Nạn khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép ở Quảng Nam, do chính quyền các cấp buông lỏng quản lý, kéo dài dai dẳng hàng chục năm nay. Hoạt động của ngành kiểm lâm kém hiệu quả, để lâm tặc hoạt động ngày càng gia tăng, công khai và lộng hành, thách thức dư luận, làm mất lòng tin trong nhân dân !
Bức xúc trước tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép diễn biến ngày càng tăng và phức tạp, cuối tháng 01/2008, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo thành lập các đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành cấp huyện gồm các lực lượng công an, quân đội, quản lý thị trường, kiểm lâm làm nhiệm vụ chốt chặn ở các “điểm nóng”, thay lực lượng kiểm lâm.
Đến nay, bốn đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành các huyện phía bắc tỉnh, được xác định “ điểm nóng ” là Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn đã đi vào hoạt động.
Điều đáng nói là, sau khi các đội liên ngành được thành lập đi vào hoạt động, tuần tra ngày đêm, đấu tranh quyết liệt, nhưng nạn phá rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép trên các tuyến đường Hồ Chí Minh, 14B, 14E, tỉnh lộ 604, đường sông Kôn, sông Tranh, Vu Gia, Thu Bồn vẫn không “hạ nhiệt ”!
Lâm tặc vẫn ngang nhiên dùng xe ô-tô, xe máy, xe bò chở gỗ liên tục giữa ban ngày; lâm tặc kết gỗ thành từng bè, mảng, phao cao-su chờ đêm tối ồ ạt xuôi theo đường sông Bung, sông Vu Gia về tập kết tại huyện Đại Lộc, biến địa phương này thành “ chợ gỗ lậu ” lớn nhất của tỉnh.
Theo chân đoàn đi kiểm tra trên đường Hồ Chí Minh, được ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Từ ngày thành lập các đội liên ngành đến nay, chỉ hơn bốn tháng đã bắt giữ gần 1100 vụ, tịch thu hơn 2500m3 gỗ lậu các loại, tạm giữ 95 ô-tô các loại, 65 xe mô-tô, 25 chiếc thuyền nan, gần chục máy cưa…”.
Giữa trưa hè, nắng như đổ lửa, khi xe chúng tôi đi trên đường Hồ Chí Minh qua khỏi cầu Thạnh Mỹ, thuộc thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang bắt gặp chiếc xe ô-tô, mang biển kiểm soát 92K-4961, do Trần Tú, sinh năm 1986, trú ở thôn 6, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc ( Quảng Nam ) điều khiển, ngang nhiên chở trên xe 21 súc gỗ lim trái phép! Trước đó chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe máy kéo theo xe bò chạy rầm rập trên quốc lộ 14B đi chở gỗ lậu !
Trao đổi về vấn đề này, ông Chơ Rum Nhiên, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết : “Để kéo gỗ ra đường Hồ Chí Minh cho xe tải chở về xuôi, hiện nay toàn huyện Nam Giang có hơn 1000 con “trâu tặc”. Riêng xã Cà Dy, huyện Nam Giang có gần 700 con “trâu tặc”, hằng ngày tham gia kéo gỗ lậu. Dọc bờ sông, dưới chân cầu Thạnh Mỹ, người ta còn trồng từng ruộng cỏ cho “trâu tặc” ăn, nhiều người không biết, còn khen vùng này chăn nuôi phát triển mạnh?”
Không chỉ ở huyện Nam Giamg, ở xã Ba, xã Tư, huyện Đông Giang cũng có hơn 500 con “ trâu tặc” tham gia kéo gỗ phá rừng ! Anh Phan Tuấn, Chi cục phó kiểm lâm tỉnh vừa được tỉnh điều về thay hạt trưởng kiểm lâm huyện Đại Lộc,bức xúc: Chỉ tính từ ngày 28/05 đến 06/06/2008, huyện Đại Lộc đã bắt giữ hơn 300m3 gỗ lậu. Đêm 07/06, chúng tôi bắt giữ hai xe tải, tạm giữ gần 10m3 gỗ và Trạm kiểm lâm An Điềm phát hiện lâm tặc chở 12 bè gỗ, trục vớt hơn 15m3 gỗ trên sông Côn.
Năm tháng đầu năm 2008, sau khi thành lập đội liên ngành, riêng trên địa bàn huyện Đại Lộc bắt được gần 170 vụ, tạm giữ gần 1000m3 gỗ lậu (cả năm 2007 chỉ tạm giữ 374m3). Do lâm tặc vận chuyển gỗ tấp nập, ngang nhiên trên cả đường bộ, đường sông, công an huyện Phước Sơn có sáng kiến tham mưu với chính quyền cho giăng lưới sắt qua sông Trường, để đón bắt gỗ lậu rất hiệu quả !
Qua tìm hiểu, được biết, cả tỉnh Quảng Nam hiện nay có gần 170 xưởng cưa. Huyện Đại Lộc có 56 xưởng cưa, riêng ở thôn Hoà Hữu, xã Đại Hồng nằm ven sông Vu Gia, nơi bờ sông có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng, huyện phải di dời dân ở đây đi nơi khác, nhưng hiện nay chính quyền đã cấp phép cho tám xưởng cưa hoạt động nằm dọc bờ sông, với chiều dài không đầy 500 mét.
Theo ông Phan Thạch, cán bộ phụ trách bộ phận quản lý bảo vệ rừng huyện Đại Lộc, cho biết: “Chính những xưởng cưa này là những bến tập kết gỗ lậu trá hình của lâm tặc, cưa xẻ, vận chuyển cung cấp cho các “đầu nậu” gỗ đang giấu mặt! Đó là chưa kể 25 xưởng cưa của huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng, trong đó riêng xã Hoà Khương, nằm giáp ranh với huyện Đại Lộc đã có 18 xưởng cưa! Hầu hết các xưởng cưa này được cấp phép để… cưa “gỗ vườn”.
Do chính quyền buông lỏng quản lý thời gian dài, đã vô tình tạo thành một “ nghề ” phá rừng trong một bộ phận nhân dân ở vùng cao và biến họ trở thành “ lâm tặc” tích cực làm thuê, tiếp tay cho các “đầu nậu” phá rừng. Bây giờ bị lực lượng liên ngành truy quét, đẩy đuổi, ảnh hưởng đến cuộc sống, nên họ chống đối lại. Chính quyền cấp xã, thôn “ ngủ quên ” chưa vào cuộc, vì sợ lâm tặc trả thù!