ThienNhien.Net – Cán bộ đâu có thời gian lội rừng, dầm mưa, ngủ muỗi. Cán bộ giao khoán đất rừng cho dân như tầng lớp địa chủ mới, còn những người dân nghèo không đất thành tá điền thời nay. Cũng vì lợi ích từ giao khoán đất rừng để nuôi tôm, các ông “đại điền chủ” đã bức tử hàng ngàn héc-ta rừng phòng hộ để mở rộng điện tích giao khoán “thu tô”.
Người dân không “mặn” với rừng (Kỳ 1)
Xung đột rừng – tôm (Kỳ 2)
Rừng phòng hộ xung yếu chết đứng
Một dải rừng phòng hộ xung yếu biển Tây từ kinh Ủy Ban đến Vàm Khai Long và từ rạch Cái Đôi Nhỏ đến rạch Sào Lưới Lớn trụi lá, khô cây, chết đứng giữa trời. Đây là rừng mắm phát triển tự nhiên của Tiểu khu 085, 087 – Lâm ngư trường Sào Lưới (Phú Tân, Cà Mau) có diện tích 23,7 ha.
Lội sâu vào rừng chết, những trũng “nước treo” làm cây mắm biển chết trắng. Rừng mắm ven biển từ đê Phòng Hộ ra bờ biển Tây, chiều ngang khoảng 70 – 150 m.
Những trũng “nước treo” làm cây mắm biển chết trắng. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) |
Năm 2001, Lâm ngư trường Sào Lưới đào đất rừng để đắp đê phòng hộ, giao khoán cho người dân nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu. Ông Đoàn Tấn Tài, giám đốc Lâm ngư trường Sào Lưới cho biết: “Đắp đê phòng hộ và khép kín các con đập để hạn chế trịnh (phù sa, xác cây lá mục) theo nước thuỷ triều từ biển tràn vào để bảo vệ sản xuất cho hơn 3.000 ha của 1.184 hộ dân nuôi tôm”.
Nhưng 3 năm sau, quá trình bồi lắng rất nhanh, rừng mắm tái sinh trên các vàm kinh cũng bị bồi lắng. Bà con nhận khoán đất rừng sản xuất phía trong đê phòng hộ cho biết: “Rừng mắm rụng lá rồi chết từ từ. Cán bộ tiểu khu, Lâm ngư trường Sào Lưới, Hạt kiểm lâm Phú Tân cũng thấy rừng rụng lá, chết đứng nhưng không làm gì cả. Từ đê phòng hộ trở ra phía bờ biển, rừng chết vô giữa ruột rừng”.
Phía giáp biển thì rừng mắm vẫn còn xanh tốt. Nếu sình bùn ngập rễ thở, cây mắm biển sẽ chết ngộp. Khi phát hiện một dải rừng mắm trụi lá, chết hàng loạt, ông Đoàn Tấn Tài biện hộ: “Khi rừng rụng lá, đơn vị cứ nghĩ là sâu ăn lá như hàng năm. Đến lúc phát hiện rừng chết, đơn vị đã chủ động tìm nguyên nhân và khắc phục.”
Ông Trần Sáu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phú Tân, thừa nhận: “Hạt phát hiện rừng rụng lá nhưng chủ quan cứ nghĩ là sâu ăn lá.”
Lâm ngư trường Sào Lưới là chủ rừng, còn Hạt kiểm lâm Phú Tân trực tiếp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Họ đã vô tình nhìn rừng phòng hộ xung yếu chết mà không có biện pháp xử lý kịp thời.
Băm nát rừng phòng hộ
Con đê biển làm đường giao thông, chia đôi mảng rừng phòng hộ xung yếu và rất xung yếu ven biển Đông thuộc địa bàn xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu). Người dân địa phương gọi là đất nuôi tôm của cán bộ núp bóng “dân nghèo không đất”.
Những người dân nghèo không đất thành tá điền thời nay. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) |
Sở dĩ người dân sống khu vực này dám bạo miệng nói như vậy vì Huyện Hòa Bình có chủ trương cấp đất rừng ven biển cho dân nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc không đất sản xuất. Nhưng truy ra mới biết “các hộ nghèo, không đất” toàn là cán bộ lãnh đạo huyện, xã và tỉnh.
