Sân golf sẽ sớm bị “tẩy chay” tại Việt Nam?

Cả nước hiện có 141 sân gold ở 39 tỉnh sử dụng 49.268 ha đất trong đó có 2.625 ha trồng lúa. Trong 16 năm Thủ tướng chỉ cấp 34 dự án nhưng chỉ gần 2 năm (từ 7/2006 – 5/2008) các địa phương sau khi phân cấp đã cấp 104 dự án sân golf.

Những con số trên đã được đại biểu Lê Quốc Dung, Thái Bình nêu lên tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc sáng 30/05.

Khoảng hơn một tuần sau phiên chất vấn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng đã thực hiện thống kê mới nhất về quy hoạch sân golf trên cả nước.

Theo đó, cả nước hiện có 123 sân golf chiếm tổng diện tích khoảng 38.445 ha, trong đó diện tích dành cho chơi golf khoảng 27.000 ha (chiếm 70%).

Sở dĩ có sự chênh nhau này được Bộ Tài nguyên và Môi trường giải thích là hiện vẫn còn một vài địa phương vẫn chưa có báo cáo số lượng, diện tích sân golf gửi về Bộ để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Một lần “giật mình” của Bộ trưởng

Sân golf đã trở thành một hiện tượng đang “bùng nổ”, là “sát thủ” của nhà nông, đe dọa nền an ninh lương thực quốc gia như dư luận đang quan ngại? Theo nhận định từ Chính phủ thì không nên quá bi quan như vậy.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết: Sân golf hiện nay chúng ta đã cấp phép thời gian cũ là 77 sân golf, trong đó có khoảng 13 sân golf là của nước ngoài, một số sân golf liên doanh và phần còn lại 35 sân golf là đầu tư trong nước.
Trước đây khi chưa phân cấp, sân golf thuộc dự án nhóm A. Chính phủ phải quyết định, việc cấp hay không rất chặt chẽ và đã cấp 77 sân golf.

Gần đây, các địa phương mới cho chủ trương cấp là 64 sân golf. Việc cấp sân golf này, chủ trương của Chính phủ là không lấy đất nông nghiệp, đặc biệt đất lúa để làm sân golf.

Nếu đất nông nghiệp, đất bạc màu thì có thể xem xét, hầu hết các sân golf trước đây làm là đất bạc màu. Sau đó, có một số nơi khi xây dựng sân golf vào đất lúa, Chính phủ đã xem xét và yêu cầu đình chỉ.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư còn cho biết, ông cũng đã một lần từng giật mình khi nghe thấy thông tin ồ ạt ra đời các sân golf: “Có một số thông tin đưa tin là Long An cấp đến mấy chục sân golf, chúng tôi rất giật mình, ngay tức khắc tôi phải gọi điện cho đồng chí Chủ tịch và Bí thư của Long An để hỏi, các đồng chí trả lời mới chỉ cấp 3 sân golf thôi!”

Sau đó, Bộ trưởng Phúc có lý giải về sự giật mình nhầm của mình là: “Còn mấy chục cái sân golf ấy là cái gì? Là thông tin của những nhà cò mồi đất, đầu cơ đất lập dự án, đi vận động ở địa phương để mà đưa ra ý tưởng và họ cũng đưa vào coi như tỉnh cấp đến nơi rồi!”

“Siết chặt” sân golf

Tuy không phải là hiện tượng đáng giật mình nhưng Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho biết với việc giám sát chặt chẽ của Quốc hội trong vấn đề kế hoạch sử dụng đất mà chúng ta đã thông qua thì việc đó sẽ được quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Ông Phúc phân tích: Hiện nay cách quản lý sân golf như thế nào? Sân golf không liệt vào loại kinh doanh đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ không phải phê duyệt mà giao cho UBND các tỉnh phê duyệt và quyết định đầu tư nhưng phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất.

Về quy hoạch sử dụng đất thì làm rất chặt chẽ. 5 năm Quốc hội đều biểu quyết thông qua quy hoạch sử dụng đất của cả nước. Căn cứ quy hoạch đó Chính phủ làm kế hoạch sử dụng đất cho từng tỉnh, từng địa phương và kế hoạch sử dụng đất đó được các thành viên Chính phủ biểu quyết bằng phiếu kín.

Còn quỹ đất này nằm ở đâu? Trong kế hoạch sử dụng đất khi Quốc hội thông qua: Có đất cho khu công nghiệp, đất cho dịch vụ, đất nông nghiệp, đất thổ cư, đất giao thông cơ sở hạ tầng nằm trong khoản đất kinh doanh dịch vụ…

Hiện nay, khu vực có số lượng sân golf nhiều nhất là khu vực Nam Trung Bộ với 27 sân golf, kế đến là khu vực đồng bằng Bắc Bộ với 25 sân, các tỉnh miền núi phía Bắc 11 sân, khu vực Tây Nguyên 11 sân, Bắc Trung Bộ 7 sân, khu vực Tây Nam Bộ có 6 sân…