Liều mạng vì hàu

“Biết là nguy hiểm, nhưng nghề lặn hàu này “sáng đi chiều có gạo” là con đường mà 100% hộ dân làng Câu Thẻo chúng tôi đã chọn” – anh Liên – một thợ lặn hàu chuyên nghiệp tại xóm Đông Phường (làng Câu Thẻo, thôn Nhơn Ân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, Bình Định) nói.

Thân cò lặn lội

Hè về, biển vào mùa con nước rút cũng là mùa thu nhập, “ngày làm tháng ăn” của người dân Câu Thẻo. Mới sáng bảnh mắt cả làng vắng bóng người vì họ đã kéo nhau đi lặn hàu, lượm hàu, moi hàu.

“Bây giờ chị muốn tìm người trong làng thì chỉ có đi về phía Đông kia” – cụ Nguyễn Ngọc, xóm trưởng xóm Đông Phường chỉ tay về hướng phường Đống Đa, cảng Quy Nhơn và chân cầu Nhơn Hội.

Làng Đông Phường gồm có 245 hộ với 1.268 nhân khẩu sống bằng nghề Câu Thẻo (câu cá hố ở xa bờ) cách đây 15 năm về trước, còn bây giờ đã chuyển sang nghề lặn hàu. Sáng cũng như chiều mọi người đổ dồn ra biển “tìm lấy con hàu” để tích góp “của ăn, của để” dành dụm vào mùa mưa.

Theo chân anh Lê Văn Liên, chúng tôi ra biển, nắng và gió cứ thi nhau tạt phập phập kéo theo hơi nước mặn chát táp vào mặt đến rát bỏng. Anh Liên cùng với 4 người bạn lên ghe, nào găng tay, kính lặn, dây tròng nối vào lưng, tay cầm búa, tay cầm đục thẳng tiến về khu vực cấm (khu vực các tàu lớn neo đậu ở cảng Quy Nhơn).

Ghe được neo đậu gần bờ, mọi người tản ra. Chúng tôi bị bỏ lại, đành đứng chờ. Xa xa có những cái đầu ngoi lên, ngụp xuống lúc ẩn, lúc hiện sau đuôi các con tàu. Anh Liên và các đồng nghiệp như hiểu rõ những quy định của cánh thợ lặn, việc ai nấy làm, thỉnh thoảng bưng lên một cục đá lớn rồi ra hiệu hai ba người lại giữ.

Cả nhóm hì hụi tách những con hàu to ra khỏi cục đá, bỏ vào thau lại tiếp tục ngụp xuống biển. Sau 2 tiếng đồng hồ thau hàu đã được hơn phân nửa. “Cỡ này cũng bán được khoảng 50.000-60.000 đồng” – anh Liên khoe.

Anh Liên vốn là dân sông nước cha truyền con nối, hơn chục năm nay cá tôm trên vùng đầm Thị Nại. Đầm cạn kiệt, con hàu
trở nên có giá, anh chuyển sang nghề lặn hàu và là một thợ lặn vào loại cừ nhất thôn luôn kiếm được hàu to.

Đường vào xóm Câu Thẻo chất đầy những vỏ hàu. Số hàu đi làm về được người ở nhà đục lấy ruột bán cho những lái buôn, bỏ vỏ lại chất thành bao sẵn chờ dịp có người làng vôi xuống sẽ bán, mỗi bao khoảng 4.000-5.000 đồng.

Chị Võ Thị Bưởi – chi hội trưởng Hội phụ nữ của xóm cho biết: “Trong làng đàn ông và một số phụ nữ có sức khỏe thì đi lặn kiếm con hàu to, số còn lại là ra các bãi khô đục đẽo và lượm hàu khi nước rút.

Mùa này là mùa thu hoạch của chúng tôi, “ngày làm tháng ăn” nên cha mẹ, con cái đều huy động ra biển hết, nhặt được cái gì cũng được miễn là kiếm ra đồng tiền mà mua gạo dự trữ cho ngày mưa bão …”.

 
Vì những con hàu lớn, trẻ em của làng Câu Thẻo sao nhãng học hành.

Hiểm nguy rình rập

“Chúng em không biết bơi nên không dám ra xa, chỉ quanh quẩn trong bờ thế này. Nhiều lúc nhìn thấy con hàu to bám tận các cóng nước, tiếc quá nên cũng làm liều nhào ra chụp lấy, có khi bị nước nó cuốn theo vài vòng đảo lộn rồi cũng may mắn ngoi lên được”- em Nguyễn Thị Mỹ Uyên, học sinh lớp 5 ngây thơ kể.

Chị Lê Thị Hết, một trong những nữ lặn hàu liều lĩnh nhất của xóm nói : “Ngày chưa lấy chồng tui chưa biết bơi, về đây gia đình khó khăn quá nên tui cũng tập bơi, học cách lặn từ các chú đi biển lâu năm nên lâu cũng quen. Biết dễ “đổi mạng lấy tiền” nhưng cả làng phải thế chứ riêng gì mình tui!”.

