuất vật liệu không nung trên thế giới cũng rất đa dạng: thiết bị sản xuất gạch block, thiết bị sản xuất gạch terrazzo, thiết bị sản xuất ngói xi măng, thiết bị gạch ốp/lát đá nhân tạo, thiết bị sản xuất gạch sân vườn. Điều này cho thấy vật liệu xây dựng không nung rất phong phú có thể đáp ứng rộng rãi các nhu cầu, chứ không chỉ bó hẹp là gạch block thay thế cho gạch đỏ đất nung.
Nhưng hiện tại ở nước ta, tỷ lệ sử dụng vật liệu này lại rất thấp. TS. Huynh lý giải: “Do người dân đã quen với việc sử dụng gạch đất nung cỡ nhỏ, xây dựng vẫn theo lối thủ công truyền thống. Khi sử dụng gạch block kích thước lớn, nặng, khó vận chuyển lên cao, nên đa phần thợ đều không thích. Trong khi đó, quy trình xây dựng đối với loại gạch này cũng chặt chẽ hơn, đòi hỏi thợ phải có tay nghề cao”.
Phần nữa do nước ta chưa ban hành đồng bộ những quy phạm xây dựng, kết cấu kiến trúc và đơn giá xây dựng đối với gạch block nên các kiến trúc sư, tư vấn thiết kế chưa thể chỉ định sử dụng gạch block cho công trình. Do đó, gạch block được sử dụng trong các công trình cao cấp ở nước ta như Khách sạn Hilton, Horison, Trung tâm Hội nghị Quốc tế… đều do các nhà thiết kế, chủ đầu tư nước ngoài yêu cầu.
Nhưng trong tương lai, khi những chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng gạch không nung được áp dụng, thì “đây cũng là cơ hội lớn để phát triển loại sản phẩm này”, TS Long khẳng định.