Hiện nay, phong trào nuôi cá sấu đang phát triển khá mạnh tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tình trạng nuôi cá sấu không đăng ký, không rõ nguồn gốc xuất xứ không chỉ khiến việc tiêu thụ cá sấu gặp khó khăn làm người nuôi chịu thiệt hại về kinh tế, mà nuôi tự phát, chuồng trại không đảm bảo tiêu chuẩn đã và đang tiềm ẩn những nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
Hiểm họa lơ lửng
Liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng loạt vụ cá sấu sổng chuồng xảy ra tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, khiến người dân không khỏi lo lắng, sợ hãi. Điển hình là vụ 14 con cá sấu của nhà ông Phạm Văn Trắng, ở ấp 3, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre sổng chuồng mới đây. Ngay sau khi vụ việc xảy ra các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre và huyện Châu Thành kịp thời tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả, bắt lại được 9 con cá sấu, tiêu diệt 2 con, còn 3 con đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Cách đây vài tháng, ở phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau một con cá sấu chừng 30 kg của một hộ nuôi cá sấu tẩu thoát xuống sông khi đang vận chuyển. Sau hàng tuần huy động lực lượng truy lùng mới bắt được con cá sấu. Trước đó, người dân An Thạnh Trung, Chợ Mới, An Giang một phen tá hỏa khi xuống thăm lưới giăng cá ở một khúc mương, thì phát hiện một con cá sấu nặng chừng 30kg, dài hơn hai mét, bị quấn vào lưới. Người dân đổ xô đến xem, bàn tán xôn xao, nhiều người sợ hãi đến mức không ngủ được.
Theo thống kê của các tỉnh ĐBSCL, hiện nay toàn vùng có khoảng 150.000 con cá sấu được người dân nuôi. Điều đáng lo ngại do thiếu kiến thức, lại nuôi theo phong trào nên phần lớn các chuồng, trại nuôi cá sấu không đảm bảo an toàn. Ông Nguyễn Hữu Bé, Chi cục Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre, thẳng thắn nhìn nhận: “Trong tổng số 5.000 con cá sấu tại địa bàn tỉnh thì phần lớn người dân chăn nuôi mang tính chất tự phát với số lượng vài ba con nên chúng tôi rất khó quản lý. Một số gia đình khi chúng tôi kiểm tra phát hiện nuôi cá sấu không đăng ký, chúng tôi đã tiến hành xử phạt. Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh ban hành quy định về nuôi cá sấu nhằm đảm bảo an toàn, đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp chăn nuôi cá sấu trái phép, không đăng ký, chuồng trại không đảm bảo”.
Giá cá sấu gần đây trồi sụt bất thường, có lúc xuống còn 60.000 đồng/kg (loại cá sấu 15 kg/con), giảm gần một nửa so với giá cá sấu năm 2006. Trong khi đó chi phí về thức ăn, xây dựng chuồng, trại, nhân công… lại không ngừng tăng khiến nhiều người nuôi cá sấu thua lỗ nặng. Do đó, việc gia cố, sửa chữa chuồng trại xuống cấp gần như bị người chăn nuôi nhỏ, lẻ thờ ơ.
Những trại cá sấu chỉ đóng chuồng tạm bằng lưới thép B40 không đảm bảo an toàn đang phổ biến tại ĐBSCL nên nguy cơ sổng chuồng của cá sấu rất cao. Với địa hình kinh rạch, sông nước ở ĐBSCL, cá sấu sổng chuồng gây nguy hiểm tính mạng của người dân. Hơn nữa, việc khắc phục hậu quả, truy bắt cá sấu sổng chuồng ở vùng sông nước càng khó khăn, hiệu quả thấp và rất tốn kém.
Có hiểu biết mới hiệu quả
Những năm trước đây, một số ít hộ nuôi cá sấu nước ngọt và xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Những lời đồn thổi khoản lợi nhuận từ nghề này đã khiến phong trào nuôi cá sấu tại các tỉnh ĐBSCL phát triển một cách tự phát như nấm mọc sau mưa. Cá sấu giống bị tranh mua, giá con giống 1- 2 năm tuổi lên tới hàng chục triệu đồng/con.
Ông Huỳnh Hoàng Quân, ở Ba Tri (Bến Tre), người mới “giải nghệ” nghề nuôi cá sấu vì thua lỗ, bảo: “Thấy người ta nuôi cá sấu có lãi mình cũng bắt chước, nhưng chẳng chịu tìm hiểu kỹ, kết cục bị thua lỗ. Nuôi cá sấu tự phát rất khó bán, người nuôi coi như cầm chắc khả năng lỗ vốn, đồng thời dễ tạo cơ hội để thương lái đẩy giá con giống lên cao kiếm lời”.
Kể từ năm 1994, Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) thì việc nuôi, mua bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu cá sấu được quản lý quy định chặt chẽ hơn. Thực tế ở ĐBSCL cho thấy, chỉ có những người nuôi cá sấu có đăng ký, có vốn lớn, đầu tư xây dựng chuồng trại đạt tiêu chuẩn, nguồn gốc cá sấu rõ ràng mới có cơ hội tiêu thụ được dễ dàng và có lãi. Còn đối với những người nuôi cá sấu nhỏ lẻ, mua trôi nổi, nguồn gốc bất hợp pháp rất khó tiêu thụ, thậm chí nuôi cá sấu không đăng ký bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, khi việc xuất cá sấu tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó khăn thì giá cá sấu ở ĐBSCL sẽ sụt giảm mạnh. Giá cá sấu trên thị trường có lúc xuống chỉ còn 60.000 – 70.000 đồng/kg mà chẳng có người mua. Vấn đề giải quyết đầu ra đối với cá sấu không đơn giản, đặc biệt là đối với những trường hợp người nuôi cá sấu không có nguồn gốc, xuất xứ, đăng ký với Chi cục Kiểm lâm tại địa phương theo quy định của CITES thì không thể xuất khẩu.
Các sản phẩm từ cá sấu có giá trị cao, tuy nhiên việc tiêu thụ không hề đơn giản. Muốn xuất khẩu cá sấu, trước hết chủ trại cá sấu phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp, trại nuôi đủ tiêu chuẩn, đúng thế hệ F2 (thế hệ được sinh ra từ cá sấu bố mẹ đánh bắt ở tự nhiên), có hạn ngạch xuất khẩu. Đó là chưa xét về khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong điều kiện cá sấu Việt Nam da thường bị trầy xước, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện nay, ở nước ta chỉ có 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn đã được tổ chức CITES cấp giấy phép xuất khẩu cá sấu: Tồn Phát, Hoa Cà, Forimex, Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh và An Giang). Ngoài 4 cơ sở kể trên, tất cả cá sấu xuất khẩu ra nước ngoài không qua những cơ sở này đều bị coi là bất hợp pháp, vi phạm quy định của CITES.