Ngày 04/06 tại Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, nhóm chuyên gia về Môi trường & Tài nguyên đã họp thảo luận và đóng góp ý kiến cho Dự án “Xây dựng trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý bùn Đa Phước”.
Dự án nói trên do Công ty thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư lên tới gần 550 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD), thực hiện từ tháng 06 – 12/2008. Ngay sau khi dự án hoàn thành, trạm sẽ được đưa vào vận hành thử nghiệm và hiệu chỉnh.
Trạm tiếp nhận, chế biến và xử lý bùn Đa Phước có tổng diện tích 40,02ha, thuộc địa phận xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Trạm có thể tiếp nhận, chế biến và xử lý bùn thải từ kênh, rạch, cống, rãnh khu vực TP.HCM với tổng công suất lên đến 3000m3/ngày đêm.
Theo ước tính của Ban quản lí (BQL)dự án Nâng cấp đô thị, BQL Vệ sinh môi trường TP.HCM và công ty thoát nước đô thị, lượng bùn từ 2008-2012 cần nạo vét tại 5 hệ thống kênh rạch chính của TP.HCM là 1572m3/ngày đêm.
Một đại diện đơn vị đầu tư cho biết, trạm xử lý bùn Đa Phước sẽ áp dụng công nghệ xử lý bùn hiện đại kết hợp giữa việc xây dựng quy trình vận hành hợp lý để xử lý bùn thải có hiệu quả.
Dự kiến, trạm tiếp nhận bùn kênh rạch bằng đường thuỷ từ các tàu, sà lan trọng tải 300-600 tấn; sau đó sẽ được chuyển lên xe tải đến ô chứa bùn. Bùn cống rãnh được tiếp nhận theo đường bộ, bằng xe tải 4 – 6 tấn/xe. Trạm có 6 ô chứa từng loại bùn riêng biệt: bùn nạo vét từ các hệ thống cống rãnh thoát nước, từ các kênh rạch bị ô nhiễm bởi hoạt động công nghiệp, bùn dưới kênh rạch nhận nước thải sinh hoạt, bùn cống rãnh…
Đặc biệt, bùn phải được phân loại bằng cảm quan để chứa vào các ô tương ứng. Lượng bùn sau xử lý sẽ được đóng bao vận chuyển đến cơ sở làm phân vi sinh.
Theo GS.TS Lê Minh Triết – Viện trưởng Viện Nước và Công nghệ môi trường thì Trạm Đa Phước là một trong những dự án được đánh giá cao bởi tầm quan trọng của nó đối với môi trường sống của con người.
Tuy nhiên, cần phải sớm tính toán đến phương án áp dụng CDM (cơ chế phát triển sạch) nhằm giảm phát thải từ bùn, kênh, rạch, cống, rãnh, thu metan từ bãi chôn lấp, ủ phân vi sinh; sử dụng nguồn năng lượng sạch để tiết kiệm năng lượng.
Dự án nói trên được đầu tư nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, tận thu và tái sử dụng các nguyên vật liệu, hạn chế và giảm thiểu các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường.