Theo nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản xuất lúa năm 2008 có triển vọng tốt ở hầu hết các nước sản xuất lúa chính, cùng với các xu hướng thay đổi tiêu dùng lương thực sẽ giúp tăng cung giải quyết tình trạng khan hiếm cung gạo trong nửa cuối năm nay.
Sản xuất, cung ứng lúa gạo thế giới
Bangladesh, Trung Quốc, Phillippines, Thái Lan và Việt Nam có thể sẽ là những nước có mức tăng sản lượng gạo nhiều nhất. Các nước khác như Indonesia và Sri Lanka, mặc dù phải đối mặt với một số bất lợi về thời tiết, nhiều triển vọng sản lượng gạo sẽ tăng trong năm nay. Ngay cả ở Úc, quốc gia đã và đang đối mặt với hạn hán gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa gạo trong suốt 6 năm gần đây, trong tháng 4 này, nhờ có mưa trên diện rộng ở Úc và NewZealand, sản lượng lúa gạo của Úc vụ này dự kiến sẽ đạt kết quả tốt hơn mong đợi.
Tại châu Phi, nếu lượng mưa ổn định trong những tháng tới, sản lượng gạo năm 2008 của châu lục này sẽ đạt khoảng 23,2 triệu tấn, tăng khoảng 3,6% so với năm trước. Nhiều nước sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới đều đưa ra các kế hoạch và chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa, tăng sản lượng gạo trong năm nay và sắp tới.
Năm 2008, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Ai Cập, Hoa Kỳ vẫn là 7 nước được dự báo vẫn đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, với tổng khối lượng gạo xuất khẩu dự kiến đạt 23,7 triệu tấn, chiếm 82% thị phần của thế giới. Trong đó Thái Lan dự kiến tăng lượng gạo xuất khẩu lên từ 500.000 tấn-1 triệu tấn và đạt mức 9,5 triệu tấn, Hoa Kỳ và Pakistan ổn định ở mức 3,5 và 2,9 triệu tấn tương ứng. 4 nước gồm Trung Quốc, Việt Nam, Ai Cập, Ấn Độ sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu trong năm nay.
So với năm 2007, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến giảm từ 500.000 tấn- 1 triệu tấn, Ai Cập giảm 400.000 tấn, Ấn Độ giảm 500.000 tấn, Trung Quốc giảm 340.000 tấn, kèm theo đó là một loạt các chính sách hạn chế xuất khẩu gạo được áp dụng như áp dụng giá xuất khẩu tối thiểu, áp dụng thuế xuất khẩu gạo, hạn ngạch. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khả năng làm giảm thương mại lúa gạo của thế giới trong năm nay.
Các xu hướng thay đổi trong tiêu dùng lương thực trên thế giới
Bangladesh
Khoai tây đang được khuyến khích tiêu dùng như 1 nguồn cung cấp chất bột chính, thay thế gạo và bột mỳ, trong thực đơn của 140 triệu người dân Bangladesh. Đây là khuyến nghị của Chính phủ Bangladesh trước bối cảnh giá gạo và giá lúa mỳ thế giới tăng mạnh trong thời gian gần đây, và vụ thu hoạch khoai tây bội thu ở nước này, và do khoai tây có khả năng cạnh tranh về mặt kinh tế so với lúa mỳ trong việc phát triển sản xuất lớn với chi phí thấp.
Trung Quốc
Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc tăng mạnh: Nhu cầu gạo thơm từ Trung Quốc cũng tăng lên để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, nhất là đối với gạo Hương nhài và các loại gạo chất lượng cao khác.
Theo dự báo của USDA, dự báo nhu cầu tiêu dùng gạo của Trung Quốc là 127 triệu tấn. Với tổng dân số 1,3 tỷ dân, và giả thiết mức tiêu dùng gạo bình quân đầu người của Trung Quốc năm 2008 là 105 kg/người/năm (bằng so với mức năm 2005), thì tổng nhu cầu gạo cho lương thực trong nước của Trung Quốc năm 2008 lên tới 36 triệu tấn. Vì vậy, Trung Quốc nhập khẩu để cân đối thiếu hụt và bổ sung dự trữ.
Hoa Kỳ
Trong một thập kỷ trở lại đây (1997-2007), gạo thơm được tiêu thụ đặc biệt mạnh tại Mỹ, trong khi tiêu thụ gạo nói chung tại thị trường này chỉ tăng khoảng 2%/năm. Trong giai đoạn từ 1997-2007, nhập khẩu gạo thơm Thái Lan vào thị trường Hoa Kỳ tăng 78%, đạt mức 394.000 tấn vào năm 2007. Trong khi đó, nhập khẩu gạo thơm Ấn Độ cùng kỳ tăng 112%, đạt mức 71.000 tấn vào năm 2007.
