Những đồi núi nhấp nhô, những thông tin về mỏ kim loại nặng trong lòng đất cùng các biểu hiện bất thường trong nguồn nước đã dấy lên một sự lo lắng trong đội ngũ cán bộ và người dân Đắc Nông mấy năm nay. Dù mới là tin đồn, song nó đủ làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt và những toan tính lâu dài của nguồn nhân lực ở Đắc Nông. Trước câu hỏi nguồn nước có độc tố hay không, những người có trách nhiệm ở Đắc Nông chỉ trả lời… lấp lửng. Sự lấp lửng đó cho thêm người ta cảm giác bất an, vốn đã có thừa.
Hoang mang từ cán bộ đến dân
Trong một quán cà phê buổi sáng ở Gia Nghĩa, anh B.L – một phóng viên địa phương – kể chuyện: “Bây giờ giá cả thứ gì cũng lên, mới thấy mỗi tháng tốn vài trăm ngàn mua nước tinh khiết về nấu ăn quả là không ít”. Rồi cũng chính anh thở dài: “Biết vậy, nhưng nguồn nước ngầm ở Gia Nghĩa độc lắm, thà tốn tiền còn hơn mang bệnh tật”. Hai vợ chồng B.L đều là cán bộ điều động từ tỉnh cũ Đắk Lắc đến Đắk Nông, 5 năm nay đều dùng nước tinh khiết nấu ăn, còn nước giếng có sẵn chỉ để tắm giặt, tưới rau. Gần như một trăm phần trăm công chức ở Đắc Nông đều thế cả. Một đồng nghiệp khác là phóng viên trung ương thường trú góp chuyện, rằng ở Buôn Ma Thuột anh uống 3-4 ly cà phê không sao, nhưng cứ một ly cà phê Gia Nghĩa đã thấy xây xẩm, buồn nôn.
Dạo mới chia tỉnh còn có tin đồn rất “sốc”, là uống nước Gia Nghĩa chỉ đẻ toàn con gái, kèm theo đó là vài con số thống kê để trên đốt ngón tay. Tin đồn nguồn nước Gia Nghĩa có nhiều kim loại nặng, rất nguy hại không biết từ đâu ra, nhưng bây giờ nó là “chuyện biết rồi, khổ lắm…”. Đến nỗi không ai nghĩ đến việc truy tìm nguồn gốc tin đồn, mà cứ răm rắp tin là sự thật, ít nhất là qua chuyện dùng nước của họ.
Nếu bị hỏi một câu “bắt bí”, thì câu trả lời sẽ là: “Ai chẳng biết Gia Nghĩa nằm trên mỏ kim loại, hàm lượng kim loại nặng trong nước dứt khoát là phải cao, ăn vào nguy lắm”. Dân địa phương trước kia vô tư dùng nước giếng, từ khi cán bộ tỉnh mới về, những thị dân (mới) cũng lo lắng theo rồi chuyển sang dùng nước tinh khiết. Tư duy của bà Đào Thị Diệp ở phường Nghĩa Thành là: “Trước đây lạc hậu không biết thì dùng đại nước giếng, bây giờ văn minh rồi cũng phải biết lo cho thế hệ con cháu mình chứ. Cứ nhìn cán bộ hiểu biết cẩn thận thì nên theo”.
Rồi dường như để tổng kết cho những lo lắng ấy, một dạo khắp Đắk Nông còn có tin đồn là do nguồn nước ở Gia Nghĩa không đảm bảo, tỉnh lỵ rồi sẽ chuyển về Đắk Mil.
Nguồn nước có vấn đề?
Gia Nghĩa là vùng đất hẹp nằm trên dải địa hình đặc thù trải dài từ Đắk Song ở phía bắc đến ranh giới tỉnh Bình Phước ở phía nam. Dải đất này cách biệt hẳn với 3 huyện phía Bắc của Đắk Nông là Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô. Dưới thời Pháp thuộc, nó có tên gọi cao nguyên M’Nông – địa bàn cư trú chủ yếu của người M’Nông. Ở đây địa hình chia cắt mạnh, tạo nên những quả đồi, những thung lũng trập trùng, bất tận. Nói nôm na là không thể tìm đâu ra được một diện tích bằng phẳng đủ rộng để làm một… sân bóng. Mưa nhiều, gió dữ, có sương mù vào ban đêm, sáng sớm.
Theo tài liệu địa chất và khảo sát của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, cao nguyên M’Nông nằm hoàn toàn trên các mỏ kim loại nặng, nhiều nhất là quặng bôxít với trữ lượng khoảng 5,4 tỉ tấn. Mỏ bôxít phân bố đều khắp, độ sâu từ 1 – 7 mét, độ dày vỉa quặng hàng chục mét. Hiện chưa có tài liệu nào chứng minh có sự liên quan giữa các mỏ kim loại nặng với nguồn nước ở Đắk Nông, song những hiện tượng bất thường trong nguồn nước thì không thiếu.
Hệ thống xử lý nước của Công ty cấp thoát nước và quản lý công trình đô thị Đắk Nông còn khá đơn giản, chủ yếu xử lý vi sinh vật. |
Theo khảo sát của Công ty cấp thoát nước và quản lý công trình đô thị Đắk Nông (Công ty CTNQLCTĐT – thuộc Sở Xây dựng) thì trữ lượng nước ngầm ở Gia Nghĩa rất thấp. Không có giếng khoan nào khai thác được quá 250m3/ngày, còn mức phổ biến chỉ khoảng 60 – 80m3/ngày, nhiều giếng khoan xong không có nước. Sau mấy năm nâng cấp, kết hợp khai thác nước ngầm ở 7 giếng khoan và nước mặt suối Đắc Nút, tổng công suất cấp nước của công ty mới đạt 2.000m3/ngày, chỉ đủ dùng cho 30% dân số tỉnh lỵ. Vào mùa khô, hầu hết các giếng đào của dân đều trơ đáy, họ phải mua nước sinh hoạt do tư nhân cung cấp với giá 50 – 60 ngàn đồng/m3. Thiếu nước là vậy, nhưng các nguồn nước tại chỗ đều dùng để tắm giặt, còn nước tinh khiết đóng chai thêm 2-3 lần lắng lọc mới là thứ nước chính dùng trong ăn uống.
Ông Phạm Văn Quý – Giám đốc Công ty CTNQLCTĐT Đắc Nông – cho biết: “Trước đây, mẫu nước của chúng tôi được kiểm tra tại Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, từ cuối năm 2007 đến nay do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra. Qua kiểm tra thấy rằng hàm lượng sắt trong nước mặt khá cao, cụ thể mẫu nước lấy từ suốt Đắk Nút có hàm lượng 0,7mg/lít, trong khi giới hạn cho phép là 0,5mg/lít. Sau xử lý, hàm lượng sắt còn lại 0,013mg/lít (theo phiếu xét nghiệm gần nhất ngày 16/05). Nói chung là chỉ xét nghiệm vi sinh, còn các chỉ tiêu hoá lý thì địa phương chưa làm được. Năm 2007, chúng tôi có gửi một mẫu nước đã qua xử lý đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm 5 chỉ tiêu kim loại. Các chỉ tiêu này đều đạt chuẩn, chỉ riêng Arsen tiệm cận với giới hạn cho phép (0,01 so với giới hạn cho phép là dưới 0,01)”.
“Tại sao nước máy của công ty lại bị đóng nhờn, có nơi lắng cặn đen, hoặc kết tủa nơi đáy ấm sau khi đun sôi?”. Ông Quý lấp lửng: “Có lẽ chất nhờn là do để lâu nên có vi sinh vật, còn lắng cặn hoặc kết tủa là do các kim loại nặng trong nước” (!).
Cần lắm hai chữ “an dân”
Bà Hoàng Thị Kim Dung – Phó Giám đốc Sở TNMT Đắk Nông – cho biết: “Hàng năm, chúng tôi quan trắc nước ngầm và nước mặt, gửi mẫu đến Phân viện Khoa học kỹ thuật – Bảo hộ lao động tại TP.HCM xét nghiệm. Qua kiểm tra cho thấy, hàm lượng các chất hữu cơ trong nước mặt vượt chỉ tiêu cho phép nên nước đục hơn thông thường, các chỉ tiêu khác thì bình thường”.
Khi được hỏi: Có dư luận cho rằng nguồn nước ở Gia Nghĩa không đảm bảo, bà Kim Dung quả quyết: “Đó chỉ là tin đồn, chứ nguồn nước thì đảm bảo, cứ yên tâm mà dùng. Chẳng hạn một số mẫu nước do tổ chức, cá nhân yêu cầu xét nghiệm, chúng tôi gửi đi và kết quả đều đạt hết”.
Nhưng trái ngược hoàn toàn với nhận định của bà Dung, Phó Giám đốc Sở KHCN Trần Viết Hùng cho biết: “Năm 2004, có một số cơ quan, trong đó có Văn phòng Tỉnh uỷ đưa mẫu nước đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, kết quả là có mẫu nước có hàm lượng sắt cao gấp đôi tiêu chuẩn cho phép. Hiện tượng thường thấy là nước nhanh đóng cặn màu đen, nhanh đóng chất nhờn, nước có màu xám đục hoặc vàng đục”. “Sở KHCN có nghiên cứu chuyên sâu nào về chất lượng nguồn nước chưa?”. “Chúng tôi chưa làm và cũng chưa thấy ai làm, cứ theo chức năng nhiệm vụ thì việc đó do ngành y tế chủ trì”.
Ơ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Giám đốc Trần Thị Kim Tuyển cho biết: “Dư luận băn khoăn về chất lượng nguồn nước là do ai cũng cho rằng Gia Nghĩa nằm trên các mỏ kim loại nặng, nguồn nước bị ảnh hưởng. Mặt khác là do những biểu hiện bất thường như hiện tượng kết tủa trong ấm nhôm, nước lắng cặn, nước da con người rất xấu… Trên thực tế, chúng tôi chỉ kiểm tra các chỉ số thông thường như độ đục, độ chua, phèn… Còn hàng chục chỉ tiêu hoá lý quan trọng như chì, nhôm, đồng, Arsen thì chưa thực hiện”.
Bà Tuyển cho biết thêm: “Đánh giá toàn diện chất lượng nguồn nước là tham vọng của ngành y tế dự phòng ngay từ ngày đầu về tỉnh mới. Nếu nguồn nước đảm bảo thì để an dân, nếu nguồn nước có vấn đề thì phải có biện pháp xử lý. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa đủ nhân lực, chưa được đầu tư trang thiết bị để thực hiện nên đành chịu”.
Mặc dù vậy, theo Phó Giám đốc Sở KHCN Trần Viết Hùng thì vẫn chưa phải “đành chịu”. “Chỉ cần nguồn nhân lực đi lấy mẫu trong thời gian đầu, cộng với vài tỉ đồng chi phí gửi mẫu xét nghiệm là đủ để an dân” – ông Hùng nói. Như thế, cái khó không nằm ở kinh phí. Và dẫu nhân lực, kinh phí có vượt khả năng của tỉnh Đắk Nông thì cả nước sẵn sàng vì nguồn nước lành của Đắk Nông mà xắn tay áo lên!