Đó là phản ánh của hầu hết lãnh đạo các địa phương có nhiều diện tích rừng tại Hội nghị triển khai công tác bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định bức xúc: "Có phải lực lượng kiểm lâm còn "lỏng tay" trong cuộc chiến chống lâm tặc? Chính quyền các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ rừng?".
Gia tăng… phá rừng
Thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg và Chỉ thị số 8/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chăn nạn phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng từ cấp tỉnh đến cơ sở; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, thường xuyên tổ chức kiểm tra, truy quét. Thế nhưng tình trạng chặt phá rừng; khai thác, mua bán, tàng trữ lâm sản và động vật hoang dã trái phép vẫn không ngừng gia tăng.
Trong năm 2007, ngành kiểm lâm Bình Định đã phát hiện 917 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 212 vụ so với năm 2006. Sang năm 2008, chỉ riêng quý 1 đã phát hiện 170 vụ, tăng 36 vụ so với cùng kỳ năm trước, tịch thu tang vật vi phạm trên 300 khối gỗ các loại, 457kg động vật hoang dã, huỷ trên 200 lò đốt than, tổng số tiền thu từ xử phạt hành chính và bán lâm sản tịch thu hơn 3 tỷ đồng.
Tuỳ đặc thù của từng vùng, mỗi nơi có một “kiểu” phá rừng khác nhau. ở Vĩnh Thạnh thì nóng lên hoạt động khai thác và vận chuyển gỗ trắc, gỗ huỳnh đàn. ở Phù Cát, Phù Mỹ thì không ngừng diễn ra nạn phá rừng làm rẫy hoặc phá rừng phòng hộ ven biển. ở Vân Canh và Hoài Nhơn thì những lò đốt than “mọc” lên như nấm trong những cánh rừng. Một số hộ dân sống gần rừng lấy việc tham gia khai thác, vận chuyển, che giấu lâm sản cho lâm tặc làm “kế sinh nhai”.
Lâm tặc hoạt động ngoài tầm kiểm soát
Rừng bị tàn phá là do lực lượng kiểm lâm quá mỏng trong khi rừng thì bát ngát, hoạt động của lâm tặc ngày càng tinh vi! Tuy nhiên, theo lãnh đạo một số địa phương có rừng thì vẫn còn nguyên nhân chủ quan khác.
Ông Trần Đình Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân thẳng thắn: “Gần như lâm tặc hoạt động công khai, thách thức cả chính quyền địa phương. Thậm chí đến cả người thân của lãnh đạo ngành kiểm lâm cũng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng! Thú thật, nói về hoạt động của ngành kiểm lâm, người dân Hoài Ân “chê” nhiều hơn khen”.
Dư luận xã hội luôn thường trực mối nghi ngờ về tư cách của một số người trong lực lượng chủ chốt làm công tác bảo vệ rừng. Công tác tuyên truyền mới chỉ “sôi nổi” ở các hội nghị chứ chưa đi vào thực tế nên chưa cho hiệu quả. Để công tác bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn, ngoài việc tăng cường, nâng cao năng lực, cán bộ ngành kiểm lâm còn cần “nâng cao” đạo đức”.
Ông Lê Thanh Trang, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh bức xúc: “Thị trường tiêu thụ gỗ trong tỉnh chưa được kiểm soát chặt chẽ. Gỗ trong các cơ sở sản xuất, chế biến chưa được kiểm tra nguồn gốc tạo “thị phần” cho lâm tặc tiêu thụ gỗ khai thác trái phép. Ngoài ra, tại nhiều địa phương, không chỉ lâm tặc vi phạm lâm luật mà cả cán bộ xã cũng vi phạm thì khó mà giáo dục được dân”.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định băn khoăn: “Mỗi khi đoàn công tác ra quân truy quét thì lâm tặc lại ngưng hoạt động, rút vào bí mật. Khi đoàn công tác quay về thì mọi hoạt động của lâm tặc lập tức sôi nổi. Đây cũng là vấn đề cần xem lại, có thể thông tin bị “rò rỉ” nên hoạt động của lâm tặc luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chức năng. Trong thời gian tới, ngoài đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền với những biện pháp thiết thực phù hợp với từng địa phương có rừng, chúng tôi sẽ tăng cường lực lượng kiểm lâm địa bàn và kiên quyết làm trong sạch lực lượng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ thêm kinh phí cho ngành chức năng để tăng cường công tác chống lâm tặc”.