Nhật Bản đang hối thúc người dân của họ tắm nhanh để giúp nước này cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng đang tăng mạnh cũng như cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, một báo cáo của chính phủ hôm 03/06 cho biết.
Các hộ gia đình ở Nhật Bản tiêu thụ ít năng lượng hơn ở Mỹ và Châu Âu nhưng mức tiêu thụ của các gia đình Nhật Bản đang tăng rất mạnh – tăng ở mức 44% trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2005. Đây là lý do lớn để cuốn sách trắng về môi trường của Nhật đã tập trung chủ yếu vào những biện pháp giúp người dân có thể tiết kiệm được năng lượng.
Các gia đình không chỉ nên rút ngắn bớt 1 phút trong thời gian tắm hàng ngày – một lời khuyến nghị thường được sử dụng ở Châu Âu – mà còn nên rút ngắn khoảng thời gian các thành viên trong gia đình chờ đợi đến lượt mình tắm.
Người dân Nhật thường có thói quen kỳ cọ bên ngoài bồn tắm trước khi vào ngâm mình trong nước ấm – nước này sẽ được các thành viên tiếp theo của gia đình sử dụng lại. Điều đó có nghĩa là nước sẽ phải được đun ấm lại nếu người tiếp theo lãng phí thời gian không vào tắm ngay.
Nước nóng sử dụng trong phòng tắm và bếp chiếm 39% nguồn năng lượng mà các gia đình ở Nhật tiêu thụ, một sự đối ngược hoàn toàn với các hộ gia đình Châu Âu, nơi năng lượng chủ yếu được sử dụng cho máy điều hoà và lò sưởi.
Nhật Bản là một trong những nước sử dụng năng lượng hiệu quả nhất thế giới. Tuy nhiên, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các công ty và các hộ gia đình ở nước này đã tăng lên liên tục trong những năm gần đây khiến chính phủ phải tìm cách tăng cường sự hiểu biết cũng như nhận thức của người dân về sự ấm lên của toàn cầu.
Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G8 sẽ diễn ra ở Nhật Bản vào đầu tháng 7 tới.