ThienNhien.Net – Các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Á và các thành viên khối ASEAN là những quốc gia đông dân, có nguồn tài nguyên dồi dào và thuận lợi trong tiếp cận thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, để phát triển kinh tế bền vững, các nước này phải thực hiện đồng thời hai cuộc chiến: chống đói nghèo và chống lại sự biến đổi khí hậu.
Nhóm các nước này có hệ thống kinh tế thị trường với mức độ can thiệp khác nhau từ phía chính phủ. Mô hình phát triển kinh tế của họ theo phương thức truyền thống, nghĩa là tập trung vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển công nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu. Dựa vào mô hình đó́, người ta có thể dễ dàng nhạn thấy các tác động lên môi trường: Diện tích rừng suy giảm, đất đai bị xói mòn, nước và không khí đô thị bị ô nhiễm nặng nề, và nhiều môi trường khác cũng đang suy thoái. Song, phát triển kinh tế vẫn phải tiếp tục duy trì ở các nước châu Á để vượt qua nạn đói nghèo còn phổ biến.
Sự trả giá cho phương thức truyền thống
Những hậu quả của việc theo đuổi kiểu phát triển truyền thống đó là rõ ràng. Về tổng lượng phát thải CO2 trong năm 2004, Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2007 đã xếp hạng năm nước gây ô nhiễm nhiều nhất là Hoa Kỳ, với 5,9 tỷ tấn khối; Trung Quốc: 4,7 tỷ tấn; Liên bang Nga: 1,7 tỷ tấn; Nhật Bản: 1,3 tỷ tấn; và Ấn Độ: 1,1 tỷ tấn. Tỷ lệ gia tăng phát thải CO2 từ năm 1994 đến 2004 là cao nhất ở Trung Quốc (68%), tiếp theo là Ấn Độ (53%), Nhật Bản (16%), Hoa Kỳ (13%) và Liên bang Nga (0%). Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản về tổng lượng phát thải CO2.
Đó là lý do tại sao tại Hội thảo Liên Hợp Quốc (LHQ) về Biến đổi Khí hậu ở Bali năm 2007, các nước phát triển đã thúc ép các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, tuân thủ hạn định của Nghị định thư Kyoto về phát thải CO2.
Tuy nhiên, tình hình phát thải thống kê trên cơ sở bình quân đầu người thì có sự khác biệt. Trung bình mỗi người Hoa Kỳ thải ra 20 tấn CO2 trên một năm, ở Liên bang Nga là 11,7 tấn, Nhật Bản 9,8 tấn, Trung Quốc 3,6 tấn và Ấn Độ là 1,2 tấn. Xếp hạng này tương ứng với thu nhập bình quân đầu người ở các nước này: thu nhập bình quân đầu người càng cao thì lượng phát thải CO2 bình quân đầu người càng lớn. Khả năng giải quyết vấn đề giảm phát thải CO2 tùy thuộc vào từng nước. Các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ phải phấn đầu trước tiên để giảm nghèo đói bằng cách tiếp tục gia tăng thu nhập bình quân đầu người. Mặt khác, các nước phát triển có cơ sở kinh tế tốt hơn để đầu tư cho các nỗ lực giảm phát thải CO2.
Mua công nghệ sạch
Không mấy khó hiểu khi các nước đang phát triển đã đề xuất nguyên tắc “chia sẻ trách nhiệm nhưng có sự phân biệt” và yêu cầu các nước phát triển đến năm 2020 phải giảm 40% phát thải CO2 so với mức năm 1990 của họ để ngăn chặn sự tăng lên nhiệt độ trung bình toàn cầu quá 20C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp ở trạng thái cân bằng. Điều này sẽ cho phép các nước đang phát triển tiếp tục việc xóa đói giảm nghèo thông qua phát triển bền vững, đồng thời duy trì lợi ích đôi bên tron vấn đề giảm phát thải CO2.
Trong hoàn cảnh này, các nước đang phát triển cần sự chuyển giao công nghệ, đầu tư thỏa đáng, và hỗ trợ năng lực từ các nước phát triển. Nhưng vấn đề sẽ mang tính dài lâu, bởi vì hầu hết các nước phát triển khẳng định rằng việc chuyển giao công nghệ của họ cần phải được thực hiện thông qua khối tư nhân. Cơ bản điều này có nghĩa là các nước đang phát triển phải mua công nghệ để xác nhận quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các nước đang phát triển, điều này dẫn đến việc họ phải dùng đồng tiền để chống lại sự biến đổi khí hậu.
