Khi vệ sinh môi trường về làng

Không phải ngẫu nhiên mà ngày Môi trường thế giới mới đây (05/06), Gia Lai được TW Hội Nông dân Việt Nam chọn làm điểm để làm lễ kỷ niệm và phát động phong trào toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường. Bởi vì trong nhiều năm qua, tỉnh này luôn là điểm sáng về phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường- đặc biệt là ở các thôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Là một tỉnh miền núi có hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn, nhận thức thấp cùng nhiều hủ tục lạc hậu nên từ trước đến nay, khái niệm “Vệ sinh môi trường”- xem ra còn quá xa lạ với bà con. Người Tây Nguyên từ xưa quen chăn thả rông gia súc: Trâu bò thì ăn cỏ trong rừng, lợn gà cũng tự đi kiếm ăn mà không được người cho ăn. Tối về, tất cả đều chui xuống ngủ dưới gầm nhà sàn. Trên là người, dưới là thú- người ngủ trên…phân thú! Ngay cả con người, khi đi vệ sinh cũng… rất tự nhiên: Góc rừng, bờ ruộng hoặc bụi cây nào đó quanh làng. Vì vậy mà vấn đề vệ sinh môi trường ở làng bản luôn là mối quan tâm lớn của chính quyền địa phương các cấp ở Gia Lai.

Năm 2005, được sự hỗ trợ của tổ chức UNICEF, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và TW Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ hộ gia đình nông dân thực hiện vệ sinh môi trường gắn với làng văn hoá sức khoẻ”. Mục tiêu của Dự án là khuyến khích người dân xây dựng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; thay đổi thói quen, hành vi mất vệ sinh; xây dựng lối sống thân thiện với môi trường tiến tới xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá sức khoẻ.

Dự án được triển khai tại 2 xã Hà Ra, Đăk Yăh và thị trấn Kon Dỡng của huyện Mang Yang, với chỉ tiêu hàng năm, số nhà tiêu hợp về sinh tại các địa phương nói trên tăng từ 5-10%, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh tăng từ 7-12%; kết thúc Dự án phải xây dựng được một làng văn hoá, sức khoẻ…

Ngay khi triển khai Dự án, một đội tuyên truyền viên gồm 90 thành viên được thành lập (mỗi địa phương có Dự án là 30 thành viên), mỗi xã có 6 câu lạc bộ tự quản về nước sạch và vệ sinh môi trường. Thông qua việc lồng ghép trong các cuộc họp dân, sinh hoạt Chi hội, Câu lạc bộ mà Đội tuyên truyền viên đã thực hiện được hơn 60 buổi tuyên truyền cho hơn 2.200 lượt hội viên. Song song với việc tuyên truyền, Ban quản lý Dự án huyện Mang Yang cũng đã tiếp nhận và triển khai đến 90 hộ gia đình của các địa phương có Dự án nguồn kinh phí hỗ trợ là 63 triệu đồng (trong 3 năm, từ 2005 đến nay).

Sau 3 năm triển khai dự án, kết quả đem lại thật bất ngờ. Với mức hỗ trợ dù chỉ 700 ngàn đồng cho mỗi công trình, nhưng được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể nên các hộ tham gia dự án đã xây dựng nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đúng với thiết kế. Thậm chí, nhiều hộ có điều kiện còn bỏ thêm từ 200-800 ngàn đồng xây dựng nhà xí, chuồng trại của gia đình mình to và đẹp hơn. Bây giờ, về các thôn làng vùng sâu của Đăk Yăh, Hà Ra hay Kon Dỡng, quang cảnh đã đổi khác rất nhiều so với 3 năm trước: Đường làng ngõ xóm ngay thẳng sạch sẽ, các bụi rậm quanh làng được phát quang; công trình nước được bà con quản lý chặt chẽ không hư hỏng hay mất mát.

Đặc biệt hầu hết các hộ đồng bào đều có nhà xí hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi rộng rãi thoáng mát. Đứng bên chuồng bò mới làm từ tiền của Dự án (chuồng bò làm cách nhà khoảng 10m), chị Rơ Măh Lanh, làng Lăh, xã Hà Ra vui vẻ: “Cũng nhờ tham gia các lớp tập huấn, các buổi họp làng hay sinh hoạt Chi hội nông dân, mình mới thấy từ trước đến nay, dân làng sống còn thiếu vệ sinh nên bệnh tật thường xuyên xuất hiện và lây lan. Năm vừa rồi được mùa cà phê nên ngoài tiền của dự án, mình còn thêm hơn 500 ngàn đồng để làm chuồng bò và nhà vệ sinh. Ban đầu còn chưa quen, nhưng bây giờ chỉ muốn vào nhà xí để đi vệ sinh thôi, đi ở ngoài… xấu hổ lắm!”.

Chị cho biết thêm: “Buổi chiều khi đi làm về, chị và các con lùa trâu bò vào chuồng sau khi đã dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Dưới gầm nhà sàn cũng luôn được quét dọn, dùng cây rào lại không cho lợn gà hay dê chui vào phóng uế…”. Còn theo K’păh Thông, ở xã Đăk Yăh thì trước đây, bà con trong làng chỉ quen nuôi gia súc, gia cầm bằng cách chăn thả rông, vậy nên phân gia súc bừa bãi từ đầu làng đến cuối xóm, đi đâu cũng ngửi thấy mùi hôi. Về mùa mưa, phân trâu bò chảy tràn khắp làng, các cháu chân không đi dép, cứ thế mang lên nhà rồi… nằm ngủ! Bây giờ bà con đã biết nhốt trâu bò, lợn gà vào chuồng, biết dùng phân chuồng để bón cho cà phê, lúa nước và các loại cây trồng khác…

Từ kết quả khả quan ban đầu của dự án, Ban quản lý dự án huyện đã mở rộng quy mô, tuyên truyền đến hầu khắp các làng bản trong toàn huyện. Đến nay, có hàng trăm hộ nông dân trong huyện đã học tập, làm mới thêm 334 chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, tháo dỡ và di dời hơn 250 chuồng trại không đạt tiêu chuẩn, đưa cách xa nhà ở 8-10m…Thành công lớn nhất của dự án là đã dần làm thay đổi thói quen chăn thả, sinh hoạt lạc hậu, mất vệ sinh của bà con; bà con đã biết tự giác làm sạch môi trường xung quanh nhà ở.

Nguyện vọng của bà con là trong thời gian tới, TW Hội Nông dân Việt Nam cùng các tổ chức khác sẽ có thêm nhiều Dự án mới, đặc biệt là giúp người dân xây dựng hầm Bioga để có nếp sống vừa thân thiện với môi trường, vừa sử dụng nguồn phân thải của gia súc làm khí đốt, góp phần giảm thiểu nạn chặt phá rừng lấy chất đốt.

Phát biểu tại buổi lễ nhân ngày Môi trường thế giới được tổ chức tị thị xã An Khê (Gia Lai) trong ngày 05/06 mới đây, ông Nguyễn Hữu Mai- Phó Chủ tịch BCH TW Hội Nông dân Việt Nam nêu: “Phải làm sao cho ý thức bảo vệ môi trường của người dân không chỉ dừng lại ở ngày 05/06…”. Điều này, người dân Gia Lai- đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu đang thực hiện tốt.