Hiện nay, lưu lượng xe tham gia giao thông ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) tại các khu vực này luôn ở mức quá tải. Thêm vào đó, chất lượng đường sá, cơ sở hạ tầng và mật độ xe trọng tải nặng lưu thông qua nhiều khu vực trong thành phố, cộng thêm xung quanh có nhiều nhà cao tầng khiến cho khả năng phát tán kém… PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn – Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM đã có buổi trao đổi về vấn đề này.
Chúng ta từng báo động tình hình ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), đến nay tình hình này đã được cải thiện ở mức nào?
Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí quý I/2008 cho thấy với khoảng dao động từ 0,38 – 0,88 mg/m3, vượt chuẩn từ 1,3 – 2,9 lần, đặc biệt có ngày nồng độ trung bình vượt chuẩn đến 4,3 lần, bụi tổng luôn là chất ô nhiễm nghiêm trọng nhất trong các chỉ tiêu quan trắc. Ngã tư An Sương, ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ và ngã sáu Gò Vấp vẫn là các điểm có mức tập trung cao các chất ô nhiễm. Ngoài ra, nồng độ NO2 trên toàn bộ 6 trạm quan trắc đều có giá trị quan trắc vượt chuẩn, trạm ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ có 76% giá trị quan trắc vượt chuẩn; ngã tư An Sương có 90% giá trị quan trắc vượt chuẩn cho phép.
Nguyên nhân là do lưu lượng xe tham gia giao thông tại các khu vực này luôn ở mức quá tải. Thêm vào đó, chất lượng đường sá, cơ sở hạ tầng và mật độ xe trọng tải nặng lưu thông qua các khu vực này rất nhiều, cộng thêm xung quanh có nhiều nhà cao tầng khiến cho khả năng phát tán kém. Có một nguyên nhân quan trọng không kém là lượng khí thải công nghiệp phát ra từ các nhà máy, xí nghiệp sản xuất xung quanh các khu vực đó…
Mức độ ô nhiễm ở TP.HCM nói riêng và ở Việt Nam nói chung so với các nước trên thế giới như thế nào?
Theo kết quả đánh giá năm 2007 của tổ chức Clean Air Initiative for Asian Cities (CAI-Asia) về năng lực mạng lưới quan trắc, năng lực quản lý và chất lượng không khí của các TP ở châu Á (dùng thang điểm từ 0 đến 100), Tokyo có chất lượng không khí tốt nhất, đạt 90-100 điểm; TP. HCM đạt 50-60 điểm. Những chất độc hại có trong không khí do các trạm quan trắc ở TP. HCM đo được rất nhiều, nhưng chủ yếu gồm bụi, khí SO2, NO2, O3, CO, chì… Trong đó, vượt tiêu chuẩn cho phép chủ yếu là bụi lơ lửng ở ven các trục đường giao thông. Ngoài ra, còn có một số chất ô nhiễm khác như benzen, cũng có nguồn gốc từ khí thải giao thông. Bụi là tác nhân gây nên các bệnh đường hô hấp, đặc biệt bụi nhỏ gây ung thư phổi. Benzen cũng là một tác nhân gây ung thư.
Hiện nay TP. HCM đã có những biện pháp nào để kiểm soát và giảm thiểu mức độ ô nhiễm không khí?
TP. HCM hiện có hệ thống quan trắc chất lượng không khí tốt nhất Việt Nam, bao gồm 9 trạm quan trắc tự động đo các thông số như NOX, SO2, bụi kích thước nhỏ, O3, CO…; 6 trạm quan trắc bán tự động ở các trục đường chính như vòng xoay Hàng Xanh, Phú Lâm, ngã tư Điện Biên Phủ-Đinh Tiên Hoàng, ngã sáu Gò Vấp, ngã tư An Sương… Ngoài ra, còn có 8 trạm quan trắc benzen, toluene và xylene dùng quan trắc các chất ô nhiễm sinh ra do sử dụng xăng trong các động cơ ô tô.
TP. HCM cũng có nhiều biện pháp kiểm soát chất lượng không khí. Đối với ô nhiễm do hoạt động công nghiệp thì đã thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoài TP, đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo Nghị quyết 64 của Chính phủ; ứng dụng sản xuất sạch hơn; đầu tư cho các hệ thống xử lý khí thải. Với ô nhiễm do các phương tiện giao thông vận tải thì áp dụng biện pháp thay thế nhiên liệu độc hại bằng các nhiên liệu ít độc hại hơn như thay xăng có chì bằng xăng không chì, ban hành tiêu chuẩn khí thải Euro 2 từ năm 2007; tổ chức phân luồng phân tuyến hợp lý để tránh ùn tắc giao thông; cải tạo, mở mang đường sá; tăng cường vận tải công cộng để giảm bớt lượng xe cá nhân…
Dự kiến, đến cuối năm 2008 sẽ ban hành quy định về khí thải đối với xe máy đang lưu hành. Nếu quy định này được áp dụng, sẽ có khoảng 40% xe máy đang lưu hành không đạt chuẩn, cần phải nâng cấp, sửa chữa để lượng khí thải ra đạt mức độ cho phép.
Gần đây có thông tin cho rằng chất lượng không khí ở TP. HCM phụ thuộc… giá dầu trên thế giới, ông có thể cho biết điều này là thế nào?
Đó chỉ là một cảm nhận vào năm 2006 khi giá dầu tăng trùng hợp với thời điểm kết quả quan trắc chất lượng không khí ở TP. HCM cho thấy nồng độ chì trong không khí cũng tăng lên. Bởi vì trước đó, kể từ ngày 01/07/2001, khi Việt Nam quyết định không sử dụng xăng pha chì thì nồng độ chì trong không khí giảm đáng kể. Cho đến đầu năm 2006, lượng chì trong không khí bắt đầu tăng lên, trùng hợp với một đợt tăng giá dầu thế giới. Tuy nhiên, cho đến gần đây, giá dầu liên tục tăng nhưng nồng độ chì lại có chiều hướng giảm xuống. Do đó, chưa có căn cứ để khẳng định rằng có mối liên hệ giữa giá dầu thế giới với chất lượng không khí ở TP. HCM.