Khi xây dựng sân golf Long Sơn, hàng trăm hộ dân thuộc xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) phải di chuyển khỏi dải núi rộng hàng trăm héc ta ở bên trái quốc lộ 6 (Hà Nội – Hòa Bình) sang khu vực tái định cư mới nằm ở bên phải để nhường đất cho dự án. Theo quy hoạch, khi đến nơi tái định cư, họ được cung cấp nguồn nước sạch. Thế nhưng đã 3 năm qua, hàng trăm hộ dân ở đây lại phải sử dụng nguồn nước có lẫn phân dùng để bón cỏ, thuốc trừ sâu, diệt nấm mốc và hàng chục loại hóa chất khác của sân golf, với biểu hiện là nước hôi tanh nồng nặc mùi hóa chất…
Nước quý hơn thóc
Lâm Sơn là vùng quê nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, chỉ cách Hà Nội khoảng 40km. Thật tình cờ khi phát hiện ra ngôi làng này lúc tạt vào nhà một người dân ở đây để rửa mặt.
Trong căn nhà được xây khá khang trang, cao 2 tầng (bằng tiền đền bù giải tỏa) của ông Nguyễn Văn Sen, 50 tuổi, ở xóm Rổng Tằm thuộc khu tái định cư Lâm Sơn, từ chiếc bồn rửa mặt, nước bốc mùi tanh lợm. Khi được hỏi, ông Sen ngậm ngùi: “Nước có mùi như thế đã 3 năm nay rồi. Đấy là trong nước có thuốc trừ sâu, phân bón cỏ của sân golf đấy”.
Sau đó, ông Sen dẫn đi xem hệ thống bơm phun nước được đầu tư rất kỹ lưỡng, kéo từ ngoài đường vào đến nhà bếp, nhà tắm, vệ sinh, tốn hàng chục triệu đồng mà vẫn không thoát được cái mùi hóa chất.
Chỉ vào chiếc bể có dung tích 5-6m3 nước đặt cuối nhà, ông kể: “Ở đây, nhà nào cũng có đường ống dẫn nước về từ hệ thống đường ống cung cấp nước của sân golf Long Sơn. Nhưng do nước hôi quá nên trước khi bơm lên cái bồn đặt trên trần, tôi phải bơm nước vào cái bể này để lọc, vậy mà nước vẫn còn hôi, tắm xong thường rất ngứa”.
Ông Sen ngại ngùng rót ra một chén nước chè, bảo: “Nước sạch ở đây bây giờ còn quý hơn cả thóc gạo”. Nước trong bể chỉ để tắm rửa, giặt giũ. Còn nước ăn phải đi xin ở trong “mó” (nằm cách làng 2km).
Ông bảo, gọi là “mó” nhưng kỳ thực chỉ là cái hố nằm trong khe núi, chỉ đủ nước dùng cho 3-4 nhà. Bởi thế, chỉ anh em quen, họ hàng mới chia sẻ cho vài can, chất lên thùng xe cải tiến, lọc cọc kéo về để chắt chiu từng gáo nấu cơm, luộc rau, đun
nước… Còn lại, hàng trăm gia đình khác đành phải liều xài thứ nước tưới cỏ của sân golf bơm ra.
Nhiều gia đình trước đây từng khoan giếng, hiện giếng cũng bị hỏng do mạch nước ngầm bên dưới bị rút cạn. Chị Nguyễn Thị Kim, 48 tuổi, ở xóm Đồng Gạo, dẫn khách đến cái giếng đã được đào từ 30 năm nay trong sân nhà mình, bảo: “Nước giếng múc lên có mùi hôi, không dùng được nữa”.
Nước trong bể của gia đình ông Nguyễn Văn Sen có mùi hôi tanh nồng nặc. |
Ông Sen cho biết thêm: “Phòng TN-MT huyện Lương Sơn và một số cán bộ ở trên tỉnh đã về, phát một loại túi nhãn đề là “chất keo tụ làm trong nước”, bắt mỗi nhà phải bỏ ra 25.000đ mua để khử mùi hôi trong bể. Nhưng chúng tôi đã làm rồi, không có hiệu quả. Nước vẫn có mùi hôi như vậy”.
Bà Đinh Thị Nhược, 61 tuổi, ở cùng xóm Rổng Tằm, bức xúc: “Mùi hôi chỉ là cảm nhận bên ngoài. Còn các hóa chất lẫn trong nước mới là nguy cơ gây bệnh nguy hiểm”.
Thờ ơ với số phận của dân?
Theo tìm hiểu, nguồn nước có chứa hóa chất phun tưới cỏ và tồn dư của phân bón cỏ rất nguy hiểm. Tìm đến trụ sở UBND xã Lâm Sơn để hy vọng tìm được câu trả lời thay cho những người dân. Ông Bùi Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã, lắc đầu bảo: “Dự án di dân xây dựng sân golf Long Sơn chúng tôi không biết, không được tham gia”.
Theo ông Hiển, khi mới bắt đầu triển khai dự án sân golf Long Sơn và bắt đầu đưa dân về khu tái định cư, Ban quản lý dự án di dân giải phóng mặt bằng tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Công ty Sân golf Long Sơn lắp đặt một đường ống cung cấp nước từ trong sân golf ra cho bà con sử dụng tạm.
Sau đó, theo kế hoạch, tỉnh sẽ xây dựng một nhà máy nước ở khu tái định cư. Thế nhưng cho đến nay, nhà máy này mới chỉ khoan được một cái lỗ sâu 70m rồi không hiểu sao lại “đắp chiếu” đến nay đã 2 năm. Ông Hiển còn cho biết thêm, mới đây đại diện của Bộ TN-MT đã về kiểm tra và khẳng định nguồn nước mà bà con ở Lâm Sơn đang sử dụng rất độc hại.
Tìm vào khu sân golf Long Sơn. Cách đây 8 năm, chúng tôi cũng đã từng đến nơi này. Hồi đó, con suối Rổng Tằm thơ mộng suốt ngày đêm chảy róc rách giữa bản làng, đem nguồn suối ngọt nước trong cho cả xã.
Suối đẹp tới mức nhiều đoàn làm phim đã tìm về để quay. Nhưng bây giờ, con suối đã bị biến dạng, nằm lọt thỏm giữa khu sân golf khổng lồ, kéo dài hàng cây số. Mạch nước vào đầu mùa lũ chảy yếu ớt do lượng nước không đủ tưới những trảng cỏ rộng mênh mông của một sân golf 36 lỗ.
Nước từ suối được bơm lên tưới cỏ và sau đó lại mang theo hóa chất, phân bón tồn dư chảy ngược lại suối, về 4 chiếc giếng nằm ở cuối nguồn. Từ đây, nước được bơm lên để cung cấp cho hàng trăm hộ dân ở khu tái định cư.