Bị bao vây bốn mặt bởi sông Cánh Dương và biển Lăng Cô, làng Cù Dù (Phú Lộc- Thừa Thiên Huế) nằm biệt lập với thế giới bên ngoài như một ốc đảo. Từ bao đời nay những cư dân ở đây chủ yếu sống tự cung tự cấp. Ốc đảo Cù Dù đang vật vã với những cơn khát…
Làng đi bộ
Để vào được ốc đảo Cù Dù chúng tôi phải đi đò qua sông Cảnh Dương, sau đó đi bộ thêm khoảng 10km đường rừng. Ông lão chèo đò có dáng người gầy guộc, làn da cháy đen vì nắng gió đưa chúng tôi qua sông bằng con thuyền nhỏ, cũ nát. Hơn 30 năm nay ông Nguyễn Cho không biết được mình đã chèo bao nhiêu chuyến đò qua sông nhưng cuộc sống của dân Cù Dù thì ông rất rõ.
“Người dân Cù Dù muốn ra khỏi làng không có cách nào khác ngoài phải qua đò sau khi vượt qua quãng đường rừng cheo leo khúc khuỷu phía trước. Đi bộ còn khó huống hồ là đi xe. Cù Dù đang bị biệt lập”. Con đường độc đạo chỉ rộng chừng hai sải tay, gập ghềnh, khúc khuỷu như muốn đẩy Cù Dù xa hơn với thế giới bên ngoài.
Đúng như lời ông lão chèo đò, mặc dù nằm ở đồng bằng nhưng địa hình Cù Dù không “thua” bất kỳ một địa phương miền núi nào về độ hiểm trở. Rừng núi xen lẫn kênh rạch nước mặn đã lý giải tại sao nơi đây là một trong những “điểm nghèo” của huyện. Làm trưởng thôn từ năm 2002, ông Trần Tàu luôn trăn trở với cái nghèo, cái khó của dân ốc đảo. Cả làng chỉ vỏn vẹn có 32 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu. Cù Dù “phát triển” với rất nhiều cái không: Không điện, không đường, không trường…và không có xe cộ đi lại.
Cũng chính vì vậy mà từ lâu Cù Dù gắn liền với cái tên: Làng đi bộ. Ngay cả phương tiện giao thông thô sơ nhất là xe đạp thì ở Cù Dù cũng là một điều gì đó quá hiện đại. Mỗi khi có việc muốn ra ngoài, dân trong làng phải đi bộ mấy chục cây số. Sau khi qua sông Cảnh Dương, người sang thì thuê xe thồ còn nếu không lại tiếp tục đi bộ. Ở Cù Dù thường thì 2-3 tháng người ta mới đi chợ một lần. Chợ nằm cách làng khoảng…30 km. Lại đi bộ.
Chính vì vậy vào dịp hiếm đó thì cả làng cùng gửi hàng nhờ một người mua. Không đường sá, phương tiện, nên để dựng nhà cửa, dân Cù Dù phải lội bộ đến trung tâm xã Lộc Vĩnh hoặc xã Vinh Hiền mua sắt thép, xi măng sau đó…gánh về. Và mỗi khi một gia đình xây nhà thì sức lao động của 32 hộ dân trong thôn được huy động tối đa. Trẻ con và người nhà thì làm việc nhẹ, thanh niên trai tráng thì chịu trách nhiệm đi gánh vật liệu. Mọi công việc được tiến hành hết sức thủ công.
Bốn đời không biết chữ
Chủ yếu sống tự cung tự cấp nên hầu hết các gia đình ở Cù Dù đều cố gắng đẻ thật nhiều con để có sức lao động. Bình quân nhà nào cũng 7-8 người. Cá biệt có gia đình đẻ đến 15 đứa con. Đông con, trong khi điều kiện sản xuất và đời sống khó khăn, điều kiện học hành không có là nguyên nhân khiến 95% dân số Cù Dù mù chữ.
