ThienNhien.Net – “Con tôm ôm cây đước” đã từng là hình tượng thân quen gắn với dải đất cuối cùng của Tổ quốc về mô hình sản xuất bền vững vùng rừng ngập mặn. Nhưng cái việc cố ý gán ghép ấy đã không tạo nên mối duyên tơ thực sự giữa tôm và rừng. Con tôm được chế biến xuất khẩu mang về ngoại tệ, được coi trọng như cô gái mỹ miều, quí phái, kiêu sa trong khi cây đước già xù xì, teo tóp như gã đàn ông bất lực, vô dụng. Rừng đước Cà Mau đang bị thu hẹp, nghèo kiệt. Chuyện bảo vệ rừng, chuyện nuôi tôm thành nỗi lo cháy lòng đối với người dân sống dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau.
Kỳ 1: Người dân không “mặn” với rừng
Rừng ngập mặn Cà Mau suy kiệt
Đất rừng ngập mặn Cà Mau hình thành từ trái cây mắm cắm xuống đất bãi ven biển, mọc thành rừng mắm. Cây đước tiếp bước tạo thành rừng xanh bạt ngàn, trùng điệp. Rừng biết đi, đất sinh đẻ là nét đặc trưng đất rừng ngập mặn Cà Mau.
Những ai đã từng biết rừng ngập mặn Cà Mau, nay có dịp trở lại đều nao lòng bởi diện tích rừng suy giảm đột ngột, bị chia cắt bởi vô số vuông tôm. Tổng diện tích lâm phần rừng ngập mặn Cà Mau còn khoảng 118.000 ha, 66.000 ha có rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Đầm Dơi, Phú Tân…
Chiếc xe Honda bon bon tên quốc lộ 1A (đoạn TP Cà Mau – Năm Căn, dài 54km). Đứng trên phà Đầm Cùng, vượt sông Bảy Háp, thuộc địa bàn các xã Hàm Rồng (huyện Năm Căn) thấy lưa thưa rừng mắm ven sông. Khu vực rừng xã Hàm Rồng, Đất Mới, thị trấn Năm Căn khoảng 21.700 ha đã chuyển sang sản xuất ngư – lâm kết hợp. Diện tích rừng già đã xoá hết dấu vết, chỉ còn sót lại cây đước non trên bờ, lưa thưa trong vuông tôm với độ che phủ 7,5%.
Anh Nguyễn Thanh Phương ở ấp Chống Mỹ, xã Hàm Rồng (Ngọc Hiển) cho biết: “Ba anh em trai tôi quê gốc xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau) đến đây gần 20 năm, đã có gia đình riêng, được cha mẹ chia cho 3,9 ha đất trồng rừng, nuôi tôm. Chủ trương nuôi tôm phải kết hợp với trồng rừng nhưng người dân cứ chú trọng đến nuôi tôm. Trồng rừng đước hơn 10 năm mới thu hoạch, chia chác với lâm ngư trường thì còn không đáng là bao”.
Chỉ có tôm mới nuôi sống được gia đình. Bà con cố sức nới rộng vuông tôm, chặt tỉa cây rừng, đào mương rộng ra. Từ đầu năm đến nay, tôm nuôi ở đây cũng chết dữ lắm, có gia đình đói. Tôm giống thả nuôi độ hơn 2 tháng mới bắt đầu chết, không biết bệnh gì. Chưa trừ tiền giống, công cải tạo vuông, mỗi tháng anh em Phương chia đều được 700 – 800 ngàn đồng nuôi vợ con.
Người dân lén đốn cây bán, đào vuông tôm rộng thêm. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) |
Ông Tạ Văn Cà, 78 tuổi, ở Xẻo Lá, Viên An Đông (Ngọc Hiển) phân trần: “Tôi là người cố cựu ở rừng đước, chứng kiến bao đổi thay của rừng. Người khôn của khó. Dân tại chỗ sinh con đẻ cái, dựng vợ gả chồng bám vào rừng mà sống. Rồi dân tứ xứ đến lập nghiệp ngày một đông. Rừng đước bị mất quá nhiều, không còn rừng già, chỉ có rừng non ven sông rạch. Nhìn bên ngoài xanh um vậy mà bên trong chỉ có vuông nuôi tôm.”
Con tôm không ưa rừng tốt
Cây rừng lên cao, khép tán che khuất ánh sáng, nước mất ô – xi nên y rằng tôm thất. Lá cây rụng cũng làm vuông tôm thất. Không ai đành lòng giữ rừng mà để vợ con nhịn đói. Người dân lén đốn cây bán, đào vuông tôm rộng thêm.