Thống kê cho thấy, hai loại gạo thơm này rất ít được tiêu thụ tại hai quốc gia sản xuất ra nó, Thái Lan và Ấn Độ, mà chủ yếu được xuất khẩu sang Anh, Trung Đông, Hồng Kông, Canada, Mỹ và Singapore. Gạo thơm Ấn Độ và Thái Lan có mùi thơm rất khác biệt và giống gạo này nếu được trồng ở những quốc gia khác, sẽ không có được mùi thơm đặc trưng này. Do đó, hai loại gạo này thường có giá cao hơn nhiều so với các loại gạo thông thường khác.
Châu Phi
Trước kia Châu Phi là nơi tiêu thụ gạo chất lượng thấp thì giờ đây, nhiều khách hàng châu Phi đã chuyển sang tìm mua gạo trắng chất lượng cao như gạo đồ Thái Lan, do Ấn Độ vẫn hạn chế xuất khẩu gạo phi – basmati.
Giá gạo tăng cao đã làm người dân Châu Phi hạn chế tiêu dùng gạo và chuyển sang tiêu dùng các loại thực phẩm khác.
Malaysia
Malaysia mới đây đã phải mua khẩn cấp 500.000 tấn gạo từ Thái Lan để bổ sung cho kho dự trữ đang cạn dần. Malaysia hiện chỉ sản xuất được 70% nhu cầu gạo trong nước và phải nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam và Campuchia để đáp ứng 30% còn lại. Mức tiêu thụ gạo của Malaysia ước khoảng 2,2 triệu tấn mỗi năm.
Brazil
Tiêu dùng gạo đồ tăng, đặc biệt là ở các vùng dân cư có thu nhập cao, giàu có. Năm 2007, tiêu dùng gạo đồ chiếm tới 20% tổng tiêu dùng gạo của Brazil (so với 7-10% năm 1997). Tiêu dùng gạo trắng đã qua chế biến bình quân đầu người có xu hướng giảm do mức thu nhập dân cư tăng.
Nhật Bản
Tiêu dùng gạo bình quân đầu người của Nhật Bản ngày càng giảm. Trong vòng 40 năm (1965-2006), tiêu dùng gạo bình quân đầu người của Nhật giảm gần một nửa: từ 118kg xuống còn 61kg/người/năm. Lương thực thay thế gạo ở Nhật Bản là bánh mỳ và các lương thực chế biến từ bột mỳ.
Hàn Quốc
Bên cạnh lúa gạo là lương thực chính, người dân Hàn Quốc còn sử dụng các loại ngũ cốc, lương thực khác cho bữa ăn hằng ngày như lúa mạch, bột mỳ, đậu, khoai tây…). Trong giai đoạn 2005-2007, tiêu dùng lương thực bình quân đầu người đều có xu hướng giảm, không chỉ riêng đối với gạo, mà đối với các loại khác như lúa mỳ, lúa mạch, đậu, khoai tây… Tiêu dùng gạo bình quân đầu người của Hàn Quốc năm 2007 chỉ còn ở mức 76,9 kg/người/năm (giảm 25% so với mức tiêu dùng bình quân 102,4 kg/người/năm vào năm 1997).
Những yếu tố tác động đến giá gạo thế giới nửa đầu năm 2008
Thứ nhất, thông tin về cung-cầu- dự trữ lúa gạo thế giới thiếu và chệch, việc giá gạo thế giới tăng mạnh, gây tâm lý hoảng loạn và lo sợ về 1 cuộc khủng hoảng thiếu lương thực trên thế giới. Đặc biệt là không ai biết thông tin chính xác về cung-cầu và dự trữ lúa gạo của Trung Quốc, nước sản xuất, tiêu thụ và dự trữ lương thực nhiều nhất trên thế giới hiện nay.
Thứ hai, hiện tượng đầu cơ, tích trữ gạo trên thị trường gạo kỳ hạn Chicago và Bangkok tăng mạnh. Sản xuất ethanol đang mở rộng trên thế giới, các nhà đầu tư tài chính đang đầu cơ một số loại ngũ cốc, những người được đánh giá là có rất ít hiểu biết về các mặt hàng lương thực này, làm đẩy giá các mặt hàng đầu cơ tăng và gián tiếp làm tăng giá gạo.
