Hoạt động buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm từ ĐVHD bất hợp pháp là một tội ác ảnh hưởng tới tất cả chúng ta. Hoạt động buôn bán kiểu chợ đen đang tăng vọt này có kim ngạch khoảng 10-20 tỷ đô la mỗi năm và thường gắn với tội phạm có tổ chức liên quan đến các đường dây buôn bán vũ khí, ma tuý và cả buôn người.
Phần lớn chúng ta có lẽ đều cảm thấy được an ủi rằng ít ra chúng ta không dính líu vào hoạt động bẩn thỉu đó. Nhưng mỗi chúng ta, khi mua các sản phẩm hoặc thực phẩm từ buôn bán phi pháp, có thể đang tiếp tay cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp mà không nhận ra.
Chẳng hạn, ngay ở Việt Nam, nhiều người thích ăn thịt động vật được bảo vệ như cầy hương, một số loại rùa và rắn. Các phương thuốc cổ truyền vẫn còn được làm từ xương hổ và mật gấu. Trong các chợ ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, du khách có thể mua đồ lưu niệm làm từ ngà voi, mai rùa, lông chim, lông thú, xương hoặc da của các động vật có nguy cơ tuyệt chủng bị khai thác bất hợp pháp. Việc bán được những sản phẩm này khiến cho nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và khuyến khích hành vi tội ác này tiếp diễn.
Đáng tiếc, nạn buôn bán bất hợp pháp các loài có nguy cơ tuyệt chủng đang gia tăng và góp phần đáng kể vào sự tổn thất thiên nhiên hoang dã quý giá của chúng ta. Những tay săn trộm và buôn lậu đã góp phần làm giảm nghiêm trọng số lượng hổ trên toàn cầu, mà hầu hết 95% sự giảm sút đó xảy ra trong vòng 25 năm qua.
Ngoài việc gây ra tổn thất thiên nhiên hoang dã và khuyến khích hoạt động tội phạm quốc tế, nạn buôn bán ĐVHD cũng góp phần gây ra những vấn đề sức khoẻ toàn cầu. Những bệnh dịch mà tất cả chúng ta ở Việt Nam đều biết, như cúm gia cầm, hội chứng suy đường hô hấp cấp (SARS) và bệnh lao, cùng với các bệnh truyền nhiễm gây tử vong khác, gồm cả vi-rút Ebola, có thể lây truyền giữa các loài động vật và truyền từ động vật sang người.
Để đối phó với tình trạng đó, Hoa Kỳ, với sự hợp tác của một số nước và tổ chức, đã lập ra Liên minh chống Buôn bán Động vật Hoang dã (CAWT) nhằm mục đích chấm chứt buôn bán động vật hoang dã thông qua việc kiểm soát cả hành động mua và bán ĐVHD cũng như các sản phẩm từ chúng.
Nhằm tăng cường hiệu lực của luật chống buôn bán động vật hoang dã, CAWT và Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã thiết lập một mạng lưới khu vực mới về chống buôn bán động vật hoang dã – mạng ASEAN-WEN. Dù mới được thành lập, ASEAN-WEN đã thành công trong cứu hộ và trả những động vật sống về nước xuất xứ của chúng và phá vỡ nhiều mạng lưới buôn bán động vật hoang dã.
Tại Việt Nam, ASEAN-WEN và nhiều cơ quan của Hoa Kỳ hợp tác với Cục Kiểm lâm, Cục Cảnh sát Môi trường và cán bộ ở các tỉnh nhằm nâng cao năng lực bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam thông qua đào tạo và tăng cường hợp tác liên tổ chức.
Mặc dù những vấn đề đặt ra còn khá nghiêm trọng, sự tăng cường hợp tác đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan. Năm 2007, Việt Nam đã bắt giữ hơn 66 tấn động vật hoang dã bị buôn bán lậu. Đầu năm nay, chỉ trong hai tuần, cơ quan chức năng của Việt Nam đã tịch thu 23 triệu tấn tê tê có nguy cơ tuyệt chủng. Tháng Tư vừa qua, các nhà nghiên cứu thuộc một tổ chức phi Chính phủ của Việt nam thông báo phát hiện một giống rùa lớn có mai mềm họ Swinhoe, vốn bị coi là đã tuyệt chủng, trong một hồ nước ở miền Bắc Việt Nam.
Nhưng tất cả chúng ta cần nỗ lực hơn nữa. Ngay cả khi luật pháp nghiêm khắc hơn, buôn bán động vật hoang dã vẫn tiếp tục phát triển ở Việt Nam và những nơi khác. Trong một nỗ lực toàn cầu, chúng ta cần giảm lượng tiêu thụ động vật có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam và ngăn chặn xuất khẩu những loài có nguy cơ tuyệt chủng sang các nước châu Á và những vùng khác trên thế giới. Chúng ta cần tự giáo dục về sự cần thiết bảo vệ thiên nhiên hoang dã và học cách hành động để tiến tới mục tiêu đó. Và quan trọng hơn cả, chúng ta cần tránh mua bất kỳ sản phẩm nào bắt nguồn từ hoạt động buôn bán đẫm máu này.
Để giúp công chúng biết về những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, Hoa Kỳ đã tranh thủ được sự giúp đỡ của nam diễn viên Harrison Ford, ngôi sao trong những bộ phim Indiana Jones, người đã dành thời gian quay ba đoạn phim cổ động kêu gọi người tiêu dùng không mua động vật hoang dã và sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp. Những đoạn phim cổ động này sẽ được chiếu trên toàn thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của nạn buôn bán động vật hoang dã.
Những đoạn phim đó kêu gọi chúng ta hợp sức cùng nhau ngăn chặn hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp bằng cách không mua những sản phẩm từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp này. Hãy cùng tôi và nhiều người khác trên thế giới tham gia cuộc chiến chống nạn buôn bán bẩn thỉu này. Hãy nhớ rằng, khi ngừng mua, việc sát hại cũng có thể chấm dứt.