Một nghiên cứu được công bố trên tờ Science chỉ ra rằng, do biến đổi khí hậu, Nam Phi có thể mất 30% sản lượng ngô và các cây lương thực khác vào năm 2030; khu vực Bắc Á sản lượng gạo, ngô và kê có thể giảm đến 10%. Cả thế giới đang lao đao trong cơn đói lương thực. Tất cả đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh nhân loại trước những hiểm họa nhãn tiền của biến đổi khí hậu.
Liên Hợp Quốc kêu gọi cần phải có hành động khẩn cấp ngay từ tháng 03/2007 khi giá lúa mì, đậu tương đã tăng 87% và tiếp ngay sau đó là 130%. Khả năng dự trữ lương thực toàn cầu đã ở mức thấp nhất kể từ trước tới nay. Giá các loại lương thực chủ lực như gạo, ngô và lúa mì sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc và Ấn Độ, và do việc sử dụng ngô và đậu tương cho các nguyên liệu thay thế để sản xuất nhiên liệu sinh học. Nhưng đáng chú ý hơn cả, thông báo của IAASTD tại UNESCO vào 04/2008 vừa qua cảnh báo rằng, 35% đất canh tác bị thoái hóa trên Trái đất lại đang trong tình trạng nguy hại trầm trọng do chính các hoạt động nông nghiệp
Sinh quyển thay đổi
Tất cả những điều kiện như bức xạ mặt trời, lượng mưa, nhiệt độ quyết định sự phát triển của cây trồng và tăng trưởng mùa vụ. Khoảng thời gian 50 năm đổ lại đây, khi những máy móc được phát minh với mục đích cơ giới hóa nông nghiệp thì cũng là lúc bầu sinh quyển đang dần bị tổn hại ngày một nhanh theo hướng tiêu cực do những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp từ con người. Mải chạy theo cỗ xe công nghiệp, phát minh các máy móc, công cụ đa phương tiện nhưng dường như loài người quên rằng, họ đang sống nhờ lương thực chứ không phải là các cỗ máy.
Lượng khí nhà kính được phóng thích vào khí quyển bởi các hoạt động của con người đã làm cho nhiệt độ Trái đất nóng lên. Mỹ là nước đi đầu trong việc đóng góp vào tổng lượng CO2 phát thải toàn cầu (chiếm 22%), và thế giới cũng đang trong tình thế báo động khi một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, Trung Quốc vượt Mỹ trong phát thải CO2.
Hình thức phát thải phần lớn là do các hoạt động công nghiệp tại các nước giàu, sử dụng năng lượng hóa thạch tại nhiều quốc gia đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ… và phần còn lại do các hoạt động phá rừng, đốt rẫy cùng quá trình giải phóng CO2 và mêtan từ các quá trình tự nhiên và hoạt động canh tác nông nghiệp ở các nước nghèo. Các phép đo gần đây đã chỉ ra rằng, hàm lượng CO2 đã vượt quá 380 ppm. Và như vậy, nhiệt độ toàn cầu có thể tăng từ 1,4-5,8oC vào 2100, vượt xa ngưỡng cảnh báo, là hoàn toàn có thể.
Khí nhà kính đang thay đổi nhiệt độ toàn cầu, đây là điều kiện đầu tiên tác động đến sinh trưởng của cây trồng. Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), trong 100 năm qua nhiệt độ toàn cầu đã tăng 2oC, và sẽ còn tiếp tục tăng vào thế kỷ tới. Như một phản ứng dây chuyền, khi nhiệt độ tăng, tốc độ bốc hơi từ đại dương và các mặt sông, hồ sẽ tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành và phân bố các đám mây, thay đổi lượng mưa trên diện rộng.
Cùng với hiện tượng ô nhiễm không khí, các hóa chất lơ lửng trong bầu khí quyển sẽ làm cho khả năng truyền và tán xạ tia sáng mặt trời giảm sút. Trung bình, Trái đất hấp thụ khoảng 60% năng lượng mặt trời, 40% còn lại sẽ phản xạ ngược trở lại vũ trụ. Nhưng do hiệu ứng nhà kính, lượng nhiệt mà Trái đất hấp thụ sẽ ngày một tăng. Bên cạnh đó, lượng mưa và phân bố mưa thay đổi khiến nhiều vùng hạn hán càng trở nên khô hạn trầm trọng trong khi lũ quét và ngập úng xảy ra thường xuyên hơn tại các vùng khác trên thế giới, biến Trái đất thành bộ mặt tương phản.
Do vậy có những cây trồng không phát triển được vì thiếu nước và số khác lại chết vì ngập úng. Một điều tra được tiến hành cho thấy khoảng gần 1000 hồ nước ở Trung Quốc đã biến mất trong suốt 50 năm qua. Ngoài ra, nhiệt độ của Ấn Độ Dương tăng cùng với hiện tượng El Nino là nguyên nhân gây nên hạn hán ở Tây và Nam Phi và khiến lượng mưa ở những nơi này giảm 25% trong suốt một thập kỷ qua.