Gần 362 ha rừng phòng hộ ven biển Đông thuộc Trạm kiểm lâm Cái Cùng – xã Vĩnh Thịnh (Hòa Bình, Bạc Liêu) bị xé nát. Lợi dụng chủ trương thu hồi đất các đơn vị, cá nhân sử dụng không đúng mục đích, Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu “bắt tay” Hội đồng cấp đất huyện Vĩnh Lợi giao khoán cho cán bộ, gia đình cán bộ.
Nhưng gia đình cán bộ đâu có thời gian lội rừng, dầm mưa, ngủ muỗi. Cán bộ lại giao khoán như tầng lớp địa chủ mới. Những người dân nghèo không đất thành tá điền thời nay.
Ông Hoàng Văn Biên an ủi: “Anh em chúng tôi ở ngoài Bắc đến không quen biết nên khó thuê trực tiếp, phải chấp nhận giá cao vì thuê qua trung gian. Muốn thuê phải trả tiền ngay một lần cho thời hạn 3 năm hoặc 5 năm tùy theo hợp đồng. Đã bỏ tiền ra thì phải cố làm, lỡ tôm chết là lỗ vốn, phải “bay” về Bắc”.
Miễn cưỡng cứu vớt rừng phòng hộ
Nguyên nhân rừng phòng hộ ven biển từ Bạc Liêu đến Cà Mau chết hàng loạt là do rừng mắm bị “trấn nước”. Loài mắm đi tiên phong bám biển, có hệ thống rễ thở. Dưới chân rừng mắm, nước thủy triều lên xuống.
Con người làm cho nước ngập hệ thống rễ thở của cây mắm, chẳng khác nào trấn nước rừng mắm.
Ở Bạc Liêu, rừng mắm bị bao ví để nuôi tôm. Cây mắm bị trấn nước chết. Còn ở Phú Tân, Cà Mau thì Lâm ngư trường Sào Lưới đào đê bao phía trong, phía ngoài để cô lập rừng mắm. Nước thủy triều từ biển Tây không thể lưu thông dưới mặt đất rừng. Những trũng “nước treo” hình thành làm cho rừng mắm chết ngạt.
Dãy rừng phòng hộ là cây mắm, cây đước. (Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng) |
Tỷ lệ giao khoán của Chi cục kiểm lâm Bạc Liêu với lâm ngư dân là 30% nuôi thủy sản, 70% trồng rừng. Song, tỷ lệ này thực tế đã bị đảo ngược.
Người lao động nghèo huy động hết vốn liếng để nhận khoán đất rừng từ “địa chủ mới”. Họ cố sức mở rộng diện tích để nuôi tôm, triệt hạ cây rừng, nhằm thu lợi đủ “nộp tô”, còn lại nuôi sống gia đình.
Dãy rừng phòng hộ là cây mắm, cây đước từ đê biển trải dài sát mé biển có chiều rộng từ vài trăm mét đến 1.500 m, bị vuông tôm lấn dần, xác xơ rừng phòng hộ.
Sở NN-PTNT Cà Mau, kết luận: “Việc đắp toàn bộ hệ thống đập trên tuyến đê phòng hộ đã ngăn chặn quá trình truyền triều, tạo nên sự bồi lắng nhanh ở các tuyến rạch từ đê rừng ra biển và dọc ven rừng tạo thành đường gờ. Sau 3 năm, việc đắp đê, đập đã hình thành trũng nước treo ở đai mắm biển rừng phòng hộ. Đây là nguyên nhân dẫn rừng chết do ngập úng.
Đề nghị Lâm ngư trường Sào Lưới dùng cơ giới cắt thêm đường thoát nước với cự ly 200 m/con kinh. Về lâu dài, Lâm ngư trường Sào Lưới lập phương án mở lại các con đập và vét thông các tuyến ra biển, có thể làm cống xổ nước”.
“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Những cán bộ trục lợi đất người nghèo, “bức tử” rừng phòng hộ xung yếu biển Đông có chịu trách nhiệm như luật bảo vệ và phát triển rừng?
Rừng phòng hộ biển đông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu từ Sóc Trăng đến Cà Mau có diện tích 3.179 ha, giao khoán cho 417 hộ nhận khoán |