Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hàng ngày, TP Cần Thơ đón tiếp nhiều lượt khách trong và ngoài nước đến công tác, giao dịch, tham quan. Thế nhưng, bộ mặt của nhiều tuyến đường nội ô thành phố hiện nay vẫn kém mỹ quan, bởi còn một bộ phận cư dân chưa thực sự quan tâm đến nếp sống văn minh đô thị.
Giữa ban ngày, cứ cách vài phút có người đến đứng quay mặt vào cột điện hoặc bức tường rào vô tư “trút bầu tâm sự” – đó là những hình ảnh đã ghi nhận được trên đoạn đường Phạm Hồng Thái (thuộc phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đây là một con đường vắng người qua lại, một số người thiếu ý thức cứ thoải mái tìm đến… Để giải quyết tình trạng này, cách đây khoảng 2 năm, Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ đã bố trí nơi đây một nhà vệ sinh công cộng. Thế nhưng, tình hình này vẫn không được cải thiện.
Chị Nguyễn Thanh Thủy, người quản lý nhà vệ sinh công cộng ở đây, cho biết: “Nhà vệ sinh công cộng mở cửa phục vụ từ 5 giờ sáng đến 18 giờ; riêng những ngày lễ, Tết kéo dài đến 21 giờ đêm. Tuy nhiên, số người sử dụng nhà vệ sinh này không nhiều. Có nhà vệ sinh đàng hoàng, nhưng nhiều người thiếu ý thức vẫn đi vệ sinh ngoài đường”.
Hiện nay ở một số tuyến đường khác trên địa bàn quận Ninh Kiều, như: đường Châu Văn Liêm (đoạn gần Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, thuộc phường An Lạc); đường Ngô Văn Sở; đường Nguyễn Thái Học (phường Tân An)… cũng trong tình trạng tương tự.
Chú Nguyễn Văn Thạnh, người quản lý nhà vệ sinh công cộng ở góc đường Ngô Văn Sở giáp với đường Phan Đình Phùng, cho biết: “Những người đi vệ sinh ngoài đường gồm đủ thành phần, từ những tài xế xe hon-đa ôm, đến dân trí thức, ăn mặc lịch sự. Những người này từ ở đâu chạy đến, dựng xe rồi đứng úp mặt vào bức tường “giải quyết”, mặc kệ những người xung quanh. Cứ vài phút là có người đến. Kết quả là nước tiểu đọng vũng, trời mưa thì đỡ; còn trời nắng gắt thì mùi khai bốc lên nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường cả một đoạn đường”.
Ông Thái Trung Lập, Phó Chủ tịch UBND phường Tân An, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn phường Tân An có 6 nhà vệ sinh công cộng, được bố trí ở một số tuyến đường như: đường Ngô Văn Sở, đường Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, đường Trần Quốc Toản và 2 điểm ở Bến Ninh Kiều. So với trước đây, nạn phóng uế mất vệ sinh trên đường đã giảm, tuy nhiên vẫn không thể chấm dứt”.
Vì sao nạn phóng uế bừa bãi vẫn tồn tại dai dẳng? Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc, lý giải: “Việc xử phạt đối với người có hành vi gây mất mỹ quan đô thị là rất khó. Bởi, phải bắt quả tang, chúng tôi không thể cử lực lượng túc trực 24/24 giờ trên nhiều tuyến đường để xử phạt”.
Tại các công viên như: Lưu Hữu Phước, Bến Ninh Kiều, Nguyễn Đình Chiểu… vào buổi sáng sớm, chúng tôi thường nhìn thấy cảnh một số người đi tập thể dục dắt chó theo, để chó phóng uế bừa bãi ở những nơi công cộng. Cảnh tượng này diễn ra thường xuyên, thế nhưng không thấy chính quyền địa phương nhắc nhở hay lập biên bản xử phạt gì cả.
