ThienNhien.Net – Kiến lửa nhập nội nâu đỏ (gọi tắt là RIFA), dài chưa đầy 1 cm, trông vô hại như bất kỳ loại kiến nào khác. Nhưng loài côn trùng gốc Nam Mỹ này lại gây ra thiệt hại hàng tỷ đô la đối với mùa màng và máy móc nông nghiệp. Tại hội nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức ở Bonn, Đức vào cuối tháng 05/2008 vừa qua, các chuyên gia đã bày tỏ lo lắng về loài sinh vật xâm hại này, đồng thời bàn thảo cách bảo vệ sự đa dạng của các loài sinh vật hoang dã trên Trái đất.
Các chuyên gia cho biết, những loại “sinh vật ngoại lai xâm lấn” này là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với đa dạng sinh học và các rủi ro liên quan, đặc biệt là với các hệ sinh thái cách biệt như các hòn đảo nhỏ, và chúng sẽ còn phát triển mạnh hơn do bùng nổ thương mại toàn cầu, giao thông và du lịch.
Được tới vùng Nam Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 20, kiến RIFA đã đi lậu trong hàng loạt hàng hóa xuất khẩu và công-ten-nơ, nay lại được tìm thấy ở châu Á và các nước Thái Bình Dương, bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Australia.
Hung hăng hơn hầu hết loại kiến khác, RIFA không chỉ cắn người mà còn xua đuổi các sinh vật bảo vệ mùa màng và gặm mòn dây điện gây ra thiệt hại chừng 500 triệu tới hàng tỷ đô la mỗi năm ở những nơi chúng có mặt.
Người ta đang tìm cách kiểm soát những sinh vật như kiến RIFA – những loài vô tình bị đưa đi khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng do thương mại toàn cầu rồi tàn phá môi trường.
“Vấn đề thực sự khủng khiếp – lớn hơn nhiều người đã nghĩ”, Giám đốc Điều hành của Chương trình Sinh vật xâm hại Toàn cầu (GISP) Sarah Simons, đã phát biểu.
Một ví dụ khác nữa về sinh vật xâm lấn là loài sâu bướm đã phá hủy xương rồng có gai. Các nhà khoa học đã cảnh báo loài bướm này sẽ làm mất sạch xương rồng ở Mexico.
Còn ở Bahamas, cá sư tử xâm hại đã ăn hết các loài cá khác và rắn cây ở Guam thì đe dọa chim Hawaii.
Trang web điện tử của GISP trích dẫn một nghiên cứu của Mỹ, họ đã đặt nguy cơ toàn cầu do các sinh vật ngoại lai xâm hại với giá 1500 tỷ đô la nhưng Simons cho rằng nhiều cần thực hiện nhiều nghiên cứu, khảo sát lớn hơn mới có thể thuyết phục mọi người quan tâm và hiểu mối đe dọa này.
Một trong những giải pháp kiểm soát sự lan rộng của sinh vật xâm lấn là sử dụng hệ thống cảnh báo sớm. “Nếu chúng ta áp dụng cách tiếp cận tiền cảnh báo, sự lan rộng của sinh vật ngoại lai có thể được hạn chế”, theo lời Junko Shimura, Nhân viên Chương trình Hội nghị về Phân loại học và Sinh vật ngoại lai xâm lấn.
Cũng theo Shimura, ngăn cản các loài sinh vật xâm lấn tiềm năng đi lại trên toàn cầu và dò tìm nhanh ở biên giới thì ít tốn kém hơn là kiểm soát và xóa bỏ điều mà đôi khi phải cần đến các loại thuốc trừ sâu có hại cho môi trường.