Có dịp trở lại huyện Nho Quan (Ninh Bình), đứng trước cánh đồng xanh ngắt, hứa hẹn vụ mùa bội thu, chúng tôi không thể hình dung đây lại là vùng đất thường xuyên phải hứng chịu sự khắc nghiệt của lũ dữ. Những năm gần đây, ngoài các cây trồng truyền thống, khoai sọ đã phát triển mạnh trên đồng đất Nho Quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Khoai sọ là một trong những đặc sản của Nho Quan. Tuy nhiên, loại cây này mới được bà con nhân rộng trong những năm gần đây, riêng vụ đông xuân 2008 đã có trên 300ha.
Ông Trương Văn Tuế, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Nhờ giá khoai sọ ổn định, chi phí trồng và chăm sóc thấp nên bà con đã áp dụng mô hình lúa + màu + khoai sọ. Đặc biệt, ở vùng đất cát pha, tơi xốp, dễ thoát nước, khoai sọ cho năng suất rất cao”.
Hiện, Yên Quang là một trong những xã trồng nhiều khoai sọ nhất huyện, khoảng 70 – 75ha/vụ. Với giá bán tại ruộng 5.000 – 7.000 đồng /kg, năng suất 4 tạ/sào (1 sào = 360m2), bà con có thu nhập 2 – 2, 5 triệu đồng/vụ/sào.
Chị Nguyễn Hải Vân ở thôn Yên Sơn (Yên Quang) cho biết: “Gia đình tôi có 6 sào khoai sọ, năng suất bình quân 3,5 t ạ/sào, nếu bán với giá 5.000 đồng /kg thì thu nhập khoảng 10 triệu đồng /vụ. Có đợt khoai được giá, trừ chi phí, tôi lãi 10 triệu đồng”.
Không chỉ gia đình chị Vân, nhiều hộ nông dân ở Nho Quan đã chủ động áp dụng nhiều công thức luân canh để đưa khoai sọ vào sản xuất như dưa chuột bao tử + khoai sọ; lúa + khoai sọ. ở những nơi không chủ động được nước, đất nghèo dinh dưỡng, bà con thường trồng 1 vụ khoai + lạc, ngô hoặc 2 vụ khoai/năm.
Anh Nguyễn Xuân Hanh, người có nhiều kinh nghiệm trồng khoai sọ ở Yên Quang cho biết: “Nếu hạch toán kỹ, trồng khoai sọ kết hợp với một số cây trồng khác có thể đạt thu nhập 100 triệu đồng /ha/năm”.
Ngoài việc phát triển giống khoai sọ địa phương, ngành chức năng huyện Nho Quan còn chuyển giao giống khoai sọ ngắn ngày KS4 cho bà con. Đây là giống khoai được Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam lai tạo, năng suất bình quân 100 tạ/ha/vụ, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thâm canh 3 vụ/năm.
Tuy nhiên, theo anh Vũ Lâm Trường, Phó phòng Kinh tế huyện, mặc dù khoai sọ cho giá trị kinh tế cao nhưng ở Nho Quan khó có thể mở rộng diện tích. Đây là giống kén đất, thời vụ dài, hay bị bệnh thối củ…, khó gây giống. Đa phần người dân ủ giống bằng phương pháp thủ công, rải xuống gậm giường hoặc ủ trong cát ẩm nên tỷ lệ thất thoát lên tới 20 – 30%. Vì thế, để giảm chi phí và tăng giá trị kinh tế từ khoai sọ, giúp bà con vùng phân lũ ổn định cuộc sống rất cần sự quan tâm của chính quyền và các ngành chức năng.