Mấy năm nay việc nhập khẩu giống lúa lai luôn bị ép giá và ở thế bị động, nhất là khi Chính phủ Trung Quốc xiết chặt việc xuất khẩu lúa giống sang Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi cho các cơ sở sản xuất lúa giống của ta.
Với sự giúp đỡ của Tổ chức Lương thực & Thực phẩm Liên hợp quốc (FAO), Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMASI) triển khai dự án “Tăng cường năng lực cải tiến giống và sản xuất lúa vùng cao” đang được người dân đồng tình ủng hộ…
Gần 20 năm nay Việt Nam nhập khẩu các loại giống lúa lai của Trung Quốc, nhiều tỉnh diện tích cấy lúa lai đạt trên 60%. Cây lúa lai đã góp phần rất lớn nâng cao sản lượng lương thực toàn quốc, để Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu gạo. Hiện nay nhiều tỉnh với sự giúp đỡ của các trường đại học, viện nghiên cứu sản xuất được một số tổ hợp giống lúa lai và lúa thuần có năng suất, chất lượng cao đã giảm bớt áp lực nhu cầu về lúa giống. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 8.000-10.000 tấn giống lúa lai các loại, chịu lệ thuộc nước ngoài rất lớn, mặc dù giá giống luôn đẩy lên rất cao.
Với ưu điểm năng suất cao, nhưng lúa lai có nhược điểm khả năng chống chịu sâu bệnh kém, phải đầu tư thâm canh cao, chất lượng gạo không bằng các giống lúa thuần, lúa địa phương. Để giảm bớt sự lệ thuộc giống vào nước ngoài cũng như phát huy tiềm năng thiên nhiên và đất đai của khu vực miền núi phía Bắc, được sự giúp đỡ của tổ chức FAO, sau khi đã khảo sát toàn vùng từ vụ xuân 2008 NOMASI triển khai dự án “Tăng cường năng lực cải tiến giống và sản xuất lúa vùng cao” tại các tỉnh: Hà Giang, Yên Bái và Bắc Kạn. Mục đích của dự án này nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng chọn, nhân các giống lúa chất lượng cao do các nhà khoa học, các viện nghiên cứu lai tạo, chọn lựa cho nông dân.
NOMASI đã chọn 5 loại giống lúa thuần có năng suất và chất lượng cao để so sánh với các giống lúa lai, gồm các giống: HT1, Chiêm Hương, BT13, N46 và T10 cấy ở các địa phương: Văn Yên, Văn Chấn (Yên Bái), Hoàng Su Phì, Yên Minh (Hà Giang), Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Kạn). Tuỳ những tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ thâm canh của người dân mỗi vùng, mà có kết quả so sánh giữa các giống lúa, tìm ra giống có nhiều ưu điểm và sự thích ứng rộng. NOMASI đã tổ chức 10 mô hình trình diễn, đây là những lớp học ngay trên đồng ruộng về sản xuất hạt giống, kỹ thuật canh tác lúa tổng hợp và bảo tồn giống.
PGS. TS Nguyễn Thanh Tuyền, tác giả của hai giống lúa quốc gia V18 và 79-1, người có kinh nghiệm trong việc chọn tạo giống lúa mới được mời tham gia làm cố vấn cho dự án cùng với cán bộ kế hoạch của NOMASI trực tiếp tập huấn kỹ thuật sản xuất hạt giống theo phương pháp canh tác tổng hợp cho gần 200 nông dân các địa phương trong vùng dự án, tập huấn về bảo tồn giống cho 75 cán bộ khuyến nông cơ sở.
Ông Trần Sinh Hùng – trưởng thôn 4, xã Đại Phác (Văn Yên- Yên Bái) cho biết: Thôn 4 có 9 hộ tham gia sản xuất giống, được sự hướng dẫn kỹ thuật của những cán bộ khoa học, mặc dù với trình độ thấp, nhưng với phương pháp “cầm tay chỉ việc” bà con đã tiếp thu được kỹ thuật sản xuất giống. Chủ tịch xã Đại Phác, ông Nguyễn Tùng Nguyên không cần giấu giếm: Nếu sản xuất hạt giống có lợi thì xã Đại Phác mỗi vụ có thể cấy 5-10 ha…
Quá trình theo dõi, mặc dù trận rét đậm rét hại đầu vụ đã xoá sổ hầu như toàn bộ diện tích mạ, diện tích lúa lai đã cấy ở các địa phương trên, nhưng 5 giống lúa này tỷ lệ sống đạt 85-95%. Hai giống lúa bước đầu thể hiện được khả năng vượt trội về sự thích ứng rộng, sinh trưởng tốt và có năng suất cao. Đó là giống: N46 có 8-10 bông/khóm,150-230 hạt/bông; T10 mật độ bông cao, khoảng 200-250 bông/m2, tỷ lệ hạt chắc trên 90%, năng suất dự kiến từ 6,8- 7,2 tấn/ha.
Các giống Chiêm Hương, BT13 cũng phát triển tốt. Giống lúa T10 do PGS.TS Nguyễn Thanh Tuyền lai tạo, chọn lọc từ cặp lai DT10 của Việt Nam với giống Amben33, một giống lúa thơm nổi tiếng của Irắc. Đặc điểm nổi trội của giống lúa này là cơm mềm và thơm, chan canh được. Vụ mùa 2007 giống lúa T10 được nông dân Thái Bình cấy 1.453 ha, vụ xuân 2008 cấy khoảng 2.500 ha.
TS Lê Quốc Doanh, Viện trưởng NOMASI trực tiếp dẫn ngài Andrew W. Speedy- Trưởng đại diện tổ chức FAO tại Việt Nam thăm các điểm sản xuất lúa giống ở xã Phù Nham và Đại Phác (Yên Bái) cùng đối thoại với người dân và đại diện chính quyền địa phương đã nói: Trước những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài về nhu cầu các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc được sự hỗ trợ của FAO tổ chức xây dựng các mô hình sản xuất các giống lúa tại chỗ từ một số hộ đến liên kết nhiều nhóm hộ để chủ động nguồn hạt giống chất lượng phục vụ sản xuất cho chính địa phương mình, đồng thời cung cấp cho các địa phương khác, giảm áp lực nhập khẩu giống từ nước ngoài với rất nhiều rủi ro…