ThienNhien.Net – Ngày Thế giới chống Sa mạc hóa và Hạn hán năm nay có chủ đề “Chống suy thoái đất vì một nền nông nghiệp bền vững”, nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai và việc quản lý nhằm phục vụ cho một trong những hoạt động quan trọng nhất để nuôi dưỡng nền văn minh nông nghiệp.
Thông điệp của ngày Ngày Thế giới Chống sa mạc hóa 17/06 năm nay khẳng định vai trò quan trọng của chống sa mạc hóa đối với phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn trên thế giới cũng như ở Việt Nam, theo lời ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Việt Nam hiện còn khoảng 9,3 triệu ha đất liên quan tới sa mạc hóa, chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc. Trong đó, có trên 5 triệu ha đất chưa sử dụng, khoảng 2 triệu ha đất đang được sử dụng nhưng đã bị thoái hóa nặng và 2 triệu ha đang có nguy cơ thoái hóa cao.
Việt Nam hiện đã xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung. Bên cạnh đó, độ phì nhiêu của đất đang bị suy giảm do xói mòn, rửa trôi, đá ong hóa, chua mặn hóa, tài nguyên rừng cũng bị suy giảm đáng kể. Đây là những vấn đề rất đáng lo ngại và là thách thức lớn đối với một nước nông nghiệp như nước ta hiện nay. |
Sa mạc hóa đã được coi là thách thức môi trường lớn nhất thời đại chúng ta. Nó không chỉ là gia tăng diện tích sa mạc, bao gồm sự xâm lấn của các đụn cát lên đất đai, mà hơn thế, đó chính là sự suy thoái đất lâu dài. Sa mạc hóa không phải là không thể tránh được. Các nhân tố con người như chăn thả quá mức và phá sạch cây trồng trên đất, có thể được kiểm soát bằng cách cải thiện các cách thức chăn nuôi và làm nông nghiệp. Các yếu tố khác như nhiệt độ tăng lên, có thể dự báo được và ưu tiên xử lý.
Các hệ sinh thái đất khô cằn rất nhạy cảm với việc khai thác quá mức và sử dụng đất không hợp lý. Nghèo đói, mất ổn định chính trị, phá rừng, chăn thả quá mức và các hoạt động tưới tiêu nghèo nàn đều đóng góp vào sa mạc hóa. Châu Phi, phía nam Sahara, với 66% đất đai là sa mạc hoặc đất khô, chính là vùng đang gặp nhiều nguy cơ. Khoảng 1,2 tỷ người của hơn 110 nước đang bị đe doa bởi vấn đề này.
Báo cáo về sự tăng giá lương thực toàn cầu và những biến động lương thực nảy sinh đã nhấn mạnh thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, bên cạnh những khó khăn khác trong việc đạt được “Tám Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” (MDG). Mặc dù giá lương thực cao hiện nay có thể giảm nhẹ tạm thời bằng một vài triển vọng về sản phẩm nông nghiệp mới, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều lý do hạn chế việc đạt được sản xuất lương thực bền vững để đáp ứng nhu cầu không ngừng gia tăng của con người trên khắp thế giới. Với mức tăng dân số và hàng loạt nhu cầu sản xuất nông nghiệp, cách tiếp cận quản lý đất đai không bền vững rõ ràng đang thất bại.
Một nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho biết rằng vào những năm 2080, năng suất nông nghiệp toàn cầu sẽ giảm xuống khoảng 16% nếu bỏ quên việc làm giàu cacbon và giảm 3% khi có làm giàu cacbon. Việc chuyển đổi sử dụng đất không bền vững sẽ làm trầm trọng vòng luẩn quẩn: suy thoái đất – mất đa dạng sinh học – biến đổi khí hậu. Suy thoái đất làm đất nghèo dinh dưỡng, phá hủy cân bằng chu trình nước và góp phần làm mất an ninh lương thực, nghèo đói cũng như nạn di cư bắt buộc.
Đứng trước tình thế phức tạp này đòi hỏi phản ứng của toàn cầu bằng việc gia tăng năng suất các hệ sinh thái đất đai và đặt sản xuất nông nghiệp bền vững lên làm vấn đề ưu tiên, thông qua các chính sách hỗ trợ giảm nghèo dựa trên quan điểm thích nghi với biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học.
Đồng thời, khoa học và công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại suy thoái đất. Chẳng hạn việc xây dựng hướng dẫn và tiêu chuẩn sử dụng sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp thay thế như sản xuất nhiên liệu sinh học, nhằm hướng tới sinh kế bền vững cho những người dân dễ bị ảnh hưởng nhất sống ở những vùng đất bị suy thoái. Kiến thức bản địa cần được xác định, bảo tồn và chia sẻ dựa trên sự tôn trọng chủ nhân những kiến thức đó, bởi con người sống dựa vào đất đai thường có cách thức bền vững được phát triển và áp dụng lâu đời để giảm xói mòn đất và các rủi ro. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách và chiến lược hướng tới phát triển bền vững, cơ chế hướng thị trường và xây dựng năng lực.
Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD) được Liên hợp quốc phê chuẩn tại Paris ngày 17/06/1994 và có hiệu lực từ ngày 26/12/1996. Đây là một trong ba công ước Rio về môi trường quan trọng nhất của Liên hợp quốc (UNCCD, UNFCCC, UNCBD). Cho đến nay, Công ước đã có gần 200 thành viên.
Việt Nam tham gia công ước chống sa mạc hoá của Liên Hợp Quốc (UNCCD) ngày 25/08/1998 và chính thức trở thành thành viên thứ 134 của UNCCD vào ngày 23/11/1998. |
Những vấn đề này chính thức được bao gồm trong khung hoạt động của Công ước Liên hợp quốc về Chống Sa mạc hóa (UNCCD), đóng vai trò liên hệ giữa giảm đói nghèo và bảo vệ hệ sinh thái ở các vùng đất khô cằn. Công ước cung cấp một khung toàn cầu hỗ trợ các chính sách và tính toán để ngăn chặn, kiểm soát và đảo ngược tình hình suy thoái đất dựa vào tiến bộ khoa học, nâng cao nhận thức và sự ủng hộ tích cực, từ đó đóng góp vào việc giảm đói nghèo.
Trong chiến lược 10 năm tới, các bên tham gia công ước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến tới liên minh để chống lại suy thoái đất đai bao gồm sa mạc hóa và hạn hán trong bối cảnh hiện nay của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Công ước có vai trò đáng kể trong nền nông nghiệp bền vững bằng cách cải thiện sinh kế của những cộng đồng và hệ sinh thái bị ảnh hưởng. Có những vùng đất sẽ giúp sản xuất nhiệu sinh học, nhờ đó tạo ra những lợi ích có cư dân trong vùng.
Đây là lúc một cộng đồng quốc tế nhận ra rằng các vùng đất khô hạn hay không trồng trọt được, nơi có gần một nửa người nghèo trên thế giới sinh sống, khôgn phải là đất bỏ đi. Hơn thế, đó là những khu vực tiềm năng để thâm canh nông nghiệp cho cả lương thực lẫn nhu cầu năng lượng, theo lời Ban Ki Moon, Tổng thư ký Liên hợp quốc.