Các nhà khoa học thuộc Bộ môn động vật (Khoa Sinh học, Trường Đại học Vinh) vừa phát hiện một loài thạch sùng mới, có thể là loại thạch sùng duy nhất trên thế giới.
Loài thạch sùng này có tên gọi Việt Nam là “Thạch sùng ngón Châu Quang”, tên khoa học là Cyrtodactylus chauquangensis, được phát hiện tại vùng núi đá vôi xã Châu Quang (huyện Quỳ Hợp) nằm trong vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Đặc điểm của loài thạch sùng này là đầu hơi dẹp, rộng và phân biệt rõ với cổ; mõm dẹp; vảy trên đầu hình hạt nhỏ, có 30 – 31 vảy trung gian giữa hai ổ mắt nơi hẹp nhất; vảy trên lưng đồng nhất, nhỏ, hình hạt tròn; vảy bụng rộng, phẳng, hình gần tròn; thân màu sôcôla nhạt; có 2 – 5 băng đen – nâu ngang thân; các đốm trên đầu đối xứng rõ; bụng màu vàng nhạt.
Các nhà khoa học đã lấy được 6 mẫu vật của loài thạch sùng này, trong đó 5 mẫu vật đang được trưng bày tại trường Đại học Vinh và một mẫu vật được gửi sang Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Việc tìm ra loài thạch sùng này có ý nghĩa rất lớn, vì hiện nay trên thế giới chưa ở đâu tìm thấy. Qua đó cũng bổ sung thêm một loài động vật mới cho khoa học, khẳng định tính đa dạng và tính đặc hữu của hệ động vật ở miền tây Nghệ An.