Diễn trình của biến đổi khí hậu lại rất phức tạp trong xu thế chung về mức độ khắc nghiệt ngày một gia tăng, như rét đậm rét hại, hạn, úng khốc liệt, mặn xâm nhập mùa khô sâu rộng. Do đó, vị thế của vườn rừng, vườn đồi, vườn vùng đồng bằng cần được chú ý như là hàng rào sinh thái kinh tế giảm nhẹ thiên tai. Sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do hiệu ứng nhà kính làm tăng nhiệt độ trái đất, băng tan chảy, mực nước biển dâng cao, lượng mưa lớn, gió bão mạnh, triều cường, sóng lớn với cường độ ngày càng mạnh và tần số ngày càng ngắn.
Theo một dự báo được chính thức thông qua tháng 12/2007, đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ có thể tăng thêm 0,6 độ C, mực nước biển dâng từ 0,18 đến 0,38 m theo kịch bản thấp, trong khi kịch bản cao là nhiệt độ tăng thêm 4 độ C, mực nước biển dâng từ 0,26 đến 0,59 m. Ngay ở mức dự báo thấp đã thu hẹp diện tích sản xuất lúa và cây trồng cạn khác, trước hết ở hai đồng bằng lớn thuộc lưu vực sông Hồng và sông Cửu Long của nước ta cùng nhiều tỉnh ven biển.
Phát triển thích hợp kinh tế vườn nói riêng và VAC nói chung cần được coi như chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH), vừa né, vừa sống chung với BÐKH. Bởi vì, khi mà bờ vùng, bờ thửa, bờ bao bị “vô hiệu hóa” dần do mực nước biển dâng cao kết hợp với lũ mùa mưa, thì vai trò kinh tế của vườn/VAC sẽ ngày càng cao trong việc giữ gìn an ninh lương thực. Ở vùng đồng bằng, vườn thường nằm trong khuôn viên của hộ nông dân trên nền đất cao hơn ruộng. Người nông dân lên bờ bao bảo vệ ở vùng trũng, nơi dễ bị ngập thì trồng cây chịu úng như chanh gai, vú sữa, xoài, chuối, bưởi…
Cây sợ nước chỉ trồng trên đất cao như mít, sầu riêng, đu đủ… Cây sống chung với úng có củ ấu, rau mác, rau muống, rau nhút và một số loại củ lương thực. Nên trồng cây lương thực ăn củ, trồng ở mé nước dưới bóng râm, bờ rào như khoai môn, khoai bông, thả củ ấu sống chung với lũ, trồng trên đất cao như rong giềng, hoàng tinh, sắn dây. Lương thực ăn củ chứa nhiều tinh bột, thay thế một phần gạo dành cho xuất khẩu.
Vườn ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) còn là nơi giữ nước ngọt cho hộ nông dân dùng trong mùa khô, là những ao, mương kết hợp nuôi trồng thủy sản, hoặc đào giếng lấy nước ngầm. Những “túi nước ngọt” trong phạm vi nông hộ góp phần cùng với những túi nước ngọt vùng Ðồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Lung Ngọc Hoàng thuộc Hậu Giang, ngăn cản nước mặn xâm nhập. Túi nước ngọt vùng trên đang bị thu hẹp diện tích cho sản xuất. Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền nam, mùa khô năm 2008, nước mặn sẽ xâm nhập sâu và lớn hơn trung bình nhiều năm.
Thời gian và mức độ xâm nhập mặn như ở dọc sông Cổ Chiên tới 60 đến 65 km vào tháng 4 tháng 5; nơi xâm nhập mặn sớm nhất vào tháng 3, tháng 4 ở dọc sông Trần Ðề, vào sâu từ 30 đến 35 km. Cũng như vùng đồi núi, rừng ngập mặn có chức năng “hàng rào sinh thái” ngăn thiên tai từ biển vào hiện đang suy thoái.
Một thông tin về tuyến đê biển ngăn mặn ở huyện Hòn Ðất (Kiên Giang) cho biết, năm 2002 được đắp cao hơn mặt nước biển từ 1,2 đến 1,5 m, dài 49 km có tác dụng ngăn mặn tốt. Tuy nhiên, đoạn đê 800 m tại xã Bình Sơn bị sóng dữ đánh vỡ vào tháng 10/2006. Nguyên nhân do rừng ngập mặn có bề dày 100 m ban đầu bị kẻ xấu chặt còn khoảng 30 m phòng hộ mong manh, không đủ ngăn sóng biển. Người dân ở đây cho biết, trồng một ha rừng mất khoảng 100 triệu đồng, trong khi vá lại đê tốn hàng tỷ đồng.