Trái đất nóng lên đồng nghĩa với việc mở rộng các sa mạc trên diện rộng, đồng thời mực nước biển dâng do tan chảy của những băng hà sẽ nhấn chìm những vùng đất duyên hải, khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp biến mất. UNDP dự báo, cuộc xâm lăng hành tinh xanh của sa mạc sẽ khiến vùng cận Sahara có thể mở rộng thêm 60-90 triệu hecta vào 2060, gây thiệt hại khoảng 26 tỷ USD.
Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, đến 2100, Mỹ sẽ mất khoảng 5000 dặm vuông đất khô ráo và 4000 dặm vuông vùng ngập nước do nước biển dâng. Tổ chức FAO cũng thông báo rằng, các nước đang phát triển sẽ mất đi 11% diện tích đất canh tác sử dụng nước mưa vào năm 2080 so với năm 1995 và 65 nước đang phát triển có thể mất tới 280 tấn ngũ cốc, ước tính trị giá khoảng 56 tỷ USD do biến đổi khí hậu.
Một yếu tố vật lý khác tác động đến năng suất cây trồng đó là sự mở rộng của lỗ thủng tầng ôzôn sẽ khiến một lượng lớn bức xạ UV-B chiếu xuống bề mặt trái đất. Những loại bức xạ này gây ra những tác hại trực tiếp đối với hệ thực vật và là một trong những nguyên nhân đối với thay đổi sinh quyển. Tuy nhiên, những phản ứng của khí hậu không chỉ thể hiện thông qua các tác động vật lý. Những nghiên cứu gần đây cho thấy thành phần và tính chất của đất, nước và không khí đang thay đổi mạnh mẽ. Những đợt mưa axit tàn phá mùa màng ở Mỹ, Trung Quốc xuất hiện thường xuyên hơn. Những vùng đất canh tác nông nghiệp ven biển bị nhiễm mặn nghiêm trọng.
Hệ lụy toàn cầu
Mặc dù con người đã cải tiến công nghệ để tạo nên những công cụ canh tác hiệu quả với mục đích vừa nâng cao năng suất vừa giải phóng sức lao động như hệ thống tưới nước, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao trồng cây không đất…;, đột phá trong nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng biến đổi gene siêu năng suất. Nhưng tất cả những nỗ lực đó của con người sẽ bị vô hiệu hóa khi thời tiết đang trở thành chìa khóa quyết định an ninh lương thực toàn cầu. Và không ai khác, những quốc gia nghèo sẽ chịu những cú hích nặng nề nhất.
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chiếm 1/3 doanh thu xuất khẩu của hơn 50 quốc gia và cung cấp khoảng một nửa việc làm ở các nước phát triển. Đối với những công dân ở các nước nghèo thì sự sinh tồn phụ thuộc hoàn toàn vào gieo trồng. Tuy nhiên, công cụ và kỹ thuật canh tác của họ đều rất thô sơ và việc nuôi gia súc cũng chủ yếu là chăn thả cho nên giá trị và sản lượng nông nghiệp và chăn nuôi ở những nơi này là cực kỳ nhạy cảm với những biến đổi của thời tiết.
Những quan sát và tiên đoán của các mô hình thời tiết chỉ ra rằng, khi Trái đất nóng lên khiến thời tiết ở châu Phi ngày càng bất ổn, lượng mưa giảm nhưng đồng thời tần suất xuất hiện những cơn bão có chiều hướng tăng nhanh từ vài thập niên trở lại đây. Theo một điều tra cho thấy, những vùng cận Sahara, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đi đôi với lượng mưa.
Bên cạnh đó, tốc độ hóa sa mạc diện rộng đang trở thành những trở lực đối với quá trình xóa đói ở châu Phi, Trung Quốc và Nam Á. Theo báo cáo của IPCC, số người đói ở châu Phi vùng cận Sahara hiện nay đã vượt qua con số 300 triệu người. Dự báo, do tác động của hạn hán, đến năm 2020, năng suất cây trồng ở các vùng đất nông nghiệp ở châu lục này sẽ giảm 10-20%. Còn đối với Trung Quốc, trong vòng 20-80 năm nữa, sản lượng lúa, ngô có thể giảm 37%.
Rõ ràng, châu Phi, Đông và Nam Á, Mỹ Latinh là những khu vực mà nền nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất trước những thách thức của biến đổi khí hậu. ¾ dân số trên thế giới hiện nay sống leo lắt qua ngày chưa đầy 1 USD/ngày chủ yếu tập trung vào những khu vực này. Sản lượng lương thực giảm do hạn hán, lụt lội tại những “nồi cơm” của thế giới sẽ dồn thế giới tới tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng, đẩy giá gạo, lúa mì và các mặt hàng nông sản khác lên mức chưa từng thấy. Liên Hiệp Quốc cảnh báo, thế giới có thể thiếu hụt khoảng 80 triệu tấn gạo trong năm tới.
