Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, môi trường nước ta đang phải đối mặt với nhiều vấn đề “nóng” về suy thoái đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, phá rừng và suy giảm đa dạng sinh học, trong đó vấn đề ô nhiễm do chất thải ngày càng nổi cộm. Tại một số địa phương đã xuất hiện những điểm nóng, nơi ô nhiễm môi trường do chất thải đến mức báo động, gây nguy hiểm đến sức khỏe và đời sống của nhân dân.
Chú trọng giảm lượng chất thải
Hoạt động giảm lượng chất thải, tái sử dụng và tái chế chất thải ở nước ta mới được thực hiện ở quy mô nhỏ. Việc giảm thiểu chất thải trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng hầu như chưa được chú trọng. Việc phân loại rác thải tại nguồn ở nước ta chưa phổ biến và chỉ dừng lại ở các dự án thí điểm đối với rác thải sinh hoạt ở các thành phố lớn. Hiệu quả thực hiện chưa cao và kết quả là người dân vẫn chưa có thói quen để riêng chất thải hữu cơ, chất thải vô cơ trước khi đem đi đổ. Chính vì vậy mà hoạt động này đang gặp một số thách thức lớn như sức ép ngày càng tăng từ khối lượng, thành phần, chủng loại và tính độc hại của chất thải. Cơ sở hạ tầng, công nghệ về xử lý chất thải và áp dụng giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế còn yếu kém.
Nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng về giảm thiểu tái sử dụng và tái chế chất thải chưa cao. Để phát triển hoạt động này một cách tương xứng với tiềm năng của cả nước nhất thiết phải có chủ trương, chính sách lớn, đồng bộ của Nhà nước. Cùng với tiến trình đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã quyết tâm đưa đất nước ta theo con đường phát triển bền vững. Điều đó đã được thể hiện với các chủ trương chính sách lớn về bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2005 ra đời đã đưa ra những quy định về quản lý chất thải, về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, những quy định khung về ưu đãi, khuyến khích cho hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế. Cùng với Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến 2010 và định hướng đến 2020, sẽ tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác bảo vệ môi trường nói chung, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải nói riêng trong những năm tới.
Coi chất thải là một nguồn tài nguyên
Giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải để đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển bền vững là nhiệm vụ của toàn xã hội, của các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể, các cộng đồng dân cư và của mọi người dân. Bởi vì mọi thành viên, cá nhân cũng như tổ chức của xã hội đều là chủ phát sinh chất thải dưới hình thức này hay hình thức khác. Cần huy động tối đa sự tham gia của mọi người trong toàn bộ hoặc một công đoạn của quá trình, coi chất thải là một nguồn tài nguyên có giá trị.
Hiện nay, ở nước ta một phần chất thải đang là nguồn nguyên liệu cho các cơ sở, làng nghề tái chế, các nhà máy chế biến phân hữu cơ. Việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài để sử dụng trong sản xuất cũng là một hoạt động phổ biến. Nguồn phế liệu này đã thay thế một phần tài nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đặt ra mục tiêu khối lượng chất thải rắn cần phải chôn lấp, tiêu hủy giảm so với tổng khối lượng thu gom với tỷ lệ tái sử dụng, tái chế đạt 60%; khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường; chất thải rắn được phân loại tại nguồn và được thu gom trong đó lượng chất thải sinh hoạt hữu cơ được tái chế thành phân compost; hướng tới dân số đô thị dùng năng lượng sạch trong sinh hoạt và sử dụng phương tiện giao thông công cộng, phấn đấu nâng tỷ lệ cắt giảm lượng khí nhà kính phát sinh…
Những nguy cơ thảm họa do môi trường gây ra sẽ ảnh hưởng tới cơ hội phát triển của con người cả về kinh tế và xã hội. Bởi vậy, một trong những định hướng chiến lược đến năm 2020 là hình thành xã hội tái chế phát triển, trong đó giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải được sử dụng như một công cụ hữu hiệu để ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.