Tạ lỗi với rừng già

Nở nụ cười rạng rỡ của người đã đoạn tuyệt với thân phận lâm tặc đầy day dứt một thời, ông Ba Tùng mở đầu câu chuyện đầy tự hào về vườn quýt hồng trĩu quả trên nền sỏi đá của đỉnh Vồ Bà thuộc dãy Núi Cấm, An Hảo-Tịnh Biên (An Giang).

Vườn quả ngọt trên cao lộng gió

Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Thanh Tùng, sinh năm 1945 ở Núi Cấm. Tôi phát hiện vườn quýt của ông từ một hoài nghi… Thú thực, khi được đồng nghiệp địa phương “bắn tin” trên đỉnh Vồ Bà có vườn quýt trĩu quả, tôi không mấy tin tưởng. Bởi lâu nay, cây quýt nổi tiếng trong việc chọn đất, huống chi đây là nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Tuy nhiên vì hiếu kỳ, tôi quyết định leo núi để mục sở thị.

Dọc hai bên đường hơn 8 cây số từ chân núi lên chùa Phật Nhỏ, nhìn cây cổ thụ ủ rũ dưới cái nắng ngằn ngặt đầu mùa khô, sự hoài nghi trong tôi càng mãnh liệt. Từ chùa Phật Nhỏ, cuốc bộ thêm hơn cây số rồi “bò” qua 2 con dốc dựng đứng, chúng tôi mới đặt chân đến Vồ Bà. Trước mắt tôi là màu xanh trải dài đến mút tầm nhìn của quýt.

Ông Tùng đưa chúng tôi tham quan vườn quýt. “Trái gãy nhánh luôn!” – anh bạn đồng nghiệp không kiềm được cảm xúc trước “cây quýt đầu vườn lung linh quả ngọt”. Ông Tùng phấn chấn theo: Chút nữa lên đỉnh vồ nhìn thấy trái sẽ choáng luôn”!

Dù mới có 50% trong tổng số 5ha đất trồng quýt đến tuổi cho trái, nhưng chỉ một loáng bám đuôi ông Tùng lên đỉnh Vồ Bà, chúng tôi đã có cảm giác như đang luồn mình trong chiếc hang hẹp được kết cấu bằng bạt ngàn những chùm quýt trĩu quả. Trong đó ấn tượng nhất là 15 cây quýt đầu dòng “trái nhiều hơn lá”. Theo ông Tùng, có lẽ đang độ sung sức nên mỗi cây cho không dưới 500kg trái/mùa.

Chúng tôi lén hái một quả để kiểm tra chất lượng. Nước nhiều, vị chua ngọt… Dù có nhiều năm gắn bó với Đồng Tháp, vương quốc của quýt hồng, nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên tôi được thấy vườn quýt đẹp nhất. Bởi quýt ở đây không chỉ cho trái to, đẹp màu, mà vị lại có hậu ngọt thanh đến ngay cả những vườn của các bậc lão làng của thủ phủ quýt hồng Lai Vung cũng khó sánh kịp.

Ông Tùng tiên lượng: “Với kiểu đậu trái như vầy, Tết năm 2008 này 500 cây quýt sẽ cho từ 15-20 tấn trái, theo thời giá thường năm, chắc cũng kiếm được khoảng 100 triệu đồng”.

“Sỏi đá hoá thành cơm”

Tôi dè dặt hỏi đi, hỏi lại: “Chú bắt đầu với vườn quýt 5ha này từ trái quýt thối à?”. “ƯÂ, tôi nói thiệt mà, hồi đó nghèo lắm, cơm còn “bữa đực, bữa cái” lấy tiền đâu mà cam với quýt”, giọng chân chất, ông Tùng kể lịch sử hình thành vườn quýt trên đỉnh Vồ Bà: Hơn chục năm trước, thấy từ hốc đá nơi vợ tôi quăng bỏ trái quýt thối có 15 cây quýt con “gan cóc tía” vươn lên, tôi mang ra rẫy đậu que trồng chủ yếu để vợ… vui.

