Đan Lai là bộ tộc ít người của Việt Nam với gần 3.000 người, chỉ sống duy nhất ở địa bàn huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An). Trước đây cuộc sống của họ vô cùng kham khổ và tăm tối giữa bạt ngàn rừng già núi thẳm.
Sau này, đất nước đổi thay, người Đan Lai dần dần “bước” ra khỏi rừng già, hòa mình vào cuộc sống mới cùng các dân tộc anh em. Họ không còn ngủ ngồi đề phòng thú dữ, mà được nằm giường đẹp, có màn “ngăn” muỗi,… không còn “đẻ ngồi” rồi nhúng con xuống nước mà được đến trạm y tế sinh con khỏe mạnh. Trẻ con lớn lên không phải học trèo cây, lặn suối bắt cá mà được đi học để tìm cái chữ…
Đổi thay “người lớn cũ”
Trước đây, ai muốn “thấy” tộc người Đan Lai thì ngoài việc cuốc bộ luồn rừng, ngược dòng sông Giăng hết cả ngày trời mới đến được với bộ tộc nằm trong “thâm sơn cùng cốc”. Giờ chỉ cần có xe gắn máy là có thể chạy đến tận các bản tái định cư Tân Sơn, Cửa Rào (xã Môn Sơn) và bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) là gặp được họ. Qua những cánh đồng lúa vàng rực rỡ, men theo con đường bên sông Giăng, những khu rừng xanh ngút ngắt,… chúng tôi tìm đến với người Đan Lai.
Ông La Đình Thám (72 tuổi) ở bản Tân Sơn mới gặp chúng tôi đã hỏi một câu “hiện đại”: “Chạy xe máy từ ngoài thị trấn vào à?”. Sở dĩ nói câu hỏi của ông “hiện đại” bởi như ông cho biết, ông từng đi học ở trường rẻo cao Quỳ Châu những năm đánh Mỹ. Nhưng cái xe máy thì mới biết mấy năm nay thôi, nhờ bước từ trong rừng, từ trong quê cũ ra quê mới đây.
Ông Thám khoe, ra nơi ở mới, ông có nhà đẹp và bền, được cấp gạo ăn trong nhiều tháng, được cấp ruộng làm lúa làm bắp, được cấp cả rừng để trông coi và trồng thêm, được hướng dẫn “lái con trâu” đi làm đất trồng lúa, trồng bắp,… và sướng nhất là… “biết đồng tiền”.
Ông kể: “Đưa bắp đến chợ thì mang tiền về. Lấy xà phòng cho thơm ở chợ thì đổi tiền đi. Nhẹ lắm, không mệt, ở quê cũ không có. Đói bụng thì trèo cây, lội suối, không cần tiền” – ông Thám cười khà khà và tiếp: “Chỉ cần siêng năng để có nhiều tiền, ra chợ Môn Sơn-Lục Dạ là cái gì cũng có. Mà nhiều cái lắm, cái gì cũng muốn có muốn mua. Muốn có muốn mua nhưng ít tiền nên ông khuyên con cháu trong nhà phải siêng năng làm việc để có nhiều tiền, sẽ có nhiều thứ mình muốn”.
“Lái con trâu” làm đất trồng lúa, trồng bắp… |
Ông Thám không giấu nổi xúc động khi chúng tôi đề nghị ông kể về quê cũ của mình. Trước đây người Đan Lai sống giữa
rừng già, “nằm ngửa thấy chim nằm nghiêng thấy cá”. Dù có sự giao lưu với các tộc người khác như Thổ, Thái nhưng người Đan Lai chủ yếu vẫn sống trong cô lập. Con gái 12-13 tuổi là lấy chồng, con trai 14-15 tuổi là lấy vợ. Sau khi lấy nhau là bắt đầu đẻ, đẻ đến khi nào “hết đẻ được thì thôi”. Đẻ thì cũng “đẻ ngồi” như khi ngủ. Đẻ xong thì nhúng đứa trẻ xuống nước, nếu sống được thì nuôi, còn chết thì chịu. Mỗi nhà thường có trên 10 người, nhiều khi không nhớ hết nhau,…
“Nếu không có cán bộ từ ngoài quê mới vào, vận động ra ở quê mới thì người Đan Lai vẫn như trước đây thôi. Bây giờ thấy được nhiều điều, có được nhiều thứ. Đi đẻ là có cô bác sĩ, đau bụng không cần đi tìm hái lá mà có thuốc uống,… Ra khỏi rừng, người Đan Lai có điện để thắp sáng về đêm, không còn bị đau mắt vì tối, đau chân vì gai, còn thấy được nhiều thứ ánh sáng khác nữa. Ông được đi học nên ông hiểu”, ông Thám nói bằng giọng cảm kích.
Vui đời “con nít mới”
Ông La Đình Thám dẫn chúng tôi đi xem làng mới, quê mới của người Đan Lai. Làng toàn những ngôi nhà ngói được xây kiên cố, cao ráo, đẹp đẽ. Phía trước làng là cánh đồng lúa phì nhiêu, phía sau là cánh rừng mà làng được giao trông coi, chăm sóc. Khi chúng tôi đang đi thăm làng, thì bỗng đâu xuất hiện một nhóm trẻ con, rồi không lâu sau, từ các nhà trong làng chúng bủa ra rất đông.
Ông Thám cười khà khà: “Chuẩn bị nghỉ hè, hôm nay lại là chủ nhật nên bọn “con nít mới” ở nhà nghỉ hết, không đi đâu cả. Khi ở quê cũ thì không được nghỉ, không học trèo cây thì lội suối. Giờ tất cả chúng được đi đến trường học, ngày nghỉ thì được nghỉ”. Ông Thám gọi lũ trẻ là “con nít mới”.
Sau một hồi ngập ngừng vì thấy người lạ, lũ trẻ bắt đầu mon men lại gần, sau nữa thì tranh nhau đòi chụp ảnh, tranh nhau đòi “coi mình” trong máy ảnh của chúng tôi. Bỗng có tiếng “bíp bíp” đâu đó ngoài con đường rừng dẫn vào làng. “Kem kem!” Có đứa kêu lên và đám trẻ vùng chạy tứ tán vào các lối dẫn vào nhà, chui qua hàng rào,…
Nghỉ hè, trẻ con Đan Lai theo mẹ lên nương. |
Chúng tôi nghĩ bọn trẻ sợ tiếng “píp píp”, nhưng không phải. Chỉ một loáng sau đứa thì cầm những tờ 500đ, 1.000đ, đứa thì ôm lủng củng chai lọ từ trong các hàng rào, bụi cây chui ra. Anh bán kem tới nơi lập tức bọn trẻ ùa lại xúm quanh, đứa nào cũng giành nhau như chực sợ kem hết mất. Có cô bé đưa ra tờ 500đ, anh bán kem đưa ra 2 que kem, cô bé nài nỉ: “Cho thêm một que đi, nhiều người mà”. Sau một hồi bị nài nỉ anh bán kem cũng đành phải thêm cho cô bé 1 que. Cô bé cầm 3 que kem và vùng chạy mất hút vào trong nhà. Sau khi có kem con trai thì trèo lên cây, con gái ngồi bệt xuống cỏ,… mắt lem lém nhìn khách lạ rồi đưa que kem lên miệng thưởng thức rất ngon lành.
Ông Thám lại cười khà khà: “Ở quê cũ bọn “con nít mới” không được sướng thế này. Không có kem ăn. Không có chai nhựa để đổi kem. Không tính được kem bằng tiền…”.
Qua ngõ nhà cô bé La Thị Tiên, ông Thám bảo chúng tôi dừng lại. Từ trong nhà cô bé Tiên chạy ra hàng rào nhưng chỉ đứng khép nép nhìn người lạ. Ông Thám bảo “nó” học giỏi lắm, học lớp 4 Trường Tiểu học Môn Sơn. Bé Tiên và đứa em chỉ biết đứng nhìn và cười. Hỏi có muốn đi học nhiều không, cô bé cười “muốn chứ”.
Ông Thám kể với chúng tôi mà như nói những điều động viên bé Tiên. Ông bảo phải học để làm thầy cô giáo giỏi, dạy chữ cho không chỉ người Đan Lai mà cả người không phải Đan Lai, như thầy giáo La Văn Bốn ấy. Thầy Bốn là người Đan Lai đầu tiên được Nhà nước phong tặng Nhà giáo ưu tú. Không đi làm thầy cô giáo thì làm kỹ sư như La Thị Thắng. “Con Thắng” là người Đan Lai đầu tiên tốt nghiệp đại học chăn nuôi, trồng trọt. Mấy năm nay nhờ “con Thắng” mà bà con Đan Lai biết được nhiều cách làm lúa, làm bắp, cả nuôi con gà, con cá nữa,…
Ông Thám hồ hởi: “Ngày xưa ông bà mình phải tìm cây nứa vàng, làm thuyền có mái chèo liền mạn cúng cho bọn quan cai, nhưng tìm không được, làm không được nên phải trốn vào rừng. Bây giờ phải học để làm được cái thuyền máy, trồng được cây rừng…”.