Úc: dành ngân sách lớn cho vấn đề khí hậu

ThienNhien.Net – Được xem là kế hoạch chi tiêu ngân sách thân thiện với môi trường nhất từ trước đến nay, kế hoạch chi tiêu ngân sách năm 2008 của Chính phủ Úc đã nhận được những ý kiến khác nhau từ cộng đồng các nhà khoa học.

Sau khi phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vào tháng 11 năm 2007, Chính phủ của ông Kevin Rudd đã thực hiện những cam kết của mình bằng việc thông qua một khoản ngân sách hơn 2 tỷ đô la Úc (tương đương 1,86 tỷ USD) cho các hoạt động nghiên cứu nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Hiệu quả năng lượng

Barry Brook, một giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu tại trường Đại học Adelaide ở miền Nam Úc vui mừng nói: “Đây thực sự là khoản ngân sách lớn nhất từ trước đến nay dành cho việc đối phó với các vấn đề môi trường ở Úc”.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, những hành động của Chính phủ là rất đúng dắn nhưng thực sự thì chúng ta cũng chỉ mới bắt đầu. Để hoàn thành được mục tiêu ngăn chặn biến đổi khí hậu thì đòi hỏi Chính phủ Úc cần phải có thêm nhiều hành động khác nữa.

Brook cũng lưu ý Chính phủ nên quan tâm đến những vấn đề lớn trong biến đổi khí hậu hơn là tập trung vào những công việc nhỏ nhặt. “Các Chính phủ trước đây đã chỉ tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trên quy mô nhỏ, do đó rất nhiều tiền đã bị phung phí mà không đem lại hiệu quả gì”

Một điều đặc biệt lưu ý là nguồn ngân sách cấp cho các hoạt động môi trường cũng chính là nguồn để khuyến khích việc nâng cao hiệu quả năng lượng. Với khoản tài trợ 26 triệu đô la dành cho chi phí lắp đặt sử dụng năng lượng mặt trời, Chính phủ mong muốn sẽ có nhiều người hơn sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này. Với các chủ cho thuê nhà khi lắp đặt với số lượng lớn thì cũng được hưởng một khoản tiền trợ cấp từ chính phủ.

Ngoài ra chính phủ cũng dành 14 triệu đô la để khuyến khích việc tăng hiệu quả sử dụng các thiết bị điện. “Đó thực sự là một việc đáng làm nhưng lại chưa hề được các chính phủ trước quan tâm một cách thích đáng”, Brook nói.

Sử dụng “công nghệ than đá sạch”

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng Chính phủ của ông Rudd đã không đánh đúng mục tiêu giảm biến đổi khí hậu khi Chính phủ chi tới 500 triệu đô la cho “công nghệ than đá sạch”. Một công nghệ đang gây tranh cãi vì nó có thể gây khó khăn cho việc từ bỏ thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hơn nữa, Chính phủ cũng không đề cập đến việc cần thiết phải giảm nguồn trợ cấp cho các hoạt động công cộng hiện đang khuyến khích việc phát thải các khí nhà kính.

Giáo sư Ian Lowe, chủ tịch Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Úc, hiện đang làm việc tại trường Đại học Griffith ở Brisbane nói rằng: “Tôi hy vọng những vấn đề tranh cãi này sẽ được giải quyết trong dự thảo về hệ thống thuế sắp tới. Người ta ước lượng rằng lượng thuế thu được từ việc gây ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện cỡ vừa sẽ không kém gì với lượng thuế thu nhập đánh vào các nhà sản xuất ô tô”.

Chính phủ cũng đang thực hiện lời hứa của họ trong cuộc bầu cử và tăng nhiều tiền hơn cho giáo dục và các trường đại học. Cùng với khoản trợ cấp 6 tỷ đô la ban đầu của Quỹ Giáo dục đại học của chính quyền Howard, họ đã xây dựng một Quỹ Đầu tư Giáo dục trị giá 11 tỷ đô la.

Kurt Lambeck, chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Úc ở Canberra cho biết “Chính phủ tăng gấp đôi tiền cho quỹ nhưng cũng mở rộng phạm vi của quỹ sang cả lĩnh vực đào tạo nghề”. Tuy nhiên, khoản ngân sách cũng hứa hẹn là sẽ được cung cấp ngay lập tức 500 triệu đô la giúp đỡ các trường đại học để cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên và nghiên cứu sinh.

Trên hết, chính phủ hy vọng sẽ khuyến khích nhiều người hơn tham gia vào công tác khoa học với 209 triệu đô la nhằm sau 4 năm sẽ gấp đôi lượng trợ cấp sau đại học, và 326,2 triệu đô la đầu tư trong 4 năm cho “Quỹ vì tương lai”, nhằm thu hút và khuyến khích những người có trình độ.

Ngoài ra 200 triệu đô la khác được sử dụng để bảo tồn dải san hô ngầm Great Barrier Reef.

CSIRO bị thiệt thòi

Khoản ngân sách này cũng bao gồm một ban kiểm toán để kiểm soát lượng ngân sách được sử dụng như thế nào trong các viện nghiên cứu và các trường đại học, nhằm mục đích sao cho nguồn ngân sách được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Brook nói: “Chính phủ cần phải nhận được một sự chỉ trích gay gắt khi thực hiện những chính sách này khi mà nguồn tài chính quốc gia đang cạn kiệt. Chúng ta cần nhiều nguồn đầu tư hơn nữa, chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn ngân sách này”.

Các nhà khoa học giờ đây đang rất trông đợi khoản ngân sách dành cho nghiên cứu sắp tới. “Nếu chúng tôi không nhận được thì đây thực là thất vọng chua chát”

Trong khi một khoản ngân sách lớn được dành cho các trường đại học, thì hiện nay việc cải thiện quỹ dành cho nghiên cứu khoa học ở các trường trung học vẫn không nhận được quan tâm đáng kể nào.

Một tổ chức phải chịu thiệt thòi khác là CSIRO, cục nghiên cứu chính phủ Úc. Trái ngược hoàn toàn với khoản chi ngân sách khổng lồ năm ngoái khi chính phủ của ông Howard đã cấp cho cơ quan này 2,8 tỷ dola tiền tài trợ để thúc đẩy hoạt động.

Tổ chức này cho biết họ sẽ bị cắt giảm khoảng 63 triệu dola trong 4 năm tới, và điều đó có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả công việc và làm giảm số lượng các nghiên cứu. Điều đó ảnh hưởng đến những dự án mới và đặc biệt là những dự án bắt nguồn từ khoản tài trợ lớn năm ngoái mà tổ chức này nhận được.