ThienNhien.Net- Sau một tháng nằm chờ chực, những chiếc camera được thiết kế đặc biệt đã hai lần ghi lại được hình ảnh của một con tê giác Java mẹ cùng với hai chú tê giác con tại Vườn quốc gia Ujung Kulon, Indonesia. Những hình ảnh này rất có giá trị vì nó sẽ bổ sung vào nguồn thông tin vốn còn rất khiêm tốn của các nhà khoa học về tập tính sinh thái của tê giác Java (còn gọi là tê giác một sừng) – loài tê giác quý hiếm nhất thế giới hiện nay.
Adhi Rachmat Hariyadi, Giám đốc dự án của WWF – Indonesia tại Vườn Quốc gia Ujung Kulon cho biết: “Thật không dễ gì có thể bắt gặp được những con tê giác Java vốn thường ở sâu trong các cánh rừng mưa nhiệt đới. Những chiếc camera với bẫy hồng ngoại có khả năng ghi hình khi có sự chuyển động là cách tốt nhất để quan sát chúng và những hoạt động của chúng trong môi trường sống của mình một cách chi tiết và sống động”.
Những hình ảnh về loài tê giác Java là một thành công của việc cải tiến các camera ghi hình cuộc sống hoang dã được Tập đoàn US-based PixController Inc tiến hành trong hơn một tháng trước. Trước đó, hệ thống này cũng đã thành công trong việc ghi lại hình ảnh của loài hổ quý Malayan trong tự nhiên và loài tê giác Sumatra ở Borneo.
”Việc đặt các camera thực sự là một thách thức, đặc biệt là với những loài động vật quý hiếm và khó tiếp cận như tê giác Java”, Stephen Hogg, nhà nhiếp ảnh WWF Malaysia nói
Trong trường hợp của tê giác Java, bẫy camera mới này sẽ thay thế cho những bệ bằng tre cao gần 10 mét so với mặt đất trước đây thường được đặt ở chỗ đầm lầy, vốn rất khó khăn và mất nhiều thời gian để lắp đặt, yêu cầu phải có sự huấn luyện và trang bị an toàn và bị hạn chế góc quay. Trong khi đó từ quan điểm của một nhà khoa học, với một góc quay bất lợi và khoảng cách lớn thì rất khó có thể nhận dạng được tê giác.
Hiện nay chiếc camera được trang bị bẫy hình ảnh này đã được dựng lại, vẫn an toàn và hoạt động tốt. Adhi Rachmat, người đứng đầu đội WWF ở Ujung Kulon cho biết: “Mặc dù chiếc camera húc đổ song hình ảnh ghi được đã được dựng lại và nó lại tiếp tục hoạt động ngay ngày hôm sau”.
Adhi nói: “Chúng tôi đang đề xuất di chuyển một vài con tê giác Java để tạo ra một quần thể tê giác mới ở một khu vực sống mới. Vấn đề khó khăn chính là những dữ liệu khoa học đáng tin cậy về loài tê giác này hiện nay còn quá ít. Do đó, việc đặt các bẫy camera cho phép chúng tôi làm được điều đó mà không cần phải cử các nhà nghiên cứu ngồi hàng đêm trên những bệ tre yếu ớt để quan sát. “Các bẫy hình ảnh thì không hề di chuyển và hoạt động rất tĩnh lặng, chúng có thể được đặt rất gần những địa điểm mà loài tê giác hay lui tới như mỏ muối, các con đường mòn và đầm lầy”.
Tê giác Java (tê giác một sừng) hiện chỉ còn sinh sống ở hai khu vực trên thế giới, đó là VQG Ujung Kulon (Indonesia) và VQG Cát Tiên (Việt Nam). VQG Ujung Kulon còn khoảng 60 con – chiếm hơn 90% tổng số cá thể của loài này trên toàn thế giới. |
Để ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài tê giác này khỏi nguy cơ tuyệt chủng do nhưng biến cố bất ngờ như dịch bệnh hay các thảm họa tự nhiên, Chính phủ Indonesia gần đây đã phát động một chiến dịch bảo tồn tê giác có tên là “Dự án thế kỷ Tê giác” hợp tác với WWF, Quỹ Bảo tồn Tê giác Quốc tế (IRF), Yayasan Badak Indonesia (YABI), Cục quản lý nghề cá và động vật hoang dã Mỹ để tạo ra một quần thể tê giác mới bằng cách bảo tồn chuyển vị một vài cá thể tê giác từ Ujung Kulon đến một vùng thích hợp khác.