Nhận thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan này, vào tháng 02/2008, các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo cao cấp của các ngân hàng trung ương của nhóm G7 đã đồng ý tạo ra một khung đầu tư chiến lược đa phương, hướng đến vấn đề biến đổi khí hậu bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho việc phát triển các công nghệ sạch ở những nước đang phát triển.
Mặc dù sáng kiến này đáng được hoan nghênh song nó lại tập trung quá hẹp vào “công nghệ sạch”. Điều mà các nước châu Á đang cần lúc này là một xem xét tổng thể về mô hình phát triển của họ và quan tâm đến thay đổi khí hậu bằng cách tập trung vào các chính sách phát triển bền vững thông qua ba trụ cột: Kinh tế – Xã hội – Môi trường.
Cách tiếp cận truyền thống: Rừng bị chặt phá để phục vụ phát triển kinh tế. (Ảnh: AFP). |
Cần có cách tiếp cận mới
Phát thải CO2 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Các quốc gia cần chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những hậu quả này. Canh tác lúa nước sẽ đòi hỏi các hạt giống mới chống chịu được với khí hậu khô hạn. Nước sẽ ngày càng khan hiếm, nên cần có điều chỉnh trong phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, và rừng nhiệt đới.
Cùng với sự dâng lên của mực nước biển, các con sông sẽ chảy tràn bờ. Dân cư ở vùng ven biển sẽ phải trải qua nạn lụt lội ngày càng gia tăng. Nhiều hòn đảo sẽ bị nhấn chìm.
Hà Lan, một nước phát triển đã xây dựng một chiến lược thích nghi và hình thành một đất nước dưới mực nước biển. Thách thức hiện nay đối với nhóm nước châu Á đang phát triển là có được các công nghệ tương tự, có thể chi trả được, để đối mặt với mực nước biển dâng.
Các bệnh mới lan truyền trong nước sẽ xuất hiện. Yêu cầu cấp bách hiện nay là ngăn chặn sự bùng nổ của dịch bệnh mới trong khi cùng lúc làm giảm thiểu những dịch bệnh truyền thống với người nghèo như sốt rét, lao và suy dinh dưỡng.
Một yêu cầu cấp thiết là phải kêu gọi một hướng tiếp cận khác cho sự phát triển, mà cụ thể là tập trung xem xét vấn đề môi trường. Điều đó có nghĩa là việc quy hoạch không gian phải đặc biệt tính đến giới hạn của hệ sinh thái, kết hợp với việc quản lý lòng sông để ngăn chặn sự khan hiếm nước do chảy ra biển (không được sử dụng). Một chính sách sử dụng đất hợp lý sẽ đóng vai trò bổ trợ.
Hệ thống giao thông phải thể hiện rõ vai trò chức năng của giao thông, hơn là chú trọng vào xe cộ như là một phương tiện giao thông. Giao thông công cộng phải được ưu tiên hơn dùng ô tô riêng. Nhà cửa và các công trình phải có ý thức về mặt môi trường hơn, tạo ra việc sử dụng năng lượng mặt trời nhiều hơn điện sinh hoạt có nguồn gốc hóa thạch. Đột phá toàn diện của phát triển bền vững là để giảm dấu chân sinh thái của con người lên tự nhiên.
Một mô hình chặt chẽ
Tất cả những yếu tố phân ttrên phải được xem xét trong một mô hình phát triển bền vững chặt chẽ, mang lại những lợi ích chung dưới góc độ giảm phát thải CO2. Trên toàn châu Á, các ý tưởng và chính sách phải được phát triển và có thể thực hiện ngay trong một mô hình phát triển bền vững rõ ràng. Các nước châu Á không cần tạo ra hệ thống vận hành mới, nhưng có thể học hỏi lẫn nhau.
Quan điểm chủ chốt ở đây là cải biến tất cả những kinh nghiệm nhỏ của các nước châu Á để áp dụng vào một mô hình phát triển bền vững chặt chẽ mà tạo được lợi ích chung trong giảm phát thải CO2.
Sự phát triển của châu Á sẽ tạo nên tiếng nói trong sự phát triển toàn cầu thế kỷ 21 này. Học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ của các nước phát triển mà hiện tại đang là các quốc gia phát thải CO2 chủ yếu, các nước châu Á sẽ đi theo cách thức riêng để phát triển bền vững mà giảm được đói nghèo trong khi chống lại sự biến đổi khí hậu.