Ông Nguyễn Hàm, 87 tuổi, một trong những người cao tuổi nhất của làng kể rằng, từ ngày ông về sống ở thôn này, đã trải qua 4 đời nhưng gia đình ông vẫn sống trong cảnh không biết chữ. Thành thử mỗi khi có việc cần ký tên ông Hàm chỉ có cách in dấu vân tay. Những đứa con ông chưa một lần đến trường. “Cũng muốn cho con học cái chữ để sau này chúng đỡ khổ, nhưng vì điều kiện gia đình quá khó khăn, trường lại ở xa nên đành chịu”, ông Hàm rưng rưng.
Đi thuyền vượt qua sông Cảnh Dương để đến Cù Dù. |
Không chỉ ông Hàm mà hầu hết dân Cù Dù đều xa lạ với con chữ. Những đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường nhưng khi chúng tôi mang tờ báo ra với hi vọng chúng sẽ đọc được một vài chữ nhưng tất cả chỉ là những cái lắc đầu bất lực. Sáu năm trở về trước, khi làng chưa được Phòng Giáo dục huyện Phú Lộc xây dựng cho 2 phòng học thì trong thôn rất hiếm học sinh đến trường vì điều kiên địa hình quá cách trở. Số học sinh qua sông học chữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều kiện kinh tế khó khăn và trường học quá xa xôi nên hiệu quả học tập của những học sinh này cũng rất thấp. Học chỉ để xóa mù nhưng rồi mong ước nhỏ nhoi ấy cũng không thể thành hiện thực khi số trẻ nghỉ học lại nhanh chóng tái mù.
Năm 2002, “cơn khát chữ” của trẻ em trong làng được cải thiện khi các chiến sỹ biên phòng tình nguyện về dạy. Tiếp đó ngành giáo dục đã cử giáo viên về nằm vùng “gieo chữ”. Nhưng rồi việc học cũng “bữa đực bữa cái”.
Thầy Nguyễn Văn Thủy, một giáo viên cắm bản ở Cù Dù đã gần 1 năm nay bộc bạch: “Mặc dù giáo viên đã dạy các em với tất cả tâm huyết của mình nhưng rốt cục chẳng ăn thua. Xóa mù rồi lại tái mù, có lẽ cái chữ không có duyên với trẻ em Cù Dù”. Theo thầy Thủy thì nguyên nhân chính là người dân trong làng vẫn chưa chú trọng đến việc học của con cái mình. Họ vẫn chưa từ bỏ được quan điểm lạc hậu là “không học vẫn biết cày cấy, vẫn biết bủa lưới bắt cá. Thiếu chữ thì không chết nhưng thiếu ăn thì chết”. Bài toán con chữ của trẻ em ốc đảo ngày càng khó tìm ra lời giải.
Mù chữ đã đành, những ánh sáng văn minh như đài, tivi…ở Cù Dù cũng thuộc hàng hiếm vì không có điện. Sau khi mặt trời lặn, cả làng lại chìm vào bóng tối.
Đi cũng dở, ở không xong
Được biết năm 2007 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có quyết định giao ốc đảo Cù Dù cho dự án xây dựng khu du lịch sinh thái lớn nhất tỉnh. Vì vậy toàn bộ diện tích làng nằm trong diện phải giải tỏa để thực hiện dự án này. Đến nay, việc giải tỏa để giao đất cho dự án đang được thực hiện rốt ráo. Tuy nhiên, việc đền bù gây nhiều bức xúc cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Chóc, một cư dân lâu năm ở ốc đảo Cù Dù bức xúc: “Gia đình tui có tất thảy 4.000m2 kể cả đất ở và đất sản xuất nhưng chỉ được đền bù chưa đến 100 triệu. Việc triển khai đền bù từ đầu năm 2008 nhưng lại áp giá đền bù của năm 2006. Cũng vì chúng tôi không biết chữ nên họ muốn làm gì thì làm”.
Theo phản ánh của hầu hết người dân Cù Dù, việc đền bù giải tỏa được thực hiện hết sức mù mờ từ tiến hành đo đạc cho đến việc áp giá. Đó là chưa kể sau khi giải tỏa, 32 hộ dân thôn Cù Dù phải qua sông tái định cư trong khi ở khu tái định cư mới người dân phải mua đất với giá cao. Tình trạng không có đất sản xuất và không nghề nghiệp để kiếm sống đang hiện hữu tại nơi ở mới. Đúng là cảnh “trở đi mắc núi trở lại mắc sông”.