Nạn đổ rác thải ra đường ở nội ô thành phố cũng đang tiếp diễn, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị khiến nhiều hộ dân rất bức xúc. Theo ông Nguyễn Thế Khương, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị, Công ty Công trình đô thị TP Cần Thơ, hiện nay, Xí nghiệp Môi trường đô thị là đơn vị đảm nhiệm chính việc thu gom rác ở nội ô TP Cần Thơ. Mỗi ngày, có khoảng 500 công nhân và 40 đầu xe tham gia chở rác thải trên địa bàn nội ô TP. Trên địa bàn 2 quận nội ô là Ninh Kiều và Bình Thủy, bình quân mỗi ngày Xí nghiệp thu gom rác từ 850 đến 900m3 rác thải. Còn một lượng lớn rác tồn đọng ở các khu dân cư nằm trong hẻm sâu, bị đổ bừa bãi ra những bãi đất trống và một lượng lớn rác thải bị vứt vô tội vạ xuống sông, kinh, rạch.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng tồn đọng rác thải, theo ông Nguyễn Thế Khương: Do kinh phí đầu tư cho công tác môi trường ở các quận còn hạn chế nên các quận không thuê Xí nghiệp thu quét rác trên tất cả các tuyến đường nội ô. Trước đây, quận Ninh Kiều thuê Xí nghiệp cho lực lượng thu gom rác ban ngày trên 20 tuyến đường thì nay giảm xuống còn 10 tuyến đường và có khoảng 20 tuyến đường hai hoặc ba đêm quét dọn một lần.
Ngoài ra, còn một lý do khác là do ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một số người dân chưa tốt, cứ muốn “sạch nhà, dơ phố”, nên thải rác vô tội vạ ra đường. Trước đây, dọc hai bên lề của các tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều được trang bị khoảng 300 thùng rác công cộng, nhưng sau một thời gian sử dụng, đến nay chỉ còn lại phân nửa số thùng rác, một số thì bị mất trộm hoặc hư hỏng, không sử dụng được.
Một thực tế khác, nhiều hộ dân không muốn đóng tiền thu gom rác, tìm mọi cách vứt rác ra đường, xuống sông, kinh rạch hoặc chở đến bỏ ở những bãi đất trống lúc vắng người. Cụ thể như ở đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, đường Tầm Vu, góc đường B1 Trần Quang Khải… tình trạng này thường xuyên xảy ra.
Diện mạo đô thị càng luộm thuộm hơn khi xuất hiện rất nhiều những dòng chữ quảng cáo “Khoan cắt bê tông”, “Rút hầm cầu” hay “Câu lạc bộ gia sư”… đã gây ra không ít bức xúc trong dân. Hầu hết các quảng cáo rao vặt bừa bãi này đều do chủ quảng cáo thực hiện bằng cách thuê người dán tờ rơi hoặc phun sơn bằng hộp xịt tại những gốc cây hay trên các bức tường hoặc những cột điện, từ mặt tiền đến tận ngõ ngách trong hẻm sâu.
Chưa kể, tình trạng một số đơn vị kinh doanh tổ chức khuyến mãi, quảng cáo các chương trình ca nhạc, bán hàng ở tại các ngã tư đường phố, bất chấp phương tiện đi đường, chờ đèn xanh để tiếp tục di chuyển, các nhân viên quảng cáo cứ chen vào phát tờ rơi. Nhiều người cầm ngó qua, quăng xuống đường, tạo thêm một lượng rác đáng kể trên đường phố.
Cuối năm 2007, quận Ninh Kiều triển khai thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Sau thời gian thực hiện, nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn đã đạt một số kết quả nhất định, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc cần khắc phục như: Một số phường chưa triển khai chủ trương thực hiện văn minh đô thị đến tận người dân; một bộ phận dân cư chưa có ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường trên đường phố ở khu dân cư và nơi công cộng; địa phương và các ngành chức năng chưa mạnh dạn xử lý những hành vi vi phạm văn minh đô thị. Đây là chuyện của ai? Liệu cứ thả nổi việc này thì bao giờ TP Cần Thơ thực sự đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp?