Nếu ở các đô thị lớn, trung bình một người thải ra 1kg rác trong một ngày thì vùng nông thôn cũng từ 0,5 – 0,6kg/ngày. Bình quân mỗi người thải ra 0,7kg rác/ngày.
Như vậy, với khoảng trên 2 triệu dân vùng nông thôn trong tỉnh, mỗi ngày sẽ có hàng ngàn tấn rác cần được thu gom. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ thu gom được khoảng 50%. Đa số người dân tự xử lý bằng cách đào hố chôn, đốt, hoặc thải ra các sông, ao, hồ… Đặc biệt, ở những vùng có các làng nghề, nghề tiểu – thủ công nghiệp phát triển thì việc “tự quy hoạch” bãi rác bên lề đường, ngõ xóm đã và đang trở nên phổ biến, gây ra nhiều vấn đề nan giải cho việc bảo vệ môi trường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và cũng ảnh hưởng đến cảnh quan nông thôn.
Bên cạnh đó, phải kể đến nguyên nhân từ thói quen canh tác, sản xuất và xả rác bừa bãi của người dân. Đầu tiên phải kể đến tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) một cách tràn lan, không có sự kiểm soát của ngành chức năng.
Việc sử dụng này gây sức ép đến môi trường nông nghiệp và nông thôn với 3 lý do: Sử dụng không đúng kỹ thuật nên hiệu lực phân bón thấp; bón phân không cân đối, nặng về sử dụng phân đạm; chất lượng phân bón không bảo đảm, các loại phân bón N – P – K, hữu cơ vi sinh, hữu cơ khoáng do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất trôi nổi trên thị trường không bảo đảm chất lượng đăng ký, nhãn mác bao bì nhái, đóng gói không đúng khối lượng đang là những áp lực chính cho nông dân và môi trường đất.
Thuốc BVTV gồm: Thuốc trừ sâu; thuốc trừ nấm; thuốc diệt chuột; thuốc trừ bệnh; thuốc trừ cỏ. Các loại này có đặc điểm là rất độc đối với mọi sinh vật; tồn dư lâu dài trong môi trường đất và nước gây ra ô nhiễm; tác dụng gây độc không phân biệt, nghĩa là gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất, nước. Hậu quả nguy hại để lại trên các sản phẩm nông nghiệp khó lường chưa kể đến một khối lượng lớn vỏ thủy tinh còn chứa chất gây hại đến sức khỏe con người vứt tràn lan ở bờ ruộng, bờ mương, sông ngòi sẽ ngấm dần vào nguồn nước ngầm…
Nguyên nhân thứ hai gây ra ô nhiễm môi trường ở nông thôn là do chất thải rắn từ các làng nghề và sinh hoạt của người dân. Hiện toàn tỉnh có khoảng 430 làng nghề, phân bố trên địa bàn tỉnh và tập trung chủ yếu ở các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân… Trong đó các làng nghề có quy mô nhỏ, trình độ sản xuất thấp, thiết bị cũ và công nghệ lạc hậu chiếm phần lớn (trên 70%).
Do đó, đã và đang nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường nông thôn, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe của người dân, gây ô nhiễm nặng nề môi trường khu vực và ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cây trồng. Mặc dù, nhiều địa phương đã có hợp tác xã dịch vụ, thu gom rác vào tận các ngõ ngách, thôn xóm nhưng tình trạng rác lấn ruộng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số hộ làm nghề thu gom phế liệu, lợi dụng đêm tối thường mang rác sinh hoạt lẫn những phế thải đổ ra ruộng.
Bên cạnh đó có khoảng 600 chợ nông thôn trong tỉnh. Bãi rác tại các huyện, các chợ nông thôn chưa có cơ quan quản lý và cũng chưa có biện pháp xử lý. Hầu hết các chợ đều chưa có giải pháp về thu gom rác thải cụ thể, hoặc nếu có thì giải pháp chưa đồng bộ. Chủ yếu là tập trung để phân hủy tự nhiên, gây nên những gánh nặng cho công tác bảo vệ môi trường. Trong khi đó, công tác thu gom và xử lý rác thải phát sinh từ các hộ dân sinh sống và hộ kinh doanh ở các chợ chưa được quan tâm và quản lý đúng mức.
Vùng nông thôn trong tỉnh còn chịu ảnh hưởng nặng nề từ nguồn rác, nước và khí thải xả ra từ các khu công nghiệp trên địa bàn. Chính nguồn rác, nước và khí thải này cũng đang phá hủy nghiêm trọng sự trong lành của môi trường nông thôn. Nguồn tài nguyên nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng loạt những dòng sông quê kêu cứu vì mức độ ô nhiễm đã gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Những nguồn nước ngầm cung cấp cho người dân nhiễm sắt, chì, phèn, thuốc BVTV và nhiều loại chất độc hóa học do các khu công nghiệp, các làng nghề thải vào lòng đất.
Để cải thiện mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn, theo ông trưởng phòng quản lý môi trường Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh nói: “Biện pháp quan trọng nhất là thông qua vận động cộng đồng để thay đổi tập quán, thói quen xả rác tùy tiện của người dân nông thôn. Giải pháp này không chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay mà còn có tính chiến lược, lâu dài. Cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường trong mô hình xây dựng nông thôn mới, đồng thời cung cấp dịch vụ thu gom rác thuận tiện cho người dân. Mặt khác, để gom rác thải hiệu quả, cần phải có đội ngũ với phương tiện, trang thiết bị và nhân lực đầy đủ. Tuy nhiên, ở các vùng chưa tổ chức được lực lượng, cách làm hiệu quả và đơn giản nhất là không vứt rác bừa bãi; tận dụng môi trường vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ; hạn chế dùng các sản phẩm gây nguy hại cho môi trường như túi nilon, các loại bao bì bằng nhựa…”.