Thứ ba, trong tháng 4 và 5, một loạt các nước xuất khẩu gạo: Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc quyết định ngừng xuất khẩu gạo, làm giảm mạnh nguồn cung. Đầu tiên là việc Ấn Độ đột ngột đưa ra chính sách cấm xuất khẩu gạo, đã nhanh chóng ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu khác và cùng đi đến quyết định tương tự. Trong bối cảnh đó, do tâm lý hoảng loạn và nhu cầu tích trữ gạo, các nước nhập khẩu gạo lại có xu hướng tìm mua gạo để đảm bảo nguồn cung ở mức giá nào. Kết quả là, về mặt lượng, thương mại gạo thế giới trong 4 tháng đầu năm 2008 cao hơn 20% so với cùng kỳ năm 2007. Tính đến cuối tháng 04/2008, giá gạo thế giới đã tăng gấp gần 3 lần so với đầu năm, trong khi lẽ ra các yếu tố cơ bản cung-cầu của thị trường chỉ có thể tác động làm giá tăng với mức độ thấp.
Thứ tư, việc đồng Bạt của Thái Lan liên tục giữ giá so với đồng USD đã tác động mạnh đến giá gạo trong các giao dịch quốc tế.
Thứ năm, việc các nước thu hẹp diện tích nông nghiệp, diện tích đất trồng lúa trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá (đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc) đe dọa nguồn cung lương thực thế giới
Thứ sáu, thời tiết khắc nghiệt và thiên tai ảnh hưởng đến nguồn cung gạo những tháng đầu của năm và sản xuất lúa gạo sắp
tới:
– Tháng 1 và 02/2008, tuyết rơi dày ở Trung Quốc, rét hại và nạn sâu bệnh ở Việt Nam đã làm giảm sản lượng lúa vụ đông xuân cũng được coi là các nguyên nhân khiến giá gạo tăng cao.
– Tháng 05/2008, thảm họa bão Nargis vào Myanmar đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế nước này, 5 bang chịu thiệt hại nặng nhất của cơn bão đều là vùng sản xuất lúa lớn, đóng góp trung bình 65% sản lượng gạo, và chiếm 50% diện tích lúa có tưới của Myanmar. Có tới 20% diện tích lúa mới canh tác vụ mới ở 5 bang này bị phá hủy sau cơn bão. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Myanmar, có khoảng 650,000 ha lúa ở đồng bằng và vùng ven thành phố Yangon, Myanmar chịu tác động của cơn bão trong tổng số diện tích lúa 3,2 triệu ha.
– Tháng 05/2008, trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã gây thiệt hại nặng nề. Theo ước tính của Air worldwide, thiệt hại về kinh tế khoảng 20 tỷ USD, làm hàng chục nghìn người thiệt mạng. Tứ Xuyên là tỉnh nông nghiệp lớn ở Trung Quốc với các vùng trồng lúa, lúa mỳ, ngô và chăn nuôi lợn. Tứ Xuyên là tỉnh đứng hàng thứ 5 về sản lượng gạo của Trung Quốc. Năm 2007, sản lượng lương thực Tứ Xuyên đạt 34.484 nghìn tấn.
Những dự báo giá gạo thế giới những tháng cuối năm 2008
Về mặt cung, năm 2007, sản lượng gạo thế giới đạt mức cao, và dự báo năm 2008 tiếp tục đạt kỷ lục cao hơn nữa. Về mặt cầu, người tiêu dùng gạo thế giới không có biểu hiện đột ngột tăng lượng gạo tiêu dùng cho lương thực. Dự trữ gạo thế giới (không tính của Trung Quốc), đạt ổn định trong 5 năm gần đây. Các yếu tố này không cho thấy sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực, cũng như việc giá gạo thế giới có thể bùng nổ trong dài hạn.
Từ các phân tích và dự báo cung-cầu-dự trữ lúa gạo thế giới, cũng như phân tích các chính sách sản xuất và thương mại lúa gạo của các nước năm 2008 cho thấy nhiều khả năng giá gạo thế giới sẽ chỉ đứng ở mức cao như hiện nay cho đến tháng 7-8. Giá gạo thế giới sẽ chững lại và giảm dần khi nguồn cung gạo các nước tăng sau vụ thu hoạch mới của các nước kết thúc, giá gạo có thể giảm từ 30-50% so với mức hiện nay. Tuy nhiên, nếu điều đó có xảy ra, giá gạo cũng khó có thể quay lại mức của năm 2007 khi những nhà sản xuất tiếp tục phải trả nhiều tiền hơn để mua phân bón, thuốc trừ sâu và năng lượng đang tăng giá.