ThienNhien.Net – Cái nghịch cảnh: Cán bộ, người giàu nhận đất rừng để “phát canh thu tô” còn dân nghèo trở thành “tá điền” đã tồn tại ở Cà Mau từ nhiều năm nay. Những người dân nghèo, hoặc vẫn không đất lang thang dưới tán rừng, hoặc phải chịu đủ thứ quy định vô lý bất thành văn do các “quan nhà” đề ra.
Kỳ 1: Người dân không “mặn” với rừng
Kỳ 3: Bức tử rừng phòng hộ xung yếu
10 năm bám đất thành con nợ
Khu rừng đước kinh Mỏ Mẽ, thuộc Tiểu khu 080, BQLR Đất Mũi (xã Viên An, huyện Ngọc Hiển) đã bị khai thác trắng. Mặt đất phủ lớp lá vàng úa, màu xanh của đước chỉ là vài mầm non mới nhú lên khỏi mặt đất. Bờ vuông tôm tan hoang, tôm cua theo nước ra kinh rạch. Gần 20 hộ dân nhận khoán đất rừng, gồng lưng đóng thuế khoán, cố nán lại trong những túp lều cũ nát, chắp vá.
Gần 20 hộ dân nhận khoán đất rừng, gồng lưng đóng thuế khoán, cố nán lại trong những túp lều cũ nát, chắp vá. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) |
Trong một căn nhà lá rách nát, bà Huỳnh Thị Ngọc, 57 tuổi, nét mặt xanh xao, giọng yếu ớt kể: Gia đình bà từ huyện Đầm Dơi với 7 đứa con đến đây nhận khoán 3,7 ha đất rừng. Hơn 10 năm trời bám đất, giữ rừng xanh tốt, sắp đến ngày thu hoạch thì BQLR Đất Mũi cho người vô khai thác, dồn cây về bãi rồi bán, trừ chi phí và chia cho gia đình bà 4.482.500 đồng.
Số tiền đó không đủ trả thuế khoán nên còn mắc nợ trên 11 triệu đồng. Hơn 10 năm thuê đất, với kết cục như vậy và bây giờ gia đình bà bị đuổi khỏi rừng. Bà khóc: “Chúng tôi biết đi đâu, sống chết thế nào?”. Bà Huỳnh Thị Ngọc vừa trải qua ca phẫu thuật cắt khối u, không có tiền để tái khám đúng lời dặn thầy thuốc.
BQLR Đất Mũi tự đặt ra “thuế khoán” 3.460.000 đồng/ha, rồi giảm dần xuống 1,6 triệu đồng, 1,2 triệu đồng/năm cho những người nhận khoán. Ông Nguyễn Minh Tuấn, 57 tuổi, thương binh 2/4, nhận khoán 14 ha, phải đóng thuế khoán 16,3 ha. Năn nỉ mãi, BQLR Đất Mũi mới đo lại và phải trả hơn 23 triệu đồng cho ông.
Ông Trần Phú Hữu, 45 tuổi, đảng viên, công an ấp So Đũa, xã Viên An (Ngọc Hiển) chỉ nhận khoán 6,8 ha mà phải nộp thuế 8,7 ha. Ông Nguyễn Minh Tuấn nói: “BQLR Đất Mũi trước khi chia cho dân không công bằng, đã ăn cắp cây rừng. Chúng tôi là chủ rừng, còn BQLR Đất Mũi cho thuê đất. Bà con nhận khoán đất rừng phải đóng thuế khoán nuôi cán bộ lâm nghiệp. Hết thời hạn, chúng tôi bị đuổi đi là không nhân nghĩa ở đời”.
Nhiều người dân, như chị Nguyễn Thị Bảy – người dân địa phương nhận khoán đất rừng, được Sở NN-PTNT Cà Mau tặng giấy khen “Hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển đất rừng” cũng bị thanh lý hợp đồng, thu hồi đất rừng.
