ThienNhien.Net – Giữa thời kì khủng hoảng lương thực trầm trọng như hiện nay, các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới đã tập hợp nhau lại tại thành phố Bonn, Đức tham gia cuộc Hội nghị của các quốc gia ký Công ước Đa dạng sinh học nhằm “tổng kết” về nguyên nhân làm biến mất các loài động thực vật trên thế giới.
Hội nghị lần thứ 9 của các nước tham gia ký Công ước Đa dạng sinh học của Liên Hiệp Quốc (CBD) đã diễn ra tại thành phố Bonn, Đức vào tháng 05/2007. Trong suốt hội nghị, người ta đã bàn nhiều về các vấn đề cáp bách như sự tuyệt chủng của các loài thú và sinh vật biển, nguy cơ từ biến đổi khí hậu và đảm bảo an ninh lương thực.
Cách đây 16 năm, trong một hội nghị thượng đỉnh về môi trường của Liên hiệp quốc tại Brazil, các nước đã tham gia ký kết thoả thuận đến năm 2010 sẽ giảm đáng kể tỷ lệ loài bị tuyệt chủng. Song, cam kết đó đã không thực hiện được.
“Chúng ta đã không đi đúng hướng để hạn chế sự suy giảm đa dạng sinh học” – Nathalie Kosciusko-Morizet , Bộ trưởng Bộ Sinh thái Pháp nói.
Với ¼ số loài thú, 1/8 số loài chim, 1/3 số loài lưỡng cư và 70% số loài thực vật đã tạo nên danh sách mới nhất về các loài bị đe dọa. Danh sách này được một cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc là Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WCU) sưu tập và phát hành.
Con người chính là nguyên nhân trực tiếp phải chịu trách nhiệm về sự gia tăng nguy cơ tuyệt chủng của các loại sinh vật trên thế giới.
Sự lan tràn của các loài xâm lấn – mà nguyên nhân chính là do lợi ích thương mại của chúng, cùng với những tác động của ngành du lịch, sự phát triển kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và sự biến đổi khí hậu là những nhân tố góp phần gây nên bức tranh đa dạng sinh học thế giới như hiện nay.
Theo các nhà khoa học, việc duy trì tính đa dạng của tự nhiên cũng chính là đầu tư bảo hiểm nhân thọ bảo vệ tương lai của loài người trước những nguy cơ của sự nóng lên toàn cầu.
Có thể thấy rõ điều đó trong hơn 100 năm trở lại đây, khi ngành nông nghiệp thế giới chủ yếu tập trung vào ba loại cây trồng chính: gạo, lúa mỳ, và ngô. Chính điều đó đã ảnh hưởng xấu đến các loại cây trồng khác.
Mà theo ông Ahmed Djoghlaf, thư ký của Hiệp hội Bảo tồn thiên cho biết, chính sự lệ thuộc quá mức vào ba loại cây lương thực này đã dẫn đến cuộc khủng hoảng lương thực, mà biểu hiện là giá gạo tăng đến mức chóng mặt như thời gian qua.
Đối với các quốc gia đang phát triển thì một đòi hỏi cần phải giải quyết hiện nay là sự phân chia công bằng hơn quyền sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cuộc chiến đấu chống lại nạn cướp nguồn tài nguyên này đang ngày càng gay cấn. Trong đó, các công ty tư nhân bị cáo buộc về việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cư dân tại những quốc gia này để khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước họ.
Chính vì vậy, một trong những mục tiêu mà Hội nghị Bonn đề ra là phải đưa ra được một bản chỉ dẫn cho cuộc đàm phán sẽ được tiến hành vào năm 2010 bàn về một loạt các quy tắc về quyền sử dụng nguồn gen và sự phân chia lại nguồn lợi từ việc sử dụng nguồn gen đó.
Bên cạnh đó, ông Djoghlaf còn cho hay, phá rừng cũng là một chủ đề được đề cập đến rất nhiều trong Hội nghị, vì “mỗi năm hơn 10 triệu ha rừng bị hủy diệt, trong khi 80% số loài sinh vật sống trong các cánh rừng mưa nhiệt đới bị hủy diệt đó. Nạn phá rừng còn góp phần vào việc tăng hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân của nóng lên toàn cầu, và là một trong những nguyên nhân gây tuyệt chủng nhiều loài sinh vật.
Achim Steiner, Giám đốc của UNEP, mong muốn rằng Hội nghị Bonn sẽ là một bước ngoặt về vấn đề sinh thái học như Hội nghị về Biến đổi khí hậu tổ chức tại Bali, tháng 12/ 2007 vừa qua – với sự giúp đỡ từ Al Gore và những người bạn – Hội nghị đã tạo nên một tiếng vang lớn trong cộng đồng về vấn đề biến đổi khí hậu.
Việc làm tiếp theo của Hội nghị là vận động để thành lập một Ủy ban liên chính phủ về Đa dạng sinh học, với cơ cấu tổ chức có khả năng tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ của chương trình Hội nghị vào năm 2009.