Rồi chị chìa ra đầy những sẹo mới, sẹo cũ chi chít trên cánh tay, cẳng chân ra làm chứng. Những xây xát kiểu ấy, với người dân nơi đây là chuyện bình thường, chẳng thuốc gì sát trùng tốt hơn bằng chính nguồn nước lợ trong đầm.

Phần đông đàn ông và chỉ vài mươi phụ nữ “đủ tầm” lặn hàu ở độ sâu 6-7 sải tay. Người bị yếu sức không biết lặn thì đi lượm nhưng cũng phải ngâm nước cả ngày cho đến lúc nào nước dâng lên tận cổ mới thất thểu đi về.

Thợ lặn hàu làm một tháng, nghỉ nửa tháng nên nhiều lúc có người cũng làm liều đối mặt với sự hiểm nguy chỉ mong có hàu là được.

Thời gian thuận lợi cho lặn hàu chỉ 12-14 ngày/tháng, còn lượm khô thì chỉ 8-10 ngày/tháng.

Để kiếm được chỗ hàu “ngon ăn” đôi lúc họ liều lĩnh mò vào cả khu vực cấm, khu vực nước sâu – nơi tàu lớn đang neo đậu để cạy hàu bám ở dưới đáy tàu, thân tàu.

Có những lúc “rất ớn” khi đang ngụp lặn dưới nước mà không tìm thấy chỗ ngoi lên để thở giữa ba bề bốn bên toàn tàu, lại nơm nớp lo chuyện bị bảo vệ cảng phát hiện.

Số người thiệt mạng vì lặn hàu tại làng Đông Phường không phải hiếm. Tháng 08/2007, anh Trần Văn Tư, 45 tuổi đã thiệt mạng do lặn hàu quá sâu và lên không kịp để lại người vợ ốm yếu với 4 đứa con nheo nhóc, sống trong căn nhà tạm bợ “nghèo hết chỗ chê”.

Anh Lưu Văn Hiền là nạn nhân thứ 2 do lặn hàu quá sâu nên bị thiệt mạng vào tháng 3 vừa qua để lại người vợ trẻ và đàn con thơ dại, tật nguyền sống nheo nhóc khổ sở với nghề chạy chợ qua ngày.

Chưa kể nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích do lặn hàu. Nào bể màng nhĩ, lủng đầu, rách tay, toạc chân … nhiều vô số kể. “Không ai đi làm hàu mà chân tay còn lành lặn, nghề này được ví như đâm đầu vào gai” – chị Võ Thị Năm, xóm Câu Thẻo kể.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, đến nay vẫn còn chưa hết sợ, kể lại đận chết hụt cách đây 4 năm về trước : “Ngày đấy cũng vào mùa khô như bây giờ, tui cùng cha con người em ruột đi sõng (thuyền nhỏ) ra bãi lượm hàu, giữa chừng sõng lật.

Cháu gái chết đuối còn bầy tui “trôi tự do” trên biển cho đến lúc được vớt lên mới biết mình còn sống”. Có trường hợp như chị Nguyễn Thị Tuyết, vừa mất chồng, mấy tháng sau chị cũng chết đuối vì lật sõng để lại 5 đứa trẻ mồ côi cha mẹ …

 
Hàu được đóng bao chở đem bán.

Vì thiếu nên liều !

Cụ xóm trưởng Nguyễn Ngọc tâm sự : “Làng này đa số đông con, có khoảng 20 hộ với 15 nhân khẩu mỗi hộ, số còn lại mỗi hộ toàn cỡ 9-10 nhân khẩu hết. Làng đã đói, con cái nheo nhóc nên nhiều gia đình con cái của họ mới cứng chân, cứng tay là cho ra biển mò cua bắt ốc để kiếm sống. Nhiều lúc thấy như vậy là rất nguy hiểm, khuyên can cũng được vài hôm rồi đâu lại vào đấy”.

Làng này hiếm có trẻ con học lên đến cấp ba, đa số chỉ học hết lớp 4 – 5 “cho biết chữ” rồi tự cho mình nghỉ học và ở độ tuổi 10-15 đã trở thành lao động chính của gia đình.

Em Phạm Thị Trúc, 12 tuổi, hồn nhiên: “Em đi lượm hàu cách đây vài năm rồi nên cũng quen, cứ trông cho hè đến mau mau để bọn em rủ nhau đi như thế này”. Đa số các em không tự mình ý thức được việc học là quan trọng mà thay vào đó là học đối phó, về nhà vứt cặp sách là lao ra bờ biển để nhặt lượm, rồi đục đẽo hàu.

Bố mẹ các em cũng quanh năm tất bật mưu sinh, lo cái ăn còn chưa đủ nên đành phó mặc chuyện kèm cặp việc học hành của con cái.

Cũng vẫn theo lời cụ Nguyễn Ngọc : “Đợt vừa rồi xét duyệt nghĩa vụ quân sự lấy toàn thôn 90 người, tiêu chuẩn trình độ từ lớp 7 trở lên mà chỉ lấy được có 30 em, số còn lại rất nhiều nhưng chỉ học lớp 3 – 4 – 5 nên không đủ tiêu chuẩn”.