Những nông dân đeo thẻ qua sân golf Phượng Hoàng

ThienNhien.Net – Con số các dự án đầu tư xây dựng sân golf trên cả nước ta trong vài năm gần đây tăng lên rất nhanh, bao chiếm gần 5 vạn hecta đất, trong đó có một tỉ lệ không nhỏ đất nông nghiệp. Môn thể thao quý tộc này tác động thế nào tới môi trường sinh thái? Người nông dân không còn đất đai canh tác sống ra sao quanh các sân golf tráng lệ, xa hoa?

Sân Golf trên bàn nghị sự

Sáng
ngày 30/5/2008 Kỳ họp thứ 3 khoá XII của Quốc Hội bước vào phiên thảo
luận tại Hội trường. Trong nhiều nội dung chất vấn, những vấn đề liên
quan đến “tam nông” và các dự án sân golf đi liền với hiểm hoạ gây ô
nhiễm môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái được không ít đại biểu quan
tâm.

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ
Hồng Phúc, cử tri được biết đến nay cả nước ta đã có 141 sân golf đi
vào hoạt động ở 39 tỉnh thành. Diện tích đất đai giành cho số sân này
tổng cộng 49.268 ha, trong đó 2625 ha nguyên là đất trồng lúa.

Trong
số dự án sân golf đã triển khai có 77 sân do Chính phủ phê duyệt , 64
sân do các tỉnh thành cấp phép. Và còn nhiều dự án khác đang chờ được
thông qua…

Xin từ chức Bí thư, nếu …


Sáng 30/5 ấy, trong lúc các đại biểu Quốc Hội đang chăm chú lắng nghe Bộ trưởng giải trình về sự bành trướng nhanh chóng của các dự án sân golf, thì hơn hai mươi phóng viên thuộc nhiều cơ quan báo chí trong cả nước tập trung về làng Văn hoá Việt- Mường ở huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình dự Hội thảo với chủ đề “ Phát triển và đánh đổi lợi ích môi trường trong bối cảnh Việt Nam”, rồi  tiếp tục lên xe đến 2 sân golf gần nhất, để trực tiếp gặp gỡ những nông dân vừa san nhượng ruộng đất ông cha để lại cho trò chơi xa xỉ này.


Hoà Bình, tỉnh nhỏ miền núi ở cửa ngõ Tây Bắc cách Hà Nội 76km, trước ngày sát nhập về Thủ đô đã không “ thua chị kém em” trong việc nhanh chóng giành riêng những khoảng không gian sơn thuỷ hữu tình cho các nhà đầu tư sân golf. Sân Phượng Hoàng nằm trên địa bàn xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn đã đi vào hoạt động từ tháng 11/ 2006, còn sân Hồ Văn Sơn trải rộng trên 3 xã thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây vẫn đang trong giai đoạn thi công.
 
Lâm Sơn- xã thuần nông có 4.078 dân vốn chỉ biết trồng lúa và trồng rừng, không có nghề phụ. Từ tháng 9/2004 tỉnh đã ra quyết định thu hồi gần 312 ha ruộng nương, điền thổ giao cho tập đoàn Charm Vit để xây dựng sân golf . Cả trăm hecta ruộng lúa toàn xã giờ không còn rẻo nào. Ban đầu dân chúng phấn khởi vì viễn cảnh mỗi nhà được ôm “ một cục tiền to” đền bù giải toả mặt bằng, được nghe hứa hẹn sẽ giải quyết công ăn việc làm ngon lành cho con em, sẽ dạy nghề, “ thăng” nông dân lên làm công nhân sân golf nhàn hạ lương cao hoặc vào các nhà máy, khu công nghiệp.

Với giá đền bù từ ba mươi mốt đến ba mươi hai nghìn đồng mỗi mét vuông, mỗi hộ tuỳ diện tích đất bị thu hồi đã nhận bồi thường từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Trong cơn choáng váng bỗng dưng ôm trọn cả khối tiền nằm mơ cũng  chưa bao giờ thấy, như mọi nông dân cả đời khó nghèo ở hầu hết các khu tái định cư khác trong cả nước, hộ nào cũng đua nhau dốc túi sắm xe xây nhà . Khi tiền đã cạn, họ mới hoang mang không biết mai mốt đây sẽ sống bằng gì ?!

 Những người nông dân
Những toà nhà lớn mọc trên sân golf. (Ảnh: Hoàng Thiên Nga)

Trong hàng nghìn lao động mất đất, 90 thanh niên đã được chọn đào tạo nghề đan lát mây tre. Học xong, thử hạch toán thì tại đây, nghề mây tre trừ mọi chi phí linh tinh, công sá chỉ được khoảng mười đến hai mươi nghìn cho mỗi ngày còng lưng đan lát. Thế là nghề chưa nhóm đã tan ! Còn vài chục thanh niên được các ông  bà chủ Hàn Quốc đưa vào làm việc tại sân golf, trả công 40.000đ/ ngày thì chẳng bao lâu đã bị sa thải lần hồi vì chủ sân chẳng còn mấy công việc phù hợp với họ. Ăn không ngồi rồi của núi cũng cạn. Nhiều hộ bắt đầu đứt bữa, huyện phải về phát gạo cứu đói. Con em xóm Thung Dâu rớt lại phía sau sân golf lần lượt bỏ học vì lối đi vòng đến trường quá xa.  
 
Nguy hiểm nhãn tiền hơn cả là nỗi khổ sinh hoạt bằng nguồn nước ô nhiễm. Thảm cỏ nhung trên mặt sân golf mỗi tuần được phun thuốc trừ sâu một lần. Bình phun thuốc rửa dưới suối, nước rửa cỏ cũng  tràn xuống suối. Toàn bộ khu tái định cư phải sử dụng nước từ dòng suối Rồng ấy do chủ sân golf bơm lên vì ở đây không đào giếng được, cứ khoan xuống 5-6 mét đã đụng tầng đá vôi.
 
Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã Lâm Sơn- ông Hoàng Ngọc Kiều thở dài tâm sự: “Mới đây, tháng 5/2008 cán bộ Sở và chuyên gia Môi trường về đo độ ô nhiễm đã tuyên bố nguồn nước suối Rồng này không dùng được. Nhưng chúng tôi làm gì còn sự chọn lựa nào khác? Gia đình tôi hàng ngày vẫn dùng nguồn nước nhiễm độc lọc qua máy để ăn uống, tuy biết chẳng an toàn !”
 
Điều hành, chỉ đạo kiểu gì đây trong cuộc sống chung đầy bất ổn với ô nhiễm, thất nghiệp, thất học, giữa bao tệ nạn xã hội rập rình xung quanh ? Hầu như tháng nào xã cũng gửi văn bản kêu cứu lên các cấp nhưng chẳng thấy hồi âm. Quá bí, Bí thư Kiều đành trình “tối hậu thư”, rằng nếu bề trên buông trôi trách nhiệm giải quyết hoạ hậu sân golf cho xã, Bí thư xin từ chức ! 
 
Nỗi lòng không chỉ của người dân Xóm Rồng
 Xóm Rồng là khu tái định cư tập trung cho những hộ mất đất đai nhà cửa vì sân golf Phượng Hoàng. Đầu làng cuối xóm, nhà nào trông cũng khang trang, mới mẻ. Thậm chí cổng làng còn kẻ dòng chữ “Trai làng quyết giữ gái làng ”, thật vui mắt !

 Những người nông dân
Người dân xóm Rồng than thở với nhà báo.
(Ảnh: Hoàng Thiên Nga)

Thế nhưng, vào sâu trong xóm lại toàn nghe những lời thở than! Dân xóm Rồng cho biết cả tháng nay họ “muốn chết vì không có nước dùng”, đến nước ô nhiễm cũng không còn, không hiểu vì suối Rồng đã cạn hay vì nhà chức trách cấm bơm nguồn nước này cho dân. Bây giờ cả xóm phải đi thật xa lên núi tìm nước dẫn về. Nhọc nhằn, nhỏ giọt, khi có khi không.
 
Trong mấy trăm hộ bị thu đất, vài chục hộ vẫn còn sót lại mấy vạt nương phía sau sân golf. Sân cổng cao rào kín tứ bề, nông dân chẳng có cách nào qua lọt. Để tỏ mối thịnh tình của tập đoàn với người bản xứ, chủ sân đã gom các chủ nương lại, làm cho mỗi nông dân một cái thẻ. Sáng sáng chủ nương đeo thẻ đứng chờ, xe sân golf tới chở lên nương.
 
Chiều chiều chủ nương đeo thẻ đứng chờ, xe sân golf tới chở về xóm. Nghe chúng tôi trầm trồ khen: Đi nương bằng ôtô, oách thật! Chị X., một chủ nương kêu lên: Gớm, để ra tới chỗ đón xe, chúng tôi phải gánh chuối đội ngô trèo đồi tuột dốc tới mấy bận vì sân golf đã rào mất lối ra đường, cực hơn con chó! Cả xóm chúng tôi giờ chỉ ước thà nhà tranh vách nứa lụp xụp như ngày xưa mà mình được làm chủ đất của mình, làm chủ đời mình. Chứ sống vật vờ, thân phận sâu kiến kiểu này chẳng biết ngày mai sẽ ra sao!
 
Rời xóm Rồng, đoàn nhà báo chúng tôi đến gõ cổng sân golf. May hôm nay không có các VIP chơi golf, chủ sân lịch sự mời khách vào. Quả là một vùng trời nước long lanh, cỏ hoa lộng lẫy. Địa thế chơi vơi, núi non hùng vĩ nơi đây tiết kiệm biết mấy công của cho chủ đầu tư đỡ phải đắp núi khơi hồ nhân tạo. Golf là thế! Thú chơi phong lưu của giới sang giàu bởi chỉ để sở hữu chiếc thẻ hội viên đã tốn từ một vạn đến vài vạn đô la tuỳ sân, mỗi buổi chơi tiêu tốn thêm vài trăm đô nữa, chưa kể bao nhiêu thứ phụ phí đồng bộ đắt đỏ khác. Tuy nhiên, để trau chuốt nên sự long lanh phục vụ thiểu số giàu sang đó, toàn bộ môi trường xung quanh phải hứng chịu sự nhiễm độc kinh hoàng.
  

 Những người nông dân
Nông dân đi nương về. (Ảnh: Hoàng Thiên Nga)

Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) khẳng định: Không chỉ góp phần phá rừng, huỷ diệt côn trùng, đảo lộn cân bằng sinh thái, mỗi hecta sân golf còn cần chăm sóc bằng khối lượng hoá chất gấp từ ba đến năm lần mỗi hecta sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm nặng cả nguồn nước mặt lẫn nước ngầm.
 
Chính vì vậy trò chơi golf bị phản ứng quyết liệt ở các nước phát triển và các nhà đầu tư golf dạt qua các nước nghèo, giá đền bù rẻ, công đoạn giám sát xử lý chất thải ra môi trường lại lỏng lẻo dễ dàng.
 Bước trên thảm cỏ nhung sân golf Phượng Hoàng Phương Bắc, tôi chạnh lòng nhớ những vạt đồi vàng ươm cỏ mật thuở Đồi Cù giữa lòng thành phố Đà Lạt chưa bị biến thành sân golf, chưa trở thành nỗi đau của xứ sở du lịch phương Nam. Đồi Cù thơ mộng êm ả là tình yêu, là niềm tự hào của người dân phố núi, của tất cả những sinh viên văn khoa suy dinh dưỡng, làm thơ cho quên đói như chúng tôi lúc bấy giờ. Ngay sau khoá chúng tôi ra trường, từ năm 1991 Công ty Du lịch Lâm Đồng đã hớn hở ký hợp đồng liên doanh với Công ty Danao của một tỉ phú Mỹ, với niềm tin sẽ thu lãi nhiều triệu đô la từ việc biến Đồi Cù thành sân golf.

Đồi Cù bị rào kín trong sự bất bình không chỉ của người dân địa phương. Nhưng hàng chục năm qua, ngân sách tỉnh chẳng thu được gì từ sân golf này vì Danao liên tục báo cáo thua lỗ; banh sân golf liên tục bay trúng đầu người qua đường, rớt đầy vào vườn nhà dân; còn hồ Xuân Hương trong xanh ngay dưới chân đồi thì nhiễm đầy tảo độc vì hoá chất rửa cỏ sân golf tràn xuống. Bao nhiêu kiến nghị phản đối đều vô vọng bởi thời hạn liên doanh còn kéo dài tới vài chục năm sau… Đã có nhiều bài báo phân tích đâu là lợi ích có thật ở mặt trái những dự án sân golf.

Đó là bánh vẽ, là bao chiếm, là buôn bán nhà đất, vân vân và vân vân. Phần nhiều số sân có diện tích ba trăm, năm trăm, thậm chí cả nghìn hecta. Chỉ một phần nhỏ đất trong diện tích đó thật để chơi golf. Còn lại, là nhà hàng khách sạn, spa, biệt thự, khu nghỉ dưỡng cao cấp, với thuế suất dĩ nhiên rất ưu đãi so với mức thuế kinh doanh bất động sản. Ngay trước mặt chúng tôi đây, những toà nhà đồ sộ đã mọc lên, nối dài và sẽ còn mọc lên nữa, trên những thửa ruộng từ hàng nghìn năm qua đồng bào tỉnh Hoà Bình từng cấy cày gặt hái.

Ngày sân vắng khách, lác đác nông dân sau buổi làm nương được băng qua lối mòn ven sân về xóm cho đỡ đoạn đường dài. Một phóng viên ảnh trong đoàn bật ra ý tưởng: Sẽ quay lại đây sáng tác, nhân vật là nông dân, bối cảnh là sân golf. Những nông dân đeo thẻ mệt nhọc nổi bật trên nền cỏ nhung sang trọng xanh biếc, hay không?

Tôi chưa thấy ảnh, chỉ thấy người, mà xót xa đã nhói tận đáy lòng sâu thẳm.