Chị Tô Thị Chiêm, 50 tuổi, đảng viên ở Phú Hưng (Cái Nước) đến nhận lại hợp đồng giao khoán đất rừng của BQLR từ ông Bùi Văn Kiệu với 7 ha đất rừng vào năm 2002. Chị Chiêm bức xúc: “Lúc đầu, BQLR rừng Đất Mũi ngọt ngào nói nếu đóng đủ nợ thuế khoán của ông Kiệu thì cho làm dài dài. Tôi chạy tiền nộp vô 68 triệu đồng thay ông Bùi Văn Kiệu. Mới nuôi tôm được hơn 1 năm thì bị đuổi ra khỏi rừng”.
Chị cho biết thêm: Đêm trước, chị xổ tôm sú được 3,6 triệu đồng thì đêm hôm sau 23/4/2004 âm lịch cán bộ BQLR, công an, … đến tranh xổ tôm để ăn nhậu suốt đêm, hôm sau canh giữ cho người khai thác rừng.
Sở NN-PTNT Cà Mau thống kê 13 LNT, 5 BQLR thì có 28.631 ha rừng quốc doanh, 92 tập thể nhận khoán 4.871 ha, 107 người giàu nhận 6.551 ha rừng để cho thuê lại hưởng lợi. Đến nay, các đơn vị quản lý đã thu hồi được 2.472 ha đất của 19 đơn vị, 18 cá nhân nhận khoán đất rừng để cho thuê. Tổng số hộ dân sống trên lâm phần là 22.779 hộ, trong đó mới có 15.696 hộ nhận khoán đất rừng.
Tỉnh Cà Mau có 242.900 hộ, 40.039 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 16,48%. Trong đó, các huyện có diện tích rừng lớn thì tỷ lệ hộ nghèo rất cao như U Minh 25,22%, Phú Tân 21%, Ngọc Hiển 15,2%… |
BQLR Đất Mũi buộc những hộ dân phải di dời ra khỏi rừng hạn chót là ngày 15/10/2005, nếu không sẽ thuê người dỡ nhà, phải trả chi phí. Vì bị thu hồi đất, phá vuông tôm, không kiếm sống được nên nạn trộm cắp, khai thác thủy sản, chặt phá cây rừng… lại nóng lên tại khu vực tôm – rừng BQLR Đất Mũi.
Ngày 15/12/2005, Đội sản xuất của BQLR Đất Mũi phát hiện Nguyễn Văn Đến (con bà Huỳnh Thị Ngọc, một người dân bị thu hồi đất) 34 tuổi, giăng lưới bị đánh bể đầu. Ngay hôm sau, có khoảng 30 người dân tràn vô trụ sở Đội sản xuất đập phá tài sản, bắt ông Huỳnh Thanh Phương là cán bộ BQLR. Khoảng 17 giờ ngày 16/12/2005, công an địa phương mới giải nguy cho Huỳnh Thanh Phương.
Đất rừng rơi vào tay cán bộ, người giàu
Trước đây, Lâm Ngư Trường (LNT) Sào Lưới (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) có 16 cơ quan đơn vị nhận 664 ha đất rừng để giao khoán cho dân nghèo, hưởng chênh lệch. LNT Sào Lưới thanh lý hợp đồng được 8 đơn vị với gần 300 ha.
Ông Đoàn Tấn Tài, Giám đốc LNT Sào Lưới cho biết: “Hiện còn kẹt lại 8 đơn vị lực lượng vũ trang của Quân khu 9, Tỉnh đội Cà Mau, Huyện đội Cái Nước và Công an huyện với diện tích 312 ha, đã khoán cho 99 hộ dân”
Toàn bộ diện tích đất rừng vừa thu hồi đã được LNT Sào Lưới giao cấp cho ai? Xã Nguyễn Việt Khai (Phú Tân) có hơn 3.000 hộ dân thì có đến 400 hộ không đất, 304 hộ nghèo gay gắt.
Ông Nguyễn Trưởng – Bí thư Đảng ủy Nguyễn Việt Khái, bức xúc: “Bà con nhiều lần đặt vấn đề LNT Sào Lưới giao đất rừng không đúng đối tượng nghèo mà giao cho cán bộ, người giàu”.
