UBND thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) vừa ra quyết định xử lý hành chính đối với Công ty TNHH Hải Đăng về vụ 2 vạn tấn than không rõ nguồn gốc tồn đọng trên bãi. Tuy nhiên việc khai khống và một loạt những biểu hiện bất minh khác của công ty này lại được "cho qua".
Than ở đâu ra?
Tại thời điểm tháng 06/2008, khi đoàn kiểm tra liên ngành thị xã Cẩm Phả tiến hành kiểm tra thì Công ty TNHH Hải Đăng (Công ty Hải Đăng) khai báo trên kho cảng còn tồn đọng tới 353 nghìn tấn than phụ phẩm có nguồn gốc từ tận thu vườn rừng và đất đá thải từ mỏ than Đèo Nai. Tuy nhiên trên thực tế, tại bãi than của công ty chỉ còn lại gần 20 nghìn tấn than.
Theo giải thích của công ty, số lượng than này có nguồn gốc tồn từ 900 nghìn tấn than, trong đó có 300 ngàn tấn do khai thác tận thu từ đất đá xít, xin của Công ty cổ phần Than Đèo Nai và 600 ngàn tấn tận thu được trên vườn rừng tại hai tiểu khu 176 và 169 Ngã Hai, P.Quang Hanh, thị xã Cẩm Phả. Công ty Hải Đăng đã nộp thuế tài nguyên cho cả 900 nghìn tấn than tận thu này tại Chi cục Thuế thị xã Cẩm Phả.
Tuy nhiên, ngày 04/04, Công ty cổ phần Than Đèo Nai có công văn khẳng định: khối lượng 100 nghìn m3 đất đá Công ty Hải Đăng xin từ năm 2003 hoàn toàn là đất đá thải, chứ không phải là xít thải như Công ty Hải Đăng đề nghị xác nhận.
Về nguồn than tận thu trên vườn rừng, trong hai năm 2006 – 2007, Công ty Hải Đăng được chính quyền phường sở tại xác nhận và tiến hành nộp thuế tài nguyên cho cả 600 nghìn tấn than. Tuy nhiên, chính ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả đã nhiều lần khẳng định: “Việc tận thu ở nguồn rừng cũng không thể cho một khối lượng than lớn như vậy”.
Chưa hết, trong biên bản làm việc ngày 10/04 giữa Bộ Công thương, Hải quan Quảng Ninh, UBND thị xã Cẩm Phả, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam với Công ty Hải Đăng, số lượng than tồn kho của Công ty Hải Đăng tại thời điểm ngày 18/12/2007 lại lên tới 380 ngàn tấn. Lật lại hồ sơ, trong năm 2006 và 5 tháng đầu năm 2007, Công ty Hải Đăng đã bán tới 600 nghìn tấn than, cộng với việc còn tồn đọng tới 380 nghìn tấn than thì số lượng này đã… thừa ra 80 nghìn tấn so với khai báo.
Chính quyền có xác nhận “khống”?
Như đã đề cập ở trên, Công ty cổ phần Than Đèo Nai chỉ xác nhận số lượng đất đá công ty này cho Công ty Hải Đăng là 100 nghìn m3 và quan trọng là không hề lẫn than. Thế nhưng, trong biên bản làm việc với cơ quan chức năng ngày 10/04, lượng đất đá xít lẫn than xin từ Công ty cổ phần Than Đèo Nai đã được khai khống lên tới 3 triệu m3, lượng than tận thu được tới 300 ngàn tấn. Điều đáng nói hơn, những khai báo ấy của Công ty Hải Đăng ở thời điểm đó lại được ông Hải Khiêm, Chủ tịch UBND phường Cẩm Thạch xác nhận!
Đối với đất trồng rừng tại hai tiểu khu 176, 169, Ngã Hai (tổ 6, phường Cẩm Tây), ngày 22/04/2004, Công ty Hải Đăng mới ký hợp đồng hợp tác liên doanh với hai ông Diệp Văn Dũng và Đào Thanh Tuấn, những chủ rừng để trồng rừng nhưng chỉ hơn nửa tháng sau, ngày 10/05/2004, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký văn bản 878/UB cho phép Công ty Hải Đăng được tận thu than trên diện tích trồng rừng! Và “giấy phép tận thu” này có giá trị đến ngày 31/08/2004.
Trước khi giấy phép hết hạn một ngày, ngày 30/08/2004, UBND tỉnh lại có công văn 1846/ UB gia hạn tiếp đến ngày 31/12/2004. Tất nhiên, việc tận thu than thì Công ty Hải Đăng sốt sắng thực hiện ngay còn nhiệm vụ chính là trồng rừng thì mãi tới ngày 20/01/2005 họ mới cùng các chủ rừng lập phương án.
Một điều khác cũng rất khó hiểu là chỉ trong thời gian khoảng 7 tháng, Công ty Hải Đăng đã báo cáo và được UBND phường Cẩm Thạch liên tục xác nhận khối lượng tận thu than của công ty này lên tới 600 ngàn tấn. Trong khi, phương án sản xuất kinh doanh rừng của công ty này lập không thể hiện việc đào bới, bốc xúc đất đá. Không chỉ phường Cẩm Thạch mà UBND phường Quang Hanh ngày 19/01/2007 cũng đã xác nhận cho Công ty Hải Đăng 300 ngàn tấn than xít. Và mặc dù việc tận thu than đã chấm dứt từ 31/12/2004, nhưng không hiểu sao từ tháng 01/2006 đến tháng 01/2007 chính quyền 2 phường Cẩm Thạch và Quang Hanh vẫn đóng dấu, xác nhận để công ty này đóng thuế cho 900 ngàn tấn than xít và đưa đi tiêu thụ.
Từ những dấu hiệu bất thường ấy, ngày 06/09/2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phải có công văn yêu cầu UBND thị xã Cẩm Phả xác minh nguồn gốc 600 ngàn tấn than của Công ty Hải Đăng.
Với hàng loạt những dấu hiệu bất minh, liên quan đến số lượng rất lớn than không rõ nguồn gốc, thế nhưng UBND thị xã Cẩm Phả lại chỉ ra quyết định xử lý hành chính, phạt Công ty Hải Đăng có… 5 triệu đồng!