Đã 2 giờ 30 sáng, đèn đường vẫn cần mẫn hắt những quầng sáng bạc xuống từng con phố yên tĩnh, chợt có ánh đèn pha rọi tới, từ xa tiếng xe ben ì ì lại gần, rồi lướt qua con hẻm tối nơi chúng tôi ém quân, chạy nhanh về phía Mỹ Đình…
Tắt đèn, xe chúng tôi lặng lẽ bám theo. Ra đến đường Láng – Hòa Lạc, chiếc xe tải đang chạy phía trước chợt khựng lại, chiếc thùng ben tải sau ca bin từ từ dâng cao. Rầm, cả khối đất, đá, gạch vụn hàng tấn “hồn nhiên” trút xuống. “Bắt thôi” – ai đó hô. Cậu lái xe đặc chủng bật đèn, xe chúng tôi vọt lên, chặn đầu, áp sát mục tiêu, những bóng người trong sắc phục Cảnh sát, Thanh tra giao thông (TTGT) nhảy xuống, vây quanh anh xế vừa đổ trộm phế thải…
“Làm ngày, cày đêm”
Mươi năm trở lại đây, Hà Nội “cao lên, phình ra”, khắp nơi tua tủa những cọc nhồi, giàn giáo. Những công trình xây dựng mọc lên như nấm sau mưa đang mang lại cho Thủ đô một diện mạo mới. Nhưng, phía sau sự phát triển đến ồ ạt ấy, Hà Nội đang đương đầu với một vấn nạn nhức nhối – chuyện “rác tặc”.
Theo Quyết định số 3093/QĐ – UB/1996 của UBND TP. Hà Nội thì rác thải bao gồm chất thải sinh hoạt và phế thải xây dựng, rác thải phải được tập kết đúng nơi quy định để xử lý, đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, môi trường. Nghiêm cấm mọi hành vi đổ rác thải bừa bãi. Quyết định đã đi vào cuộc sống được hơn 10 năm, nhưng xem ra việc chấp hành của người dân còn nhiều điều phải bàn. Theo khảo sát của chúng tôi, ai cũng biết việc đổ chất thải bừa bãi ra nơi công cộng là mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường sống, nhưng vì “tiện” và “đã làm sao” nên cứ làm!
Chính vì cái sự “tiện” ấy mà mặc cho thành phố đã bố trí 13 điểm tập kết rác thải trong nội đô, 02 bãi đổ phế thải xây dựng tại Vân Nội – Đông Anh; Yên Sở – Hoàng Mai, nhưng hàng đêm các xe tải cứ kìn kìn chở phế thải từ chân công trình “hồn nhiên” ra đổ ở những đoạn đường ven đô. Khu vực “hot” nhất hiện nay là đầu đường Láng Hòa Lạc, khu Mỹ Đình, Mễ Trì, Thanh Trì, Pháp Vân, Tứ Hiệp v. v. Nhiều con đường đẹp, rộng thênh thang bỗng trở nên nhỏ hẹp bởi những đống đất chình ình, ngất ngưởng. Trên đoạn đường gần sân vận động Mỹ Đình thuộc xã Mễ Trì -Từ Liêm, những khối đất, đá, gạch vụn cứ lừng lững như chiếc đê quai chắn lũ, như chọc vào mắt người qua đường.
Tưởng cũng phải nói đôi chút về cái “họa” do những “trái núi”, “con đê” phế thải ấy gây ra. Trước hết, đây là “đầu vào” của tai nạn giao thông. Cũng dễ hiểu thôi, đường đột nhiên hẹp lại, đất đá văng lên mặt đường tạo thành những cái bẫy, mà tâm lý lái xe mấy ai ngờ trên con đường về nhà lại bất thần mọc ra một trái núi, đêm tối cắm cúi mà đi thì có tránh cũng không kịp. Sau nữa, các nhà thầu, quản lý dự án có mặt bằng được giao chưa kịp thi công thì sáng ngày ra đã phải móc túi hàng chục, có khi hàng trăm triệu để chi cho việc hót đi những con đê phế thải trên đất của mình.
Anh Thông – Trưởng Công an xã Mễ Trì cho biết, trong số chất thải xây dựng, ớn nhất là món đất thải móc lên từ những hố khoan để đóng cọc nhồi. Khi khoan một lỗ xuống lòng đất, để đảm bảo độ kết dính, ổn định của đất ở thành lỗ khoan, người ta tưới vào đây một loại hóa chất chuyên dụng, và rồi đất đó được móc lên đi đổ ở đâu thì là tai họa cho cây cối xung quanh. Để minh chứng, anh chỉ cho xem vườn trồng cau cảnh giáp cơ đê sông Nhuệ thuộc khu Đồng Sếu – Mễ Trì. Bên cạnh những đống chất thải cao ngồn ngộn, khu vườn hàng trăm gốc cau đang héo úa dần, “ mưa xuống hóa chất trong đất thải theo nước mà chảy ra, ngấm ra xung quanh thì cây nào sống được” – anh giải thích.