Giám đốc LNT Sào Lưới giải thích chỉ giao cho đối tượng cũ và sắp xếp lại. Cho đến thời điểm hiện nay, ở xã Nguyễn Việt Khái chưa có hộ nghèo, hộ không đất nào được nhận khoán đất rừng. Tôi đảm bảo chắc chắn điều đó!”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh đốn cây rừng thuê cho Lâm ngư trừờng. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) |
Ông Trương Công Định – Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Nguyễn Việt Khái nói: “Ông Đoàn Tấn Tài yên vị ghế Giám đốc LNT Sào Lưới 21 năm, dù có nhiều sai phạm, bị tố cáo tiêu cực. Bởi lẽ, ông đã lo các ông lãnh đạo huyện ủy các thời kỳ bằng việc cấp đất, bán kiếm lời hàng chục cây vàng. Tôi nói rõ cho từng cán bộ nhận đất của LNT Sào Lưới, chịu trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thanh tra, kiểm tra. Cán bộ thanh tra Sở NN-PTNT Cà Mau đến thanh tra đơn thư phản ảnh người dân là xáng của ông Đoàn Tấn Tài đào phá đất rừng, đào kinh xáng làm chết hơn 20 ha rừng phòng hộ xung yếu. Cán bộ Thanh tra ngồi trên vỏ lãi của LNT Sào Lưới thì không ai dám nói, chết liền!”.
Anh Nguyễn Văn Xuân, quê ở Bắc Giang, giữ vuông khoảng 7 ha, thuộc lâm phần LNT Sào Lưới, cho biết: “Đất này chúng tôi sang lại của cán bộ vào giữa năm 2004 khoảng 30 cây vàng. Ở khu vực đất rừng của Huyện ủy Cái Nước giao trả cho LNT Sào Lưới thì ông Nguyễn Trung Liệt – cán bộ Huyện ủy Cái Nước nhận 8,5 ha, ông Châu Nam Trung – Nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Cái Nước, nay là Giám đốc Trường chính trị tỉnh, nhận 8 ha… Anh em ông Đoàn Tấn Tài cũng được nhận 40 ha”.
Những hộ giàu có như bà Lê Kim Ngân, ông Trần Văn Út (Út Tiệm), ông Năm Trùm Sò, ông La Văn Thống chủ vựa gạo ở thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân) đều được nhận đất rừng.
Ông Tô Văn Phúc – em vợ ông Đoàn Tấn Tài nhận khoán diện tích đất rừng rồi sang lại cho người khác để lấy 160 triệu đồng. Khi thu hồi đất của các đơn vị tự túc giao trả, Giám đốc LNT Sào Lưới cho thuê khoán dài hạn để lấy tiền.
Ở rừng có luật rừng
Người dân nhận khoán đất rừng phải chấp nhận qui định không thành văn bản nhưng có hiệu lực hơn cả luật. Các con, rể của ông Đoàn Tấn Tài chuyên đào đất rừng cho người dân nuôi tôm.
Cha làm Giám đốc LNT Sào Lưới có diện tích gần 5.000 ha thì các con ông tha hồ đào thuê, suốt năm không hết việc mặc dù giá lên tới 400.000 đồng/công, trong khi người dân kêu xáng bên ngoài vào đào chỉ có 180.000 đồng/công nhưng lại không được.
Thật ra, không có qui định cấm nhưng cải tạo vuông tôm phải xin phép, đóng góp các loại quĩ và phiền phức khiến người dân phát chán. Người dân nhận đất rừng phải nghiến răng chịu, không dám kêu. Gần đây, có anh Đào Văn Thẩm ham làm ăn, thuê xáng đào đất, bị cán bộ LNT Sào Lưới o ép đến phá sản phải bán phương tiện trả nợ.
Cùng với những hộ dân nhận khoán đất rừng thì còn hàng chục ngàn hộ dân sống du mục, long đong, tương lai bất định.