Sau 3 năm trồng cây trên vùng đất chua phèn Củ Chi – TP. HCM, trang trại của ông Bảy Thành đã đạt lợi nhuận bình quân hơn 3,5 tỉ đồng mỗi năm.
Trước mắt tôi, vùng đất hoang hóa đầy cỏ năn, lác chen lẫn những đồng mía còi cọc, nhỏ thó như cây lau của Nông trường Tam Tân (huyện Củ Chi- TP.HCM) ngày nào nay đã được bao phủ bởi màu xanh ngút ngàn của cam, quýt đường, bưởi da xanh, mận, dừa… Bưởi, cam, quýt đang vào mùa thu hoạch trái vụ. Đó là trang trại của ông Đặng Phước Thành (Bảy Thành). Không phải kỹ sư hay nông dân giỏi nhưng nhờ biết tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ông đã biến vùng đất này thành trang trại trù phú.
Tự tin nhận khoán
Ông Lê Văn Điền, nguyên phó giám đốc Nông trường Tam Tân, nhớ lại: “Vùng đất này nhiễm phèn nặng, chỉ trồng được tràm. Sau giải phóng, TP. HCM đưa lực lượng thanh niên xung phong lên đây nhằm cải tạo vùng đất hoang hóa. Suốt từ năm 1981 đến năm 2000, nông trường trồng mía, nhưng duy nhất được một vụ năm 1991 là có giá; những năm còn lại, mía rớt giá thê thảm; thậm chí có thời điểm, 1 kg mía giá chỉ bằng một cục kẹo! Nông trường đã tìm cách tháo gỡ nhưng không có kết quả”.
Đang lúc vùng đất này đứng trước khả năng phải trở lại thời kỳ hoang hóa thì năm 2001, ông Bảy Thành đến nhận khoán. Ông Thành kể: “Quê tôi ở Đồng Tháp, nổi tiếng là vùng trái cây ngon của miền Tây Nam Bộ. Nhiều năm sống, làm việc ở TP. HCM nhưng tôi vẫn không lúc nào quên miệt vườn đầy cây trái ấy”. Biết ông Bảy Thành nhận khoán đất trồng trái cây, không ít người đã bảo ông chơi ngông, hoặc cho rằng ông đầu tư đất chứ làm trang trại gì với vùng đất chua phèn này. Ngay chính ông Điền, người mang xáng cạp đến làm dịch vụ đào đất làm mương dẫn nước, lên liếp cũng không tin rằng sẽ có trang trại như hôm nay.
Làm chủ kỹ thuật
Lên liếp xong, ông Bảy Thành mua đất phù sa ở nơi khác về đổ lên trên. Năm 2002, khi bắt đầu mang giống cam sành, quýt đường, bưởi da xanh từ miền Tây lên trồng, ông mời ông Sáu Bạn, một nông dân trồng quýt hồng nổi tiếng của Đồng Tháp, làm kỹ thuật viên với cam kết chia lời 10% trên tổng lợi nhuận.
Đưa tôi đi thăm trang trại, ông Thành giới thiệu, nếu để sinh trưởng tự nhiên thuận mùa thì tháng 3, cam, quýt, bưởi bắt đầu ra hoa; tháng 4, tháng 5 kết trái và đến tháng 10, tháng 11 bắt đầu cho thu hoạch. Nhưng như vậy giá bán sẽ không cao vì rộ mùa. Để có trái cây bán trái mùa, được giá, các chuyên gia đã áp dụng quy trình kỹ thuật cho cây ra hoa vào tháng 9 và thu hoạch trái vào tháng 5, tháng 6. Đây cũng là lúc hầu hết các nhà vườn khác không còn trái cây, nhờ vậy mới bán được giá cao.
Như một nông dân thực thụ, ông Bảy Thành giải thích: “Để làm được điều này, cây cần phải được cắt nước 15 ngày cho héo đi; sau đó, bơm nước và tưới phân chuồng. Sự kích thích đột ngột này giúp cho cây “tức” và ra hoa”. Quá trình dưỡng hoa, trái nghịch mùa cũng là bí quyết. Những công nhân (CN) sẽ chăm sóc cây theo quy trình mà ông Sáu Bạn chỉ dẫn. Để khuyến khích tinh thần tự giác của CN, ngoài tiền lương bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng, họ còn được chia thêm từ 10% lợi nhuận sau khi thu hoạch.
Mỗi năm lời hơn… 8 kg vàng
Nâng niu từng chùm trái cây, ông Bảy Thành hồ hởi: “Năm nay ước thu gần 200 tấn, trong đó cam 120 tấn, bưởi da xanh 20 tấn, quýt đường hơn 50 tấn. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, trừ chi phí, lời ròng hơn 3,5 tỉ đồng”. Vui chuyện, ông kể tiếp, sau 3 năm trồng cây, năm 2006, ông đã có thu hoạch. Năm đầu tiên, trừ mọi chi phí, ông lời hơn 10 kg vàng, năm 2007, do sản lượng thấp, chỉ lời hơn 7 kg vàng. Bình quân 3 năm qua, mỗi năm ông Bảy Thành thu trên 8 kg vàng.
“Nước lên thuyền lên”, những chuyên gia, CN của ông cũng khá lên. Anh Nguyễn Thanh Dũng cho biết 3 năm qua, ngoài tiền lương hằng tháng, anh còn được chia gần 200 triệu đồng. Ông Lê Văn Điền nhận xét: “Bây giờ trồng mía, giỏi lắm cũng chỉ lời vài triệu đồng/ha/năm. Nhưng trồng trái cây thì lợi nhuận gấp nhiều lần. Chính ông Bảy Thành là người đã làm sống dậy vùng đất phèn này”.
Trang trại của ông Bảy Thành giờ đây còn là điểm tham quan, học tập kinh nghiệm của nông dân cả nước.