Sau đó do bận ngập đầu trong cơn bươn chải của gia đình 6 miệng ăn, ông Tùng đã quên khuấy 15 cây quýt, Dịp giáp Tết 3 năm sau, đang rầu vì Tết đến mà trong nhà lại “vắng hoe”, ông lang thang lên đỉnh Vồ Bà và bất ngờ vì 15 cây quýt đươm trái vàng ruộm. Hái về biếu lối xóm chưng Tết vẫn còn thừa, vợ ông bèn mang xuống núi bán. Vừa bày ra, nhiều bà nội trợ tranh nhau mua vì nghĩ rằng đó là quýt hồng Lai Vung.

Sau cái Tết “linh đình” bất ngờ ấy, ông Tùng dốc toàn lực mở rộng vườn quýt. Ngày lao vào cuộc mưu sinh, đêm sáng trăng, ông lại hì hục chiết cành rồi đục đá, đào hầm tạo nguồn nước tưới cho cây vào mùa hạn. Cứ thế, năm sau vạt đất trọc trên đỉnh Vồ Bà được phủ xanh với hơn 100 cây quýt cao hơn đầu người. Thế nhưng, ngay lần cho trái lại toàn màu đen, múi chai lì không giọt nước. Tiếc công, ông quyết định xuống núi tầm sư, nhưng hoàn thất bại.

Ông Chau Kanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hảo – nhớ lại: Hồi đó, mỗi khi thấy ông Tùng đẫm mồ hôi cuốc bộ xuống núi tìm tài liệu là ruột gan tôi như thắt lại. Thương người bền chí làm ăn, nhưng bản thân tôi cũng không rành thì biết lấy gì để chia sẻ!”.

Sau nhiều ngày “tiền mất, tật mang”, gia đình lại rơi vào túng bấn và bản thân ông trở thành cái đích đả kích của một số người: “Nghèo, không lo kiếm ăn, lại nghiên với cứu”. Với ông Tùng, những lời trái tai ấy rất nhức nhối, nhưng vì “lời nguyền” nên ông phải lăn xả và quyết định xuống Lai Vung “học đạo”. Duyên may, ông được lão làng giấu tên “móc” hết ngón nghề ra truyền. Khi chiếc túi tri thức làm vườn vừa căng lên thì chiếc túi gia đình xẹp xuống.

 
Ông Tùng và hồ nước nhân tạo tưới mát vườn quýt trong tháng khô hạn.

Ông Tùng nhắc lại quá khứ đầy tủi nhục của một thời: Mua chịu cái bình xịt 1 triệu đồng để phun thuốc bảo vệ thực vật, nhưng mãi 4 năm sau khi bình hư, bán ve chai rồi mà vẫn chưa có tiền trả. Mỗi lần đi ngang cửa hàng, tôi phải cúi mặt và đi thật nhanh để tránh nợ”. Cứ thế, hết vật vã với cái ăn, lại đối mặt với chuyện trồng cây, đục đá, đào hầm trữ nước tưới mùa hạn, 3 năm sau, ông đã gặt hái thành quả.

Tết 2005, 110 cây quýt cho 4,5 tấn trái, ông trả hết nợ. Đến Tết năm sau, cả nhà như lên cơn “sốt” khi tổng số tiền bán quýt lên đến trên 80 triệu đồng. Có thu nhập, ông lại dồn sức đầu tư phủ cây quýt lên toàn bộ 5ha trên đỉnh Vồ Bà và mở dịch vụ cung ứng quýt giống cho dân xứ núi.

Lời tạ lỗi

“Thật ra, đây chỉ là kết quả của lời tạ lỗi mà tôi đã nguyền từ những ngày sống đầy day dứt với thân phận lâm tặc”. Câu chuyện về hành trình tạ lỗi rừng của lâm tặc – của ông chủ vườn quýt hồng trên đỉnh Vồ Bà đã hấp dẫn chúng tôi đến mức không nhận ra hoàng hôn đã chìm vào đường chân trời.

