ThienNhien.Net – “Đất ngập nước – Trái tim của châu Á” là chủ đề của Hội nghị Đất ngập nước Châu Á lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 22-25/6/2008. Hội nghị sẽ phản ánh tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước với đời sống hàng ngày cũng như các vấn đề mà những người dân Châu Á phải đối mặt trong công cuộc bảo tồn và quản lý các vùng đất ngập nước của khu vực.
Hội nghị Đất ngập nước Châu Á tạo ra một diễn đàn cho các cấp chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học, các cộng đồng dân chúng bao gồm cả những người bản địa…để thảo luận về những vấn đề, cách tiếp cận và những ưu tiên trong quản lý đất ngập nước trong khu vực châu Á.
Chủ đề của hội nghị năm nay “Đất ngập nước – Trái tim của châu Á” đã phản ánh tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước đối với đời sống của những người dân châu Á. Đất ngập nước là nguồn cung cấp một phần lớn thức ăn cho những người dân ở châu Á, trong đó gạo đóng vai trò là lương thực chính. Bên cạnh đó, đất ngập nước còn có ý nghĩa tinh thần và tôn giáo cụ thể với nhiều người châu Á. Đây cũng là là nơi chứa đựng một số lượng lớn các loài động thực vật, là một phần quan trọng của đa dạng sinh học toàn cầu.
Các nội dung thảo luận trong hội nghị cũng tập trung làm nổi bật những giá trị của vùng đất mang nhiều ý nghĩa này, bao gồm:
• Tạo dựng các vùng đất ngập nước lành mạnh
• Hợp tác xuyên biên giới trong quản lý các vùng đất ngập nước
• Lồng ghép bảo tồn đất ngập nước vào các vấn đề phát triển
• Các vùng đất ngập nước và sinh kế bền vững
• Giáo dục về đất ngập nước
• Di sản văn hoá và quản lý đất ngập nước
• Biến đổi khí hậu và các vùng đất ngập nước: tác động, thích nghi và giảm thiểu.
• Các vùng đất ngập nước của Việt Nam
• Đất ngập nước và đa dạng sinh học
Trong những lần trước, hội nghị diễn ra tại Nhật Bản, Malaysia và Ấn Độ, với hàng nghìn người tham dự đã tập trung nỗ lực vào việc xác định ưu tiên trong quan lý đất ngập nước ở châu Á và là những chỉ dẫn quý giá cho các bên tham gia Công ước Ramsar trong việc thực hiện bảo vệ và sử dụng đất ngập nước tại địa phương.