ThienNhien.Net – Thuốc lá là nguyên nhân lớn thứ hai gây tử vong trên thế giới. Tất cả mọi người đều biết thuốc lá có hại cho sức khỏe con người và môi trường. Tuy nhiên, họ không biết rằng những điều mình “tưởng” vẫn còn xa vời so với tác hại thực tế của thuốc lá, và thuốc lá cũng chính là tác nhân làm trầm trọng thêm nạn đói trên thế giới. Nhiều mảnh đất màu mỡ đã bị tước đoạt để trồng thuốc lá, thay vì cây lương thực.
Trầm trọng thêm sự đói nghèo
Có một thực tế mà người ta không muốnt thừa nhận, đó là thuốc lá và đói nghèo có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Trong số ít ỏi những nghiên hiện có, người ta đã chỉ ra rằng những hộ gia đình nghèo nhất ở những quốc gia có thu nhập thấp dành đến 10% tổng số chi tiêu cho thuốc lá, chính vì lý do này họ đã phải bớt đi các khoản chi tiêu cơ bản cho lương thực, giáo dục, và chăm sóc sức khỏe.
Thuốc lá gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, làm gia tăng chi phí cho việc khám chữa bệnh và góp phần vào tỷ lệ tử vong sớm ở các nước nghèo, đồng thời àm gia tăng nạn mù chữ vì số tiền đáng lẽ được sử dụng cho giáo dục của người nghèo đã bị tiêu tốn vào thuốc lá.
Tuy nhiên, tác động của thuốc lá làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo thường ít được đề cập đến trong các nghiên cứu về thuốc lá cũng như các nghiên cứu về đói nghèo.
John Madeley, trong cuốn sách “Kinh doanh trên người nghèo” (1999), cho rằng chính các quảng cáo của tập đoàn thuốc lá xuyên quốc gia đã khuyến khích những người nghèo hút nhiều hơn, với số tiền lẽ ra phải dùng để mua lương thực và chăm sóc sức khỏe cho gia đình họ.
Còn theo Tiến sỹ Judith Mackay, Giám đốc cơ quan tư vấn Kiểm soát Thuốc lá Châu Á tại Hồng Kông, thì việc sử dụng đất để trồng thuốc lá đã khiến cho 10 – 20 triệu người không có đất sản xuất lương thực. Bà cho biết: “Những nơi trồng thuốc lá chính là vùng phải nhận trợ cấp để nhập khẩu lương thực, bởi vì những vùng đất màu mỡ nhất để trồng lương thực đã bị tước đi”.
Cho đến nay, chính phủ của các nước đang phát triển cũng đã bắt đầu nhận thấy rằng lợi ích kinh tế thực sự mà ngành công nghiệp thuốc lá đem lại không thể bù đắp chi phí hồi phục sức khỏe và số lượng người tử vong. Khoản thiệt hại này trên toàn thế giới khoảng 200 tỷ USD/năm, trong đó các nước đang phát triển phải gánh chịu 1/3.
Giảm sức sản xuất
Thuốc lá và tài nguyên môi trường Cây thuốc lá khát nước và dễ bị sâu bệnh nên các đồn điền thuốc lá cần rất nhiều nước tưới và sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật. Các chuyên gia cũng cho biết việc trồng thuốc lá không chỉ làm thoái hóa chính mảnh đất nó sinh sống mà còn ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, làm gia tăng tình trạng rửa trôi đất và giảm năng suất đất. Ngoài ra, quá trình sơ chế thuốc lá đòi hỏi rất nhiều gỗ làm chất đốt. |
Không chỉ làm phát sinh những khoản chi phí chăm sóc sức khỏe cộng đồng, thuốc lá còn “ăn mòn” sức người bởi quá trình sản xuất thuốc lá chiếm hữu một bộ phận lực lượng lao động của quốc gia.
Báo cáo “Chiến dịch không thuốc lá với trẻ em” nhận định, dù xét dưới góc độ kinh tế xã hội hay môi trường thì những lợi ích do ngành công nghiệp thuốc lá mang lại đều rất ít. Ngay trong ngành công nghiệp thuốc lá, chỉ có một số ít người được hưởng lợi, còn đại đa số người lao động phải làm việc cực nhọc và có chất lượng cuộc sống thấp.
Việc trồng cây thuốc lá đã hủy hoại môi trường nghiêm trọng và gây ra những vấn đề sức khỏe liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ sâu cho những người nông dân và gia đình của họ. Song, các công ty sản xuất thuốc luôn lẩn tránh và lờ đi các khoản chi phí bù đăp về môi trường và sức khỏe liên quan đến hoạt động trồng thuốc lá. Do đó, xét về lâu dài, họ mắc một “món nợ” đối với những người nông dân trồng thuốc lá.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): + 10% tỉ lệ tử vong của người lớn là do thuốc lá. + Thuốc lá là đứng đầu trong số những nguyên nhân gây tử vong có thể ngăn ngừa được + Cứ 6 giây có 1 người chết vì thuốc lá. + Thế kỷ 20 chứng kiến 100 triệu ca tử vong do thuốc lá, dự báo con số này trong thế kỷ 21 sẽ lớn gấp 10 lần. + 84% số người hút thuốc sống ở các nước nghèo và nước đang phát triển. + Thuốc lá có thể gây hại dù dưới bất kỳ hình thức và cách ngụy trang nào: dạng điếu/tẩu, dạng hít/hút, có khói/không khói, thuốc có mùi thơm, thuốc tự nhiên, hay thuốc ít độc hại. |