Ông Tùng thật lòng: “Tôi được sinh ra và lớn lên bên suối Thanh Long. Là dân cố cựu của Núi Cấm, nhưng sau chiến tranh biên giới Tây Nam, cả nhà tôi rơi vào cảnh trắng tay. Sau nhiều ngày nài nỉ, cuối cùng tôi được một nông dân người Khmer thương tình bán chịu 2ha đất trên đỉnh Vồ Bà để làm lại cuộc đời. Ngày nhận đất quả là ác mộng cho cả gia đình, dưới sự tàn phá của chiến tranh, Vồ Bà trở thành đỉnh núi trọc”.

“Không có nguồn nước để ăn uống thì lấy đâu ra để trồng tỉa”, ông Tùng nhớ lại những tháng ngày cơ cực phải hứng từng ngụm nước từ các lạch nhỏ rồi gùi lên đỉnh vồ cho con, cho vợ ăn uống, sinh hoạt. Vì thế để có miếng ăn cho gia đình 6 người, ông chỉ còn chấp nhận vào vai lâm tặc.

Ngày âm thầm cưa cây hạ ván, đêm đến ông hì hục vác xuống các trại đóng hòm dưới đồng bằng để đổi gạo. Thế là lần lượt cây rừng thay nhau ngã xuống dưới lưỡi cưa của ông Tùng. Hết cây trên đất nhà, ông lại chuyển hướng vào rừng già. Rồi những nhu cầu của đàn con đang sức lớn lại một lần nữa đẩy ông lún sâu thêm khi kiêm nghề săn thú rừng.

Lẽ ra cái điệp khúc đầy day dứt này sẽ mãi cuốn theo chiều gió, nếu ông không một lần tận mắt chứng kiến cái chết bi thảm của mẹ con nhà khỉ. Lần đó, vừa nổ súng vào chú khỉ con, ông thấy từ trên cao con khỉ mẹ lao xuống ôm xác con đầy máu lao vút lên cây. Sau một hồi lay động mãi mà không thấy con tỉnh lại, khỉ mẹ siết chặt xác con vào lòng, ném đôi mắt rươm rướm vào ông Tùng như van lơn, cầu cứu… bất giác lòng ông bùi ngùi.

Đêm hôm đó, ông hoàn toàn mất ngủ khi trước mắt ông tái hiện hình ảnh ban chiều. Duy có điều thay vào chỗ của khỉ mẹ và khỉ con là người vợ lam lũ của ông đang trắng đêm chăm sóc cô gái út bị sốt…

Sau trắng đêm suy nghĩ, ông Tùng đi đến quyết định đoạn tuyệt với thân phận lâm tặc và tự nguyền với lòng sẽ dùng cả đời còn lại để khôi phục lại rừng. Nghĩ là làm. Rứt bỏ cưa, búa và khẩu súng săn, bàn tay ông đã bập những nhát cuốc đầu tiên lên nền đất Vồ Bà. “Lúc đó chỉ toàn có sỏi là sỏi thôi, chất màu mỡ của đất đã trôi tuột theo những ngày núi đồi bị tàn phá hết rồi…” – ông Tùng nhớ lại nỗi cơ cực của ngày đầu “hoàn lương”.

Khi xuống chân núi xin phân bò, lúc đi quét phân dơi trên rừng về bón cho đất suốt mấy năm liền mới có thể trồng được cây ngắn ngày như đậu que, trái su để “nuôi” cây quýt. Khi việc nhà tạm ổn, hai năm nay, mỗi năm ông Tùng chủ động chiết từ 800-1.000 nhánh quýt bán chịu kèm theo hướng dẫn, cộng cầm tay chỉ việc toàn bộ quy trình chăm sóc cây quýt để những người bạn “ngày xưa” của ông cùng có dịp lên đời.

Giúp nhiều người vậy, ông không sợ sau này bị cạnh tranh sao? Hướng đôi mắt ra rừng, ông Tùng buông giọng chắc nịch: “Đó là lời tạ lỗi của tôi với rừng già mà!”. Tôi chợt nhận ra từ đôi mắt cương nghị ấy lóng lánh vẻ tự hào đáng trân trọng!