Trách nhiệm không chỉ riêng ai
Những hệ lụy và hậu quả trước tác động của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp và an ninh lương thực toàn cầu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nhân loại. Song song với việc phát triển các mô hình thời tiết để đưa ra những tiên đoán chính xác thì việc phát triển các mô hình nông nghiệp, kỹ thuật canh tác mới nhằm thích ứng với những biến đổi nhạy cảm nhất của thời tiết đang được cộng đồng các nhà khoa học quốc tế đặt ra.
Những khu nhà kính theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao có thể giúp sản xuất ngũ cốc ở những vùng đất bạc màu, khô hạn. Việc phát triển và áp dụng công nghệ vào sản xuất được các nhà khoa học cho là yếu tố sống còn quyết định đến an ninh lương thực toàn cầu. Phần lớn những nghiên cứu và cải tiến công nghệ cho nông nghiệp đều hướng vào những kịch bản mà IPCC và WB đưa ra.
Trong bài toán về an ninh lương thực trách nhiệm không chỉ của riêng ai. Những nước như Mỹ, cộng đồng châu Âu phải đi tiên phong và tích cực tham gia các thỏa ước quốc tế trong cuộc chiến chống lại sự thay đổi khí hậu. Tuy thuộc “top” những nước sản xuất gạo nhưng chính Mỹ cũng đang khốn đốn trong bối cảnh lương thực ngày càng trở nên khan hiếm.
Không chỉ tham gia tích cực các thỏa ước quốc tế, những nước giàu nên hỗ trợ công nghệ, vốn cho những nước đang phát triển nhằm cắt giảm tất cả những chất thải gây hiệu ứng nhà kính và suy giảm tầng ôzôn, đồng thời chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp ở những quốc gia có nền nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất trước những thay đổi của thời tiết.
Thực tế, những vựa lúa của thế giới lại thuộc về những nước đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Đây là những nước có kinh nghiệm canh tác truyền thống nhưng lại không đủ các công nghệ cho một nền nông nghiệp hiện đại. Thời tiết vẫn là yếu tố sống còn quyết định năng suất nền nông nghiệp tại những quốc gia này. Trong hơn 15 năm qua, Quỹ đa phương của Nghị định thư Montreal đã hỗ trợ cho gần 150 nước với số tiền gần 2 tỷ USD, tạo nên những biến chuyển tích cực trong vấn đề giảm thiểu phát thải khí gây tổn hại đến tầng ôzôn. Tuy nhiên, cho dù có thêm nhiều Quỹ như vậy đi chăng nữa nhưng nếu các “rốn” khí thải của thế giới không ban hành các chính sách và cơ chế và thực thi nghiêm chỉnh các thỏa ước quốc tế thì e rằng, trong thế kỷ tới những nước giàu cũng không có gạo để ăn. Thế giới lại khốn đốn trong “cơn đói”.
Dường như thế giới vẫn đang mê ngủ trong cơn đói có thể dội đến bất cứ lúc nào. Trong cán cân một bên là chạy theo công nghiệp còn bên kia là bám vào nông nghiệp để “nấu cơm” cho nhân loại chúng ta phải ưu tiên cho bên nào? Những gì đang diễn ra cho thấy, sự mất cân bằng giữa hai cán cân này ngày càng trầm trọng. Cỗ xe công nghiệp toàn cầu lăn bánh không kiểm soát đã đè lên thảm cỏ nông nghiệp. Và không gì khác, nền nông nghiệp toàn cầu đang là nạn nhân của chính sự phát triển công nghiệp. FAO khuyến khích các nước đang phát triển cải tiến kỹ thuật canh tác bằng việc áp dụng công nghệ và bán các tín dụng cácbon theo cơ chế CDM của Nghị định thư Kyoto. FAO cho rằng, công nghệ là chìa khóa để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Thật đáng buồn, kể từ khi Nghị định thư Kyoto ra đời, các nước phát triển đã không thực thi bổn phận giúp các nước đang phát triển đến nơi đến chốn.
Đã đến lúc các quốc gia phải cùng ngồi với nhau để sẻ chia trách nhiệm, cùng nhau đưa ra một lộ trình phát triển nông nghiệp bền vững dựa trên những quy định và chế tài bắt buộc để hạn chế, đối phó và thích nghi với những biến đổi khí hậu. Và bên cạnh việc thực thi các thỏa ước chung buộc các nước phải cam kết giảm thiểu khí nhà kính, thì các nước phát triển nên chuyển giao công nghệ để giúp những nước nghèo được trang bị những công cụ canh tác tối thiểu để đối phó trong mọi tình huống diễn biến của thời tiết, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực toàn cầu. Khi cộng đồng quốc tế chưa tìm được các biện pháp hữu hiệu để hạn chế những rủi ro của biến đổi khí hậu thì những nỗ lực của các nước giàu chung tay hỗ trợ các nước nghèo đang là nạn nhân đầu tiên và dễ tổn thương nhất là cần thiết hơn cả.