Ở Trà Vinh, diện tích rừng phòng hộ còn gần 24 nghìn ha. Người dân ở đây đã nhận thấy nơi nào có rừng thì môi trường nước được tốt, khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản cao. Mô hình nuôi tôm sú xen rừng với tỷ lệ mặt nước 45% và rừng 55% được quan tâm để phát triển bền vững. Dân ở nhiều nơi như ở huyện Duyên Hải đã tự bỏ vốn trồng rừng ngập mặn, riêng năm 2007 đã trồng được 154 ha. Có nhiều loài cây lâm nghiệp, cây công – lâm nghiệp (như cao-su, cọc dậu…), cây nông – lâm nghiệp (như cây hạt rẻ, cây xa-kê…) thích ứng với các loại đất đồi núi, đất trống đồi trọc. Khi có vốn đầu tư thỏa đáng, các nhà khoa học nông nghiệp, lâm nghiệp có thể xây dựng nhiều dự án, đề tài nghiên cứu phát triển có hàm lượng chất xám và tính khả thi cao.
Trước hết, cần quan tâm đến cây trồng bản địa. Nếu nhập những loài cây mới phải dễ trồng và đầu tư ít nhất, mang lại nhiều lợi ích về bảo vệ môi trường, đạt hiệu quả kinh tế tương đối cao. Trong những loại cây trồng mới, có thể kể đến cây cọc giậu (Jatropha curcas L) thuộc cây công, lâm nghiệp và cây lạc dại (lạc lá lưu niên – Arachis pintoi).
Hai cây trồng mới này có thể coi như hai trong những cây tiên phong làm giàu vùng đất trống đồi trọc, đất hoang mạc hóa, như cây mắm có hệ rễ chống, cây vẹt có rễ hình đầu gối, cây mắm, bần có rễ hình chông, là những cây tiên phong lấn biển. Cây cọc giậu có giống bản địa và giống nhập nội, phát triển được ở hầu hết các vùng đất xấu, nghèo kiệt, đất dốc bị rửa trôi, đất trơ sỏi đá, đất sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản.
Cây cọc giậu có thể sớm tạo thành thực bì dày đặc, làm tăng độ màu mỡ cho đất. Cọc giậu có thể đạt từ 8 đến 10 tấn hạt/ha/năm. Sau khi ép dầu còn 70% là khô dầu chứa khoảng 30% protein, làm phân hữu cơ tốt, khi khử hết độc tố là thức ăn gia súc dinh dưỡng cao. Trồng một ha cọc giậu có thể tạo ra giá trị 4.200 USD/năm, hay hơn 60 triệu đồng, theo Trường đại học Thành Tây do đồng chí Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng làm Chủ tịch HÐQT. Cọc giậu dễ trồng từ hom, từ hạt, nảy mầm và mọc nhanh, đã được trồng ở miền bắc, miền trung, Tây Nguyên và cả ở Nam Bộ. Viện lúa ÐBSCL đã có giống và sẵn sàng nuôi cấy mô cung cấp giống cho nơi có yêu cầu.
Cây lạc dại được mang về nước từ Brazil bởi TS Lê Quốc Doanh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm miền núi phía bắc, đã chuyển giao sản xuất ở các tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên và bắt đầu trồng thử ở bốn tỉnh Nam Bộ. Có thể trồng cây lạc dại trên đất dốc, vùng đất có cốt từ 0 đến 1.500 m, đất có độ pH thấp, đất nghèo dinh dưỡng, chịu hạn, chịu úng nhẹ, đất cát ven biển. Do giữ ẩm và chống xói mòn tốt cho nên trồng xen vào vườn cây ăn quả, cây lương thực như ngô làm tăng năng suất hơn 50%. Là cây họ đậu, cho nên nốt sần ở rễ cố định đạm, lá chứa nhiều đạm, làm phân xanh (2,5 – 3%N), làm thức ăn gia súc tốt. Cây lạc này tạo thảm xanh hoa vàng thanh mảnh tươi đẹp, cho nên đã được trồng để trang trí quanh bờ hồ, quanh nhà cao tầng, biệt thự, cửa hàng ăn.
Ðã có nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế và giữ gìn môi trường như vườn trong hệ thống VAC ở đồng bằng, vườn đồi ở trung du và miền núi, vườn rừng ở miền núi và vùng ngập mặn ven biển. Cần có biện pháp khả thi nhằm né và sống chung với BÐKH; chứng minh tính cấp bách của việc tạo dựng những hàng rào sinh thái nhằm thích ứng với BÐKH. Hàng rào sinh thái có đem lại hiệu quả trước hết khởi nguồn từ các mô hình đã có, cần được các cấp có thẩm quyền đầu tư hiện đại hóa và mở rộng.