Túi ni lông: Xài một, hại mười

Mỗi ngày ở Việt Nam có hàng triệu túi ni lông bị thải ra sau khi sử dụng. Chúng không tự phân hủy và gây hại cho môi trường. TS Nguyễn Trung Việt, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, đã có buổi trao đổi về vấn đề này.

Trong tổng số rác thải ra ở thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM), rác túi ni lông chiếm bao nhiêu phần trăm, thưa ông?

Ở TP. HCM hiện nay, túi ni lông chiếm 5%-7,5% trên tổng lượng rác thải ra hằng ngày, 100% trong số đó là túi ni lông không phân hủy sinh học. Theo tôi biết, cho đến nay chưa có công ty, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng loại túi ni lông tự phân hủy sinh học. Gần đây, có một số công ty tuyên truyền là đã sản xuất được túi ni lông phân hủy sinh học, nhưng thực tế chỉ là túi ni lông tự hủy.

Theo chúng tôi quan sát, sản phẩm túi ni lông tự hủy này chưa được sử dụng rộng rãi. Theo ông, có nên khuyến khích sử dụng loại túi này không?

Túi ni lông phân hủy sinh học là những chiếc túi mà sau khi vứt ra môi trường, dưới sự tác động của vi sinh vật, sẽ biến đổi thành CO2 và H2O. Còn loại túi tự hủy của các doanh nghiệp nói trên thì không làm được điều đó. Nguyên nhân là do những chiếc túi đó dùng một loại vật liệu cấu tạo từ các mạch dài polyme, trong đó đính những phân tử hữu cơ vào giữa để kết nối các đoạn với nhau. Dưới tác dụng của thời gian và ánh sáng ngoài môi trường, chỉ những đoạn phân tử hữu cơ là bị phân hủy sinh học. Từ đó, mảnh ni lông lớn bị vỡ vụn ra thành những mảnh nhỏ li ti. Những mảnh vụn này vẫn giữ nguyên tác hại đối với môi trường và có thể gây ngộ độc cho người và súc vật nếu vô tình ăn phải.

Làm như vậy còn nguy hiểm hơn cứ để nguyên cả túi vì sẽ gây khó khăn cho công tác thu gom. Ngoài ra, thực tế cho thấy, Thương xá Tax đã thử nghiệm sử dụng loại túi này nhưng mới nhập về để trong kho một thời gian thì chúng tự mủn ra, không thể dùng được nữa. Theo quan điểm của tôi, cái chúng ta cần là loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học chứ không phải loại túi tự hủy như thế. Vì vậy, không nên khuyến khích sử dụng rộng rãi loại túi này.

Ở các nước trên thế giới, người ta giải quyết vấn đề sử dụng túi ni lông không phân hủy sinh học như thế nào?

Khi túi ni lông mới được phát minh, người ta coi đây là một phát kiến vĩ đại vì nó là loại vật liệu không thấm nước, bền vững trong tự nhiên. Nhưng giờ đây, người ta nhận ra rằng chính đặc tính khó phân hủy trong tự nhiên đó lại khiến cho túi ni lông trở nên cực kỳ nguy hiểm đối với môi trường.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, dẫn đầu là các nước châu Âu: Đức, Hà Lan, Pháp…, đang thực hiện việc thay thế túi ni lông thông thường bằng cách dùng túi chế tạo từ tinh bột khoai tây hoặc giấy. Công nghệ này cũng đã được đem về VN thử nghiệm trong phòng thí nghiệm rồi. Kết quả thử nghiệm cho thấy loại túi này phân hủy rất tốt, sau thời gian 3 tháng là phân hủy hết. Tuy nhiên, giá của loại túi này khá đắt, khoảng 20-25 euro/kg, cao gấp khoảng 20 lần so với loại túi ni lông thông thường.

Ở nước ta, các cơ quan chức năng đã có biện pháp gì để giải quyết tình trạng sử dụng túi ni lông tràn lan?

Trước tình trạng sử dụng tràn lan và vứt bỏ túi ni lông bừa bãi như hiện nay, sắp tới sẽ có một số quy định, văn bản luật được ban hành để hạn chế. Đồng thời, trong chương trình vận động của Sở Tài nguyên – Môi trường TP. HCM sắp tới, một số siêu thị lớn ở TP cũng sẽ được kêu gọi tham gia vào việc giảm thiểu sử dụng túi ni lông. Tuy nhiên, về lâu dài thì “cuộc chiến” với túi ni lông ở Việt Nam có thể kéo dài 10, 15 năm hoặc lâu hơn nữa vì thay đổi hành vi, thói quen của người tiêu dùng không phải là việc dễ dàng. Vì thế, việc cần làm hiện nay là tuyên truyền, vận động người dân đừng sử dụng quá nhiều túi ni lông mà nên đem theo giỏ xách mỗi khi đi mua hàng.