Câu chuyện rác thải không còn là chuyện nghe mãi “ rác” tai nữa, nó đã thực sự là “vấn đề hôm nay”. Bởi vậy mà vừa rồi, Thành ủy Hà Nội đã có đề án 31 về cải thiện môi trường, Ban chỉ đạo 197 thành phố và Giám đốc hai sở GTCC- CATP đã chỉ đạo khẩn trương ra quân, dẹp cho được nạn đổ đất, phế thải xây dựng ra hè, đường phố, hành lang an toàn giao thông. Các tổ công tác liên ngành gồm TTGT, Cảnh sát 113, Cảnh sát môi trường, giao thông, trật tự… hàng đêm tuần tra, mật phục, ngăn chặn, bắt quả tang các lái xe vi phạm. Trường hợp nghiêm trọng, hồ sơ được chuyển ngay đến Đội điều tra trọng án – PC14 CATP Hà Nội để tổ chức xác minh. Nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố điều tra. Chỉ trong mấy ngày của tháng 4 năm 2008 các tổ đã lập hơn 40 hồ sơ xe ô tô vi phạm.
Nhọc nhằn chống… “rác tặc”
Khó kể cho hết nhọc nhằn của những người chống “rác tặc”. Anh em chia sẻ, ban ngày họ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ, đêm đến lên xe tuần tra, lòng vòng trên các tuyến phố, rồi ém quân, mật phục, truy kích đối tượng như trong… phim. Vào giờ ngày cao điểm chuyện thức thông đêm là hiển nhiên, những gò má cũng vì thế mà cao lên, sạm đi. Cùng cảnh làm đêm với nhau, tôi hỏi một anh TTGT: “Phụ cấp làm đêm bên ấy khá chứ?”. “Việc giao thì phải làm thôi, còn tiền làm việc ngoài giờ gọi là có cho vui ấy mà, một năm có làm đêm liên tục chăng nữa cũng chỉ được tính 200 giờ phụ cấp”, anh cho biết. Tôi rất ngạc nhiên vì TTGT thường xuyên phải chặn bắt, cưỡng chế người vi phạm mà trong tay chẳng có lấy một tấc sắt, đến công cụ hỗ trợ cũng không, tay bo mà chặn bắt đối tượng.
Đêm 26/04/2008, tổ công tác của anh Dư – TTGT Nam Thăng Long phát hiện một xe ô tô tải ben đổ bùn đất thải trên phố Trung Kính liền đuổi theo. Lái xe Lê Văn Lực tăng ga bỏ chạy, chèn ép, lấn đường không cho xe ô tô của TTGT vượt lên. Khi đến gần Trung tâm Hội nghị quốc gia thì ép được xe vi phạm vào lề nhưng Lực nhất định không xuống, lại còn lớn tiếng đe dọa, giằng co, xô đẩy TTGT, chỉ khi “quân hình sự số 7″, Cảnh sát 113 tăng viện mới đưa được Lực ra khỏi xe. Tất nhiên, sau đó Lực bị bắt về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Công đoạn xử lý hậu vi phạm cũng không kém gian truân. Chồng hồ sơ do TTGT chuyển giao đã cao ngất, anh em đội trọng án lại vùi đầu nghiên cứu, rồi tỏa đi các ngả thu thập tài liệu, lời khai những người có liên quan, làm việc với các cơ quan xác định thiệt hại do hành vi đổ phế thải bừa bãi gây ra. Một núi công việc mà “đầu bài” giao là phải nhanh và kỹ, tất cả các vụ vi phạm phải “soi” cẩn thận, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra. Ranh giới giữa vi phạm hành chính và tội phạm đôi khi rất mong manh, không thận trọng sẽ thành “hình sự hóa”, còn nếu hữu khuynh lại bỏ lọt tội phạm. Khối lượng công việc và áp lực về thời gian, sự chính xác trong xử lý đè nặng lên vai tổ làm án, trong khi họ vẫn phải túc trực với “môn” chính của mình – các vụ trọng án hình sự chưa rõ thủ phạm.
Đi tìm lời giải cho động cơ vi phạm của các lái xe, mới thấy có ngàn lẻ một cách bao biện. Tựu chung lại, họ đều biết đổ phế thải ra đường là sai nhưng vẫn làm. Tìm hiểu hóa ra, cánh xế tải không hẳn là “vô tư”. T – một lái xe cho biết: “anh tính, bãi đổ thì xa, mà bọn em cần nhanh để chạy thêm chuyến khác kiếm tý, cũng tại ông Nhà nước thu phí bãi đổ không “mềm” chút nào, em đổ bừa vừa nhanh lại không phải “cắt phế” bờ bãi”!. Với một số chủ công trình, dù có 04 đơn vị được thành phố giao ký hợp đồng thu gom, vận chuyển phế thải, nhưng họ thích gọi đám xe tải “dù” hơn, vì vừa nhanh lại rẻ. Được biết Sở GTCC Hà Nội quy định đơn giá chuyển dọn phế thải đối với xe tải trọng 2,5 tấn từ 118.000 đồng đến 147.000 đồng, xe 2 tấn từ 94.000 đồng đến 117.000 đồng, xe 1,5 tấn từ 71.000 đồng đến 88.000 đồng. Vẫn khối lượng ấy nhưng giá chuyển dọn của tư nhân “mềm”, chủ công trình sao chẳng “kết” hơn, và thế là việc đổ bừa, đổ ẩu phế thải là khó tránh khỏi.
Giải pháp nào cho vấn nạn “rác tặc”? Thiết nghĩ cùng với việc phạt nặng, bắt các chủ phương tiện vi phạm phải chi trả tiền dọn phế thải đổ bừa, giam xe, khởi tố các vụ vi phạm nghiêm trọng (như đổ phế thải làm hỏng các công trình công cộng), phạt các chủ công trình thuê xe tải “dù” chở phế thải và những “bưởng” “cai” bãi đổ… thì cần kêu gọi mọi người dân ý thức chấp hành nội quy văn minh đô thị.