Báo động ô nhiễm môi trường

Trong hội thảo về vệ sinh môi trường do Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì ngày 06/06, theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường ban hành từ năm 2005, nhưng công tác vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều bất cập.

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, hiện nay tốc độ đô thị hoá và công nghiệp hoá tăng quá nhanh, nhưng hạ tầng không đáp ứng kịp. Do đó, cơ sở hạ tầng đang bị quá tải. Nước thải và các chất thải chưa được thu gom và xử lý từ các đô thị, khu công nghiệp, trên 3.000 làng nghề trong cả nước, các cơ sở chế biến nông – hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu dân cư… đều thải trực tiếp ra hồ ao, ruộng đồng, sông ngòi.

Theo số liệu của ông Nguyễn Tôn – Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam – hiện nay chỉ tính riêng nước thải mỗi ngày, Hà Nội thải ra 600.000m3, con số này ở TP.HCM là 1,2 triệu mét khối. Lượng nước thải trên hầu như chưa được xử lý và trực tiếp xả ra các hệ thống sông hồ. Tại các khu công nghiệp, hàng ngày khối lượng chất thải rắn lên tới trên 20.000 tấn, nhưng khối lượng thu gom được và đưa ra các bãi chứa chỉ khoảng 60%. Tại các địa phương, mới có 12/64, tỉnh thành có bãi chôn rác hợp vệ sinh. Điều này gây nên tình trạng ô nhiễm hết sức nghiêm trọng.

Nhìn thẳng vào vấn đề, Thứ trưởng Trần Ngọc Chính cho rằng, sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa bộ ngành với địa phương, giữa nông thôn với đô thị không có sự gắn kết, pháp chế thiếu hiệu lực. Theo thứ trưởng, lâu nay chúng ta đã xử lý vấn đề ô nhiễm và vệ sinh môi trường một cách cục bộ theo địa bàn hành chính. Trong một lưu vực sông có nhiều tỉnh và TP, nhưng việc quản lý vệ sinh môi trường trên toàn lưu vực sông chưa được thực hiện.

Ông Nguyễn Tôn còn cho rằng, nguyên nhân khiến vấn đề xử lý chưa được quan tâm là do tầm nhìn của chúng ta còn hạn chế từ việc quy hoạch cơ sở hạ tầng đến việc mở rộng diện bao phủ của dịch vụ. Bên cạnh đó việc quản lý chưa thống nhất, thể chế chưa rõ ràng, việc đầu tư phát triển các công trình vệ sinh môi trường còn thiếu đồng bộ. Ngoài ra việc vệ sinh môi trường và ý thức người dân còn yếu.

Ông Tôn cũng nhấn mạnh đến năng lực tài chính còn yếu kém, chưa rõ ràng và thiếu cơ sở pháp lý. Phí thu theo quy định quá thấp, trong khi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường chưa đủ điều kiện tự chủ về tài chính. Trong khi đó, những năm qua, nguồn vốn đầu tư cho vệ sinh môi trường chủ yếu là từ vốn ODA. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư xây dựng cũng như dành cho cải tạo các công trình còn bị hạn chế.

Riêng chiến lược quản lý chất rắn đã được đề ra, vốn đầu tư cần 3 tỉ USD, nhưng câu hỏi huy động nguồn vốn này từ đâu thì vẫn chưa có câu trả lời. Vấn đề an toàn vệ sinh môi trường sẽ rất khó được cải thiện nếu không có sự quan tâm đúng mức từ T.Ư tới địa phương, đặc biệt là sự phối hợp của các bộ ngành liên quan.