Kỹ sư Nguyễn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng rừng ngập Cà Mau cho biết: “Rừng đước trồng trong vuông tôm từ năm thứ 3 trở đi bắt đầu ảnh hưởng đến môi trường nuôi tôm. Khi rừng khép tán làm giảm lượng ánh sáng tới mặt nước, làm giảm các nguồn thức ăn tự nhiên trong vuông tôm. Rừng càng lớn, lượng vật rụng trong vuông càng nhiều, phân giải yếm khí làm ô nhiễm nguồn nước trong vuông tôm”.
Ông Nguyễn Văn Lắm ở xã Tân An (Ngọc Hiển): “Nuôi tôm là nghề bà cậu. Trời thương, trời cho. Ngày trước, lấy nước dưới sông rạch khi nước lớn. Đến con nước Rằm, Ba mươi thì xổ nước ra, bắt tôm”.
Nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm càng làm cho nguồn tôm giống tự nhiên cạn kiệt. Vả lại, tôm sú chế biến xuất khẩu mới có giá cao nên người nuôi tôm phải nuôi thả tôm sú giống.
Từ năm 1995 đến nay, tôm nuôi bị chết dài dài. Người nuôi tôm cứ phải thả tôm giống, xổ vuông không trúng, không có lời. Nuôi tôm theo tập quán có pha lẫn tâm linh nên người dân mua giống, thả nuôi phải chọn ngày tốt, cúng kiếng đủ thứ.
Cán bộ khuyến ngư cho rằng diện tích rừng suy giảm làm cho môi trường không thuận lợi cho con tôm phát triển bền vững. Nhưng người nuôi tôm thì cứ phải mở rộng lớn diện tích nuôi tôm.
Ở huyện Ngọc Hiển đã giao 14.400 hộ với khoảng 51.000 ha sản xuất lâm – ngư kết hợp. Qui mô sản xuất người dân nhận đất nhận rừng từ dưới 3 ha đến hơn 7 ha/hộ. Một diện tích rừng khá lớn ở huyện Ngọc Hiển, có 65 đơn vị nhận 2.350 ha “tự túc”.
Nhưng cơ quan, cán bộ không chịu cực, không có thời gian, kinh nghiệm nuôi tôm nên giao khoán cho dân nghèo để hưởng chênh lệch.
Dòng người di dân tự do luôn gây áp lực tài nguyên rừng rừng ngập mặn Cà Mau. Theo kỹ sư Đặng Trung Tấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Cà Mau: “Diện tích có rừng ở huyện Ngọc Hiển hơn 50.000 ha, chiếm 43,8% diện tích lâm phần, 80% rừng cấp tuổi nhỏ. Trữ lượng rừng khoảng 624.522 m3, giảm 10 lần so với trữ lượng rừng năm 1987. Rừng bị suy giảm về diện tích, chất lượng rừng nghèo, cơ cấu đơn điệu và bị chia cắt manh mún bởi vuông tôm làm hạn chế sự khôi phục, phát triển vốn rừng”.
Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Cà Mau tổng kết một số kết quả nghiên cứu về sản xuất lâm – ngư kết hợp bằng cách chặt bỏ tán lá mỗi năm một lần với tỷ lệ 30%, tạo điều kiện ánh sáng chiếu xuống vuông tôm đối với rừng trồng 4 tuổi và sau đó tiến hành tỉa thưa cây đước với cường độ 40% đem lại kết quả tăng năng suất tôm gấp 3 – 4 lần.
Thế nhưng việc tỉa thưa không phải người dân nào cũng tự giác áp dụng vì mất nhiều công sức, họ cũng nôn nóng nuôi tôm để lo cái ăn trước mắt. Toàn bộ 46.000 ha sản xuất lâm – ngư kết hợp bị phá vỡ tỷ lệ 30% – 70% diện tích tôm – rừng trong từng khuôn hộ.
Tách tôm ra khỏi rừng: nói dễ, làm khó
Mô hình sản xuất rừng – tôm dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau nảy sinh nhiều mâu thuẫn, bất cập. Giữ rừng thì mất mùa tôm. Rõ ràng con tôm, cây đước không thể chung sống trên cùng một diện tích vì hiệu quả kinh tế trước mắt.
“Con tôm ôm cây đước” không ngon canh ngọt cơm. Thực trạng dưới tán rừng ngập mặn Cà Mau là giữ rừng không được, nuôi tôm cũng không xong, đời sống người dân gặp khó khăn cần tháo gỡ. Tách tôm ra khỏi rừng để vừa giữ được tài nguyên rừng, vừa phát triển bền vững nghề nuôi tôm.
Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển – ông Trần Hoàng Chen rất tâm huyết với rừng, với nghề nuôi tôm. Ông cùng với lãnh đạo huyện Ngọc Hiển xây dựng nghị quyết bố trí lại sản xuất, đa dạng hoá cây trồng vật nuôi trên cùng một diện tích nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Các nhà khoa học, các doanh nghiệp, giới báo chí về Ngọc Hiển bàn bạc việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng đời sống người dân. Ông Trần Hoàng Chen nhìn nhận: “Ngọc Hiển là huyện giàu tiềm năng kinh tế, được thiên nhiên ưu đãi nguồn lợi thuỷ sản đa dạng, phong phú và tài nguyên rừng không phải nơi nào cũng có được. Kể từ sau sự cố tôm chết, kinh tế huyện Ngọc Hiển trì trệ, chậm phát triển”.
Hỏi chuyện trồng rừng, nuôi tôm dường như “gãi trúng chỗ ngứa” của ông Bí thư Huyện ủy Ngọc Hiển. Ông cho rằng kinh tế người dân chậm phát triển là do nền sản xuất thụ động, trông chờ vào sự ban phát của thiên nhiên. Việc tách tôm ra khỏi rừng phải có sự thống nhất từ quan điểm chỉ đạo đến người dân”.
Dựa vào đề án đổi mới tổ chức quản lý rừng và đất lâm nghiệp của UBND tỉnh Cà Mau, huyện Ngọc Hiển tìm ra hướng đi mới: “Tách tôm ra khỏi rừng”. Khi con tôm không còn chung sống được với cây đước trên diện tích rừng thì phải tách ra để cứu cả hai.
Đó là “cuộc đại phẫu thuật” đất rừng ngập mặn. Lâm ngư trường Tam Giang 3 dùng xáng đào kinh phân chia phần đất trồng rừng và nuôi tôm theo từng khuôn hộ cho gần 100 hộ dân.
Một phần diện tích đất rừng khai thác trắng cho bà con sản xuất chuyên nuôi tôm. Phần diện tích còn lại theo tỷ lệ qui định trồng lại rừng, bảo bệ nghiêm ngặt, trả lại môi trường tự nhiên cho cây rừng phát triển. Mô hình thí điểm tách tôm ra khỏi rừng ở Lâm ngư trường Tam Giang 3 gợi mở cách thức, hướng đi mới.
Phá rừng nuôi tôm đã trở thành chuyện phổ biến. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) |
Nhưng chuyện tách tôm ra khỏi rừng đang được bà con nhận đất nhận rừng ở Ngọc Hiển lo lắng. Bà con lấy đâu ra tiền đầu tư đào đắp để tách tôm ra khỏi rừng. Cái khó nữa là những người dân có diện tích nhỏ thì việc tách chừa diện tích trồng rừng theo qui định sẽ càng làm cho diện tích nuôi tôm bị thu hẹp, không đảm bảo cuộc sống.
Kỹ sư Đặng Trung Tấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Cà Mau nhận xét: “Việc tách tôm ra khỏi rừng có nhiều cái lợi. Phần diện tích nuôi tôm sẽ tạo điều kiện người dân phát triển sản xuất, không bị ảnh hưởng. Phần diện tích được tách ra để trồng rừng không bị bao ví, trả lại môi trường tự nhiên để khôi phục rừng”.
Cái khó là ý thức người dân, kinh phí đầu tư đào bờ bao chia tách tôm ra khỏi rừng. Những hộ dân có diện tích nhỏ không muốn tách tôm ra khỏi rừng vì diện tích nuôi tôm còn quá nhỏ. Đây là vấn đề cần khảo sát kỹ, tổ chức thực nghiệm và tổng kết khoa học”.
Tỷ lệ diện tích nuôi tôm – trồng rừng theo qui định không có trong thực tế trong phát triển mô hình lâm – ngư kết hợp dưới tán rừng ngập mặn. Việc tách tôm ra khỏi rừng thì ranh giới nuôi tôm – trồng rừng phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân, mức sống người dân. Không ai có thể thay thế người dân sống dưới tán rừng ngập mặn giữ gìn ranh giới tôm – rừng khi tách tôm ra khỏi rừng.