Củ cải không chỉ là món ăn ngon mà còn là vị thuốc quý. Theo bác sĩ Phó Đức Thuần, loại củ này có thể chữa được nhiều bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu và các bệnh tiểu đường, huyết áp cao…
Ngoài ra, củ cải còn có công dụng chữa nôn ra máu, chảy máu cam, tiêu, tiểu ra máu, trừ sỏi mật và giải một số tình trạng ngộ độc như: hơi khói than, rượu, cà, hàn the…
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc dễ chế biến từ củ cải:
– Bí tiểu, đau tức do nhiệt tích bàng quang: Củ cải tươi 200 g, hành tây 100 g, gạo tẻ 50 g, gia vị vừa đủ, nấu thành cháo. Dùng ngày hai lần vào lúc đói.
– Rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy, mệt lả): Củ cải 150 g, cà rốt 150 g, xương sườn 200 g (chặt khúc ngắn), gia vị. Ăn kèm rau cải cúc đã hấp chín (trước khi ăn cơm).
– Chữa tiểu ít, tiểu đục, có sỏi: Dùng một trong các cách như ép nước củ cải tươi, sắc củ cải tươi để uống, lấy củ cải khô tán bột (trước đó có tẩm mật sao nhiều lần hoặc không tẩm mật) uống hoặc làm hoàn. Khi uống cho thêm ít muối.
– Tiêu cơm, tan đờm: Củ cải trắng 250 g, thịt heo nạc 100 g, bột gạo hoặc mì 250 g, gừng, hành, muối, dầu vừa đủ. Củ cải thái chỉ, xào tái cùng thịt heo (thái sợi), trộn làm nhân bánh. Làm chín bánh bằng cách hấp hoặc rán.
– Chữa lưng đau gối mỏi, dễ yếu mệt ở người già: Chim cút hai con, củ cải 200 g, dầu, gừng, gia vị vừa đủ. Chim cút chặt thành miếng vuông cạnh 2 cm. Củ cải thái miếng dài 4 cm, rộng 2 cm. Rán thịt chim đổi màu mới cho củ cải vào xào, rồi cho gia vị, thêm ít nước vào nấu cho đến khi chín.
– Trừ đàm tích, giúp tiêu hóa tốt: Ăn dưa cải củ muối. Thường dùng lúc trời hanh gây khô cổ, dễ bị ho hoặc dùng khi có đờm, ăn khó tiêu (nhất là khi ăn món nhiều thịt mỡ). Nên ăn khi dưa củ cải còn trắng giòn.
– Tiểu đường: Củ cải tươi 200 g (gọt vỏ, thái sợi), gạo tẻ 50 g, gạo nếp 50 g, nấu thành cháo, ăn nóng, ngày hai lần. Mỗi liệu trình 3-5 ngày liền.
– Để chữa hen, có thể lấy củ cải trắng sao giòn, tán nhỏ, ngào với đường mía rồi làm thành viên bằng hạt bắp, cho vào lọ đậy kín. Mỗi lần lên cơn hen, uống 40-50 viên với nước ấm.