Năm 2007, thông qua Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife international), Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam đã giúp cho người dân 2 xã Húc Nghì, Ba Lòng (huyện Đakrông, Quảng Trị) xây dựng 2 mô hình trồng mây dưới tán rừng. Đây là mô hình thuộc hợp phần cung cấp các sinh kế cho người dân sống ở tại vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và các vùng chim quan trọng trên đất thấp.
Trước khi triển khai mô hình, dự án đã tổ chức cho người dân đi tham quan, học tập mô hình trồng mây ở tỉnh Quảng Ngãi để “mắt thấy, tai nghe”, làm quen với những thao tác kỹ thuật cơ bản trong ươm giống, làm đất, trồng, chăm sóc cây mây, trước khi bắt tay vào thực hành tại địa phương. Nhiều người dân khi tiếp cận, làm quen với việc trồng mây đã phấn khởi nói: “Cây mây là cây rất thân thuộc, nhìn thấy trong rừng, trong rẫy hàng ngày mà. Bây giờ biết trồng mây không khó mà vẫn cho thu nhập cao, bà con phấn khởi lắm”..
Dự án đã chọn thôn Hà Vũng, xã Ba Lòng triển khai trồng 5 ha tại 5 hộ gia đình, thời gian thực hiện trong 2 tháng 9 và 10 năm 2007. Tại thôn Cợp, xã Húc Nghì, dự án triển khai trồng 16 ha cho 8 hộ gia đình, thực hiện trong 2 tháng 1 và 2 năm 2008.
Dự án tài trợ cho nhân dân phân bón, cây giống, dụng cụ sản xuất, tập huấn và tư vấn kỹ thuật trồng cây mây. Người dân tham gia hoạt động mô hình đóng góp 100% công lao động. Tổng kinh phí cho hoạt động trồng mây tại hai thôn là trên 143 triệu đồng. Cả hai mô hình trồng mây đều được trồng với mật độ 2000 cây/ha, trên băng rộng 1,5m, băng này cách băng kia 5m, khóm cách khóm trên băng là 3m. Khóm được trồng theo hình tam giác cân, có cạnh là 40 cm.
Đất trồng mây là đất dưới tán rừng tự nhiên, độ dốc không quá lớn, ít đá lẫn. Do đặc tính của cây mây là cần có giá để leo, cán bộ kỹ thuật đã lựa chọn phương pháp trồng theo khóm trên băng. Mục đích của quy trình kỹ thuật này là tận dụng khả năng dựa vào nhau của các cây mây khi đang còn nhỏ, vì vậy mà 3 cây trên khóm sẽ dựa vào nhau để phát triển, vươn cao và bám vào các cây lớn.
Sau thời gian triển khai, hai mô hình trồng mây trên đã được tổ chức Birdlife international và Đại sứ quán Vương quốc Anh nghiệm thu, đánh giá với tỷ lệ cây sống đạt từ 91,1 đến 95,3 %.
Ông Lê Văn Quý, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, cây mây nước là cây bản địa nên hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, thích hợp dưới tán rừng tự nhiên nên tiềm năng đất đai để trồng cây mây là rất dồi dào.
Cây mây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với khả năng canh tác và tự đầu tư của người dân, nhất là bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Cây mây là nguồn nguyên liệu đang có nhu cầu tiêu thụ lớn trên thị trường, cung không đủ cầu, đầu ra cho sản phẩm rất ổn định.
Ngay tại huyện Đakrông cũng đã có doanh nghiệp Mai Hoàng chuyên thu mua, chế tác mây, sẵn sàng thu mua hết sản phẩm của bà con trồng với giá cả cạnh tranh. Loại cây này còn hứa hẹn mang lại hiệu qủa kinh tế cao, ổn định và bền vững. Sau 4 năm trồng là có thể đưa vào khai thác và khai thác nhiều lần, cho mức thu nhập bình quân 1 ha trên 10 triệu đồng/năm.
Đặc biệt từ mô hình này sẽ mở ra hướng mới cho người dân sống ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có việc làm và thu nhập, giảm áp lực sống dựa vào rừng, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, khôi phục lại sinh cảnh sống cho một số loài chim thú, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Trong đợt kiểm tra vào dịp đầu năm 2008, Đại sứ quán Vương quốc Anh đã đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Cảm thông và chia sẻ nỗi vất vả của nhân dân thôn Cợp trong việc vận chuyển cây giống với khoảng cách rất xa, đường sá đi lại khó khăn, cách trở, Hiệp hội cựu sinh viên Việt Nam học tập tại Vương quốc Anh đã hỗ trợ cho người dân bản Cợp một vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại chỗ với trị giá 35 triệu đồng. Đây là sự tiếp sức cần thiết để người dân yên tâm phát triển diện tích cây mây trong thời gian tới.