Theo kết quả khảo sát thống kê của UNICEF và Bộ Y tế, hiện tại ở khu vực nông thôn mới chỉ có 11,7% người dân được sử dụng nước sạch (nước máy). Còn lại 31% hộ gia đình phải sử dụng giếng khoan, 31,2% số hộ gia đình sử dụng giếng đào. Số còn lại chủ yếu dùng nước ao hồ (11%), nước mưa và nước đầu nguồn sông suối.
Nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng
Ông Nguyễn Tôn – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết: “Hiện có khoảng 70% dân số tại các đô thị được sử dụng nước sạch”.
Theo ông Tôn, con số này khác xa báo cáo của cơ quan chức năng cho rằng hiện có tới 76% số dân vùng nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng được cung cấp nước sạch, cao hơn mức bình quân chung cả nước (70%).
Theo đánh giá của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, việc người dân nông thôn sử dụng nguồn nước giếng khoan, nước mưa, thậm chí là cả nguồn nước máy nhưng chất lượng cụ thể như thế nào vẫn chưa có giải đáp. Đặc biệt, tại các khu vực bị ô nhiễm môi trường nặng, nguồn nước từ các giếng khoan có nguy cơ ô nhiễm rất cao.
Theo đánh giá của Thạc sỹ Trương Đình Bắc – Trưởng phòng Sức khỏe môi trường và Cộng đồng, Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) thì tại Việt Nam có tới 80% các bệnh có liên quan đến nguồn nước.
Trong những năm gần đây, tình trạng mắc một số bệnh chính liên quan đến nước không những không giảm mà còn có xu hướng gia tăng như tiêu chảy, tả. Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy với 26 bệnh truyền nhiễm trong hệ thống báo cáo thì có tới trên 10 bệnh liên quan đến nước, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, đặc biệt là các bệnh dịch đường ruột vẫn đang có nguy cơ bùng phát tại một số tỉnh mà điển hình là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã xảy ra thời gian cuối năm 2007 với gần 2.000 người mắc, trong đó có 295 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả tại 13 tỉnh, thành phố.
Tác nhân gây bệnh qua môi trường nước không kém nguy hiểm và phổ biến là chất hóa học. Các chất hoá học này xuất phát từ chất thải do hoạt động của con người như hóa chất công nghiệp, các kim loại nặng, thuốc trừ sâu và kể cả những chất hóa học có sẵn trong lòng đất…
Và nhiều nguy cơ ô nhiễm
Tại Việt Nam, nguồn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt của người dân đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi các chất thải, đặc biệt là chất thải sinh hoạt khu dân cư, chất thải bệnh viện, chất thải công nghiệp, nông nghiệp và các hành vi, thói quen không hợp vệ sinh gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của hàng triệu người dân.
Hiện tại, với số lượng 600 đô thị lớn nhỏ với 4 thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng đang thải ra một lượng lớn rác thải. Kết quả nghiên cứu tại khu dân cư cạnh bãi rác Nam Sơn (Hà Nội), bãi rác Lạng Sơn cho thấy tất cả các mẫu xét nghiệm nước thải từ bãi rác đều có vi khuẩn Coliform cao gấp hàng trăm lần cho phép. Đất ở các khu dân cư lân cận xếp vào loại nhiễm bẩn. Chất lượng nước ăn uống của người dân không đạt tiêu chuẩn cho phép về tiêu chuẩn vi sinh chiếm đến 97,5%.
Bên cạnh đó, 1.047 bệnh viện với hơn 140 ngàn giường bệnh và hơn 10.000 trạm y tế xã đang thải ra khoảng 400 tấn chất thải y tế/ngày. Tuy nhiên đến nay, chưa có bệnh viện nào triển khai hoàn chỉnh từ khâu thu gom, phân loại và xử lý toàn bộ chất thải y tế…
Tạo ra được nguồn nước sạch để đảm bảo sức khỏe cho người dân đang là vấn đề hết sức cấp bách. Một chương trình cấp nước an toàn cũng đã bắt đầu được triển khai trên một số địa bàn trọng điểm trong cả nước. Tuy nhiên trên thực tế, để triển khai được không hề đơn giản bởi chương trình này cần đến một nguồn kinh phí rất lớn. Và câu chuyện nước sạch cho người dân cần đến sự nhập cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương với vấn đề môi trường.