Theo thống kê chưa đầy đủ của Birdlife International, vườn quốc gia Xuân Thuỷ có 219 loài chim thuộc 41 họ 13 bộ. Tiêu biểu là bộ hạc, bộ ngỗng, bộ rẽ và bộ sẻ. Một số loài chim quý được ghi vào sách đỏ quốc tế có mặt ở Xuân Thuỷ: Cò thìa, bồ nông, choi choi mỏ thìa, mòng bể mỏ ngắn… Trong số 219 loài thì có 150 loài chim di trú và gần 50 loài chim nước. Vào mùa di trú có thể gặp 30 – 40 ngàn con (tiêu chí của một vùng đất ngập mặn có tầm quan trọng quốc tế là 20.000 con). Nhìn những con số thống kê trên tưởng chừng hết sức đơn giản, nhưng để có được những con số đó là không biết bao nhiêu công sức, thời gian và đam mê của biết bao người.
Hàng ngày, những người tham gia vào công việc đếm chim trời thường rong ruổi trên khắp các vùng miền của đất nước, thậm chí là ra cả nước ngoài. Nhiều người nghe đến đây thì cho rằng họ thật sung sướng, được đi đây, đi đó. Nhưng nếu biết những thứ họ phải mang theo, những gì họ phải làm thì chắc nhiều người có cho cũng chẳng dám đi.
Bởi, số tiền bỏ ra cho mỗi chuyến đi là cả một vấn đề, nhưng đó mới chỉ là những chi phí thường xuyên chứ nếu nói đến số tiền chi cho việc mua dụng cụ thì… nhiều người “choáng”. Nào là máy ảnh, ống kính, ống nhòm, máy phóng… tính sơ sơ cũng hàng chục triệu đồng. Họ phải đếm và kiểm tra tần số xuất hiện của các cá thể chim bản địa và chim di cư, rồi ghi chép lại một cách tỉ mỉ nhằm giúp cho công tác bảo tồn các loài chim quý.
Không chỉ thế, hành trình của công việc đếm chim trời còn là những chặng đường không dễ chút nào. Đừng tưởng là chỗ nào cũng có thể đếm và ngắm những loài chim quý.
Lê Tuấn Hùng – một trong những người tham gia vào công việc này tâm sự: “Để làm công việc này phải nắm được nơi mà những loài chim quý thường xuất hiện cũng như thời điểm chúng xuất hiện. Ví dụ như Vườn quốc gia Xuân Thuỷ của Việt Nam hiện là điểm đầu tiên của Đông Nam Á được UNESCO chính thức công nhận là thành viên của công ước quốc tế RAMSAR, là một trong 150 điểm ngắm chim của Việt Nam. Và thường cứ mùa hè đến thì đây là nơi các loài chim di cư về tránh rét… Biết được rồi thì còn cả một chặng đường phải đi. Có khi phải lên lỏi trong rừng, có khi phải lội nước đến ngang bụng”…
Nghề này nghe thì hấp dẫn lắm nhưng theo rồi mới thấy vất vả, nhưng bù lại không phải ai cũng có được những giây phút thú vị như chúng tôi. Gần đây nhất, chúng tôi mất hơn hai ngày hết đi thuyền lại lội bộ, rồi xuồng máy với hàng đống đồ nghề lỉnh kỉnh… nhưng tất cả đều tan biến khi tận mắt được nhìn thấy những loài chim quý được ghi trong sách đỏ ngay tại quê hương mình thật sống động và hấp dẫn.
Theo cảm nhận của những người theo nghề đếm chim, thú vị nhất của nghề này là khoảnh khắc hiếm có khi được thấy những con chim tự do phô diễn hết những vẻ đẹp của mình ở ngoài không gian. Trông chúng khác hẳn với những con chim bị nhốt trong lồng. Nhưng có lẽ niềm vui lớn hơn cả là sau mỗi chuyến đi như vậy, Viện Khoa học và môi trường lại có thêm những con số mới về số lượng cá thể chim nhìn thấy, bổ sung vào danh sách…
Việc thống kê những số liệu thường xuyên để có kế hoạch chi tiết nhằm bảo vệ các loài chim quý là rất cần thiết, nhưng những người thường xuyên làm công việc này tại Việt Nam cũng không nhiều. Số người tham gia cũng chỉ đứng ở con số hàng chục. Bởi, theo nghề là chấp nhận tốn kém về tiền bạc và thời gian, mà cái thu lại được cũng chỉ là thoả mãn “cái sở thích không giống ai” này.
Tuy vậy, để làm tốt việc bảo vệ những loài chim quý, để chúng không bị tuyệt chủng lại là việc làm vô cùng cần thiết. Thế nên những người có cùng chung sở thích này đang mong muốn mở rộng câu lạc bộ xem chim của mình, để vừa được thoả mãn thú vui của mình, chia sẻ niềm đam mê với bạn bè, vừa góp phần vào